BIỆN PHÁP TẠM GIỮ TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Biện pháp tạm giữ là một trong các biện pháp ngăn chặn sử dụng trong tố tụng hình sự. Biện pháp này nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án. Vậy những đối tượng nào có thể bị tạm giữ? Thời hạn tạm giữ tối đa là bao lâu? Ai là người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ và trình tự, thủ tục tạm giữ như thế nào?

Sau đây Equity Law Firm xin được tư vấn về vấn đề này như sau:

biện pháp tạm giữ
EQUITY LAW FIRM – TƯ VẤN THỦ TỤC TỐ TỤNG – TƯ VẤN PHÁP LUẬT – ĐẠI DIỆN THEO ỦY QUYỀN

1. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

– Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015.

– Thông tư liên tịch 04/2018/ TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 Quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của bộ luật tố tụng hình sự

2. NỘI DUNG TƯ VẤN

2.1. Thế nào là biện pháp tạm giữ?

Biện pháp tạm giữ là biện pháp ngăn chặn do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng. Biện pháp tạm giữ hạn chế tự do thân thể trong một thời hạn nhất định.

Cũng như các biện pháp ngăn chặn khác, áp dụng biện pháp tạm giữ nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án.

2.2. Đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giữ

Khoản 1 Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định các đối tượng có thể bị tạm giữ như sau:

Điều 117. Tạm giữ

1. Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã..

Thứ nhất, người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp.

Người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp là người mà khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Ngươi mà người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; Hoặc Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.

Không phải mọi trường hợp bị bắt trong trường hợp khẩn cấp đều áp dụng biện pháp tạm giữ. Biện pháp này chỉ áp dụng khi xét thấy cần thiết.

Thứ hai, người phạm tội quả tang.

Người phạm tội quả tang là người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt. Việc phát hiện tội phạm đang thực hiện; ngay sau khi thực hiện tội phạm và việc đuổi bắt phải kế tục, liên tiếp về mặt thời gian.

Thứ ba, người phạm tội tự thú.

Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình. Việc khai báo thực hiện trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.

Thứ tư, người phạm tội đầu thú.

Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.

Thứ năm, người phạm tội bị bắt theo quyết định truy nã.

Người bị tạm giữ bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ; gia hạn tạm giữ.

2.3. Thời hạn tạm giữ

Thời hạn tạm giữ được quy định tại Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Điều 118. Thời hạn tạm giữ.

1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.

2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày….

Vậy thông thường thời hạn tạm giữ là 03 ngày. Thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng tối đa không quá 09 ngày. Trường hợp gia hạn thời hạn tạm giữ cần có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát.

Trường hợp một người đã bị tạm giữ sau đó bị tạm giam thì thời hạn tạm giữ sẽ được trừ vào thời hạn tạm giam. 01 ngày tạm giữ bằng 01 ngày tạm giam.

2.4. Thẩm quyền ra quyết định tạm giữ

Điều 117. Tạm giữ.

2. Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm giữ.

Theo đó, những người cố thẩm quyền ra quyết định tạm giữ bao gồm thủ trưởng, phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra; Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.

Việc tạm giữ phải có quyết định tạm giữ. Người thi hành quyết định tạm giữ phải thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ theo quy định của pháp luật.

Trên đây là tư vấn của EQUITY LAW FIRM về “BIỆN PHÁP TẠM GIỮ TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ.”

LIÊN HỆ LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 078 569 0000 – 0969 099 300

Phụ trách nội dung: ThS. LS. Phan Công Tiến – Luật sư điều hành Equity Law Firm

Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà Bình Vượng Tower, số 200 đường Quang Trung, phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Email: tienpc@equitylaw.vn – luatsucongtien@gmail.com

Fanpage: https://www.facebook.com/equitylaw.vn

Zalo liên hệ Luật sư: zalo.me/3357157996900972250

Quét mã QR Zalo Luật sư:

Bạn có thể tham khảo các bài viết liên quan của Equity Law Firm:

– BIỆN PHÁP TẠM GIAM TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ.

– THỦ TỤC THUẬN TÌNH LY HÔN.

– CÁC TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

– THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ