Lý thuyết: Điều kiện lịch sử và những tiền đề ra đời của triết học Mác

Sự phát triển của những quan hệ tư bản chủ nghĩa ở các nước lớn Tây Âu làm lộ rõ thêm những mâu thuẫn bên trong vốn có của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Khi giai cấp tư sản chưa trở thành giai cấp thống trị về chính trị và còn là một lực lượng cách mạng chống chủ nghĩa phong kiến thì sự đối lập giữa lợi ích của nó với lợi ích giai cấp của giai cấp vô sản chưa bộc lộ một cách gay gắt. Nhưng sau khi đã xác lập được sự thống trị của mình rồi, nó không còn là giai cấp cách mạng nữa và nó dần dần trở thành lực lượng bảo thủ. Những mâu thuẫn giai cấp vốn có của xã hội tư bản ngày càng gay gắt mà trước hết, là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản. Mâu thuẫn này là sự biểu hiện về mặt xã hội của mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa: mâu thuẫn giữa một bên là tính chất xã hội hóa và trình độ phát triển ngày càng cao của lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa với một bên là quan hệ sản xuất tư nhân tư bản chủ nghĩa.

Ở thời kỳ này, phong trào vô sản đã phát triển mạnh mẽ và giai cấp vô sản ngày càng chứng tỏ là một lực lượng xã hội to lớn, đóng một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị – xã hội. Ở Anh, phong trào Hiến chương của công nhân trở thành một phong trào chính trị có tính chất qủần chúng rộng lớn. Ở Pháp, cuộc đấu tranh của công nhân chống bọn tư bản đã phát triển thành một loạt cuộc khởi nghĩa vũ trang. Cuộc khỏi nghĩa của công nhân Liông nổ ra năm 1831 đã bác hiệu một giai đoạn mới của cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội tư bản. Nước Đức ở vào đêm trước của cuộc cách mạng tư sản nhưng giai cấp vô sản Đức đã tiến công mạnh mẽ vào giai cấp tư sản mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của thợ dệt Xilêdi năm 1844.

Giữa những năm 40 của thế kỷ XIX, trung tâm của phong trào cách mạng chuyển sang nước Đức, trong khi nước này đang phải hoàn thành cuộc cách mạng tư sản. Cuộc cách mạng tư sản Đức diễn ra trong những điều kiện lịch sử phát triển hơn so với nước Anh trong thế kỷ XVII và nước Pháp trong thế kỷ XVIII. Giai cấp tư sản Đức khiếp sợ cách mạng và ngày càng biến thành lực lượng phản cách mạng. Nó lo sợ trước sự phát triển của giai cấp vô sản Đức và sự thức tỉnh ý thức cách mạng của giai cấp này. Nó thỏa hiệp với giai cấp phong kiến nhằm chống lại phong trào cách mạng của quần chúng lao động. Giai cấp vô sản Đức phát triển cuộc đấu tranh của mình, một mặt, chống lại chế độ phong kiến và, mặt khác, chống lại ngay chính giai cấp tư sản. Nhưng chính họ lại chưa giác ngộ về địa vị của họ trong tiến trình lịch sử, chưa thấy con đường và thủ đoạn thực hiện việc giải phóng bản thân họ và toàn xã hội. Phong trào vô sản ở Tây Âu lúc đó còn mang tính chất tự phát và thiếu tổ chức, chưa có lý luận khoa học dẫn đường. Các học thuyết xã hội chủ nghĩa không tưởng – phê phán của Xanh Ximông, Phuriê, Ôoen không đáp ứng được yêu cầu của phong trào vô sản, không thể hiện được những lợi ích căn bản rủa giai cấp vô sản trong sự nghiệp giải phóng lao động khỏi chế độ tư bản chủ nghĩa. Chính C.Mác và Ph.Ăngghen đã thực hiện sứ mệnh vẻ vang đó: sáng tạo lý luận cách mạng của phong trào vô sản, luận giải đúng đắn thế giới quan và hệ tư tưởng của giai cấp vô sản, đáp ứng nhu cầu lịch sử quan trọng nhất của phong trào vô sản. Giai cấp vô sản đã tìm thấy ởtriết học Mác vũ khí tinh thần của mình, cũng giống như triết học Mác đã tìm thấy giai cấp vô sản như là vũ khí vật chất của mình.

Sự xuất hiện chủ nghĩa Mác phản ánh các quá trình kinh tế – xã hội xảy ra không những ở Đức mà ở cả các nước khác ở châu Âu, đặc biệt là ở Anh và Pháp, phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản ở các nước đó. Nhưng rõ ràng là muốn khái quát được tiến trình lịch sử và xác minh một cách khoa học con đường phát triển tiếp theo của xã hội, cần phải tiến hành một công tác nghiên cứu khoa học lớn lao, phải dựa vào tất cả những thành tựu của tư tưởng khoa học trước đó. Với thiên tài của mình, Mác và Ăngghen đã kế thừa được những thành tựu lớn lao nhất của tư tưởng loài người: triết học cổ điển Đức, chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp và kinh tế – chính trị học cổ điển Anh.