Đô thị loại 1,2,3,4,5 và đô thị đặc biệt tại Việt Nam

Đất nước Việt Nam rất đẹp, trải dài khắp mọi miền của dải đất hình chữ S là các dân tộc anh em sinh sống, mỗi vùng miền có một nét đặc sắc văn hóa riêng. Đô thị- một khái niệm nếu cách đây 20 năm nghe còn lạ lẫm thì giờ đây đã không còn xa lạ. Đời sống xã hội phát triển, đô thị ở Việt Nam mọc lên khá nhanh và trình độ phát triển cũng có sự phân hóa rõ rệt. Bài viết dưới đây sẽ đưa đến bạn đọc các nội dung cơ bản về đô thị loại 1,2,3,4,5 và đô thị loại đặc biệt tại Việt Nam.

Căn cứ pháp lý:

– Thông tư 01/2021/TT-BXD về QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành định nghĩa về đô thị

– Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568

1. Khái niệm đô thị:

“Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn.”

Việc phân loại đô thị được thực hiện trên cơ sở Chương trình phát triển đô thị quốc gia, Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và Chương trình phát triển từng đô thị để quản lý phát triển đô thị, bảo đảm phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội. Đô thị ở Việt Nam được chia thành 6 nhóm như sau:

– Đô thị loại I, loại II là TP trực thuộc Trung ương có các quận nội thành, huyện ngoại thành và có thể có các đô thị trực thuộc; là TP thuộc tỉnh có các phường nội thành và các xã ngoại thành.

– Đô thị loại III là TP hoặc thị xã thuộc tỉnh có các phường nội thành, nội thị và các xã ngoại thành, ngoại thị.

– Đô thị loại IV là thị xã thuộc tỉnh có các phường nội thị và các xã ngoại thị. Đô thị loại IV, đô thị loại V là thị trấn thuộc huyện có các khu phố xây dựng tập trung và có thể có các điểm dân cư nông thôn.

– Đô thị loại đặc biệt là TP trực thuộc Trung ương có các quận nội thành, huyện ngoại thành và các đô thị trực thuộc.

2. Mục đích, nguyên tắc phân loại đô thị:

Mỗi đô thị có quy mô và tình hình phát triển không giống nhau. Việc sắp xếp nhóm phân loại các đô thị giúp nhà nước dễ dàng quản lý và hoạch định kế hoạch phát triển của địa phương đó.

Về nguyên tắc, mục đích của phân loại đô thị được quy định cụ thể tại điều 2 Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị như sau:

– Phân loại đô thị nhằm xác lập cơ sở đánh giá chất lượng đô thị; tổ chức, sắp xếp và quản lý, phát triển hệ thống đô thị, các khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị, thị trấn, khu vực dự kiến thành lập quận, phường; phản ánh đúng trình độ phát triển đô thị, đô thị hóa; làm căn cứ cho công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, hoạch định chính sách phát triển đô thị; thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng và điều kiện sống đô thị.

– Phân loại đô thị được thực hiện trên cơ sở quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và chương trình phát triển đô thị các cấp để quản lý phát triển đô thị, bảo đảm phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội.

– Đô thị, khu vực dự kiến hình thành đô thị, khu vực dự kiến thành lập quận, phường được quy hoạch đô thị và đầu tư xây dựng đạt tiêu chí, tiêu chuẩn của loại đô thị nào thì được phân loại đô thị, đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định của loại đô thị tương ứng.

– Phân loại đô thị đối với khu vực dự kiến hình thành đô thị, đánh giá tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập quận, phường là một trong những cơ sở để xem xét thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đô thị, sắp xếp đơn vị hành chính. Phạm vi phân loại đô thị, đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đã được công nhận phải trùng với phạm vi dự kiến thành lập, điều chỉnh đơn vị hành chính đô thị.

– Phân loại đô thị được áp dụng theo vùng miền, theo yếu tố đặc thù và thực hiện bằng phương pháp tính điểm. Điểm phân loại đô thị là tổng số điểm đạt được của các tiêu chí phân loại đô thị.

3. Những đặc điểm của đô thị 1,2,3,4,5 và đô thị đặc biệt:

Đô thị loại I

Là đô thị trực thuộc Trung ương có chức năng là trung tâm kinh tế, văn hóa… có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của một vùng lãnh thổ liên tỉnh hoặc của cả nước. Đô thị trực thuộc Trung ương quy mô dân số đạt 1 triệu người trở lên; mật độ dân số nội thành đạt 12.000/km². Đô thị trực thuộc tỉnh đạt 500.000 người trở lên và có mật độ dân số nội thành tối thiểu 10.000 người/km².

Đô thị loại II

Đô thị loại II có quy mô dân số đạt từ 300.000 người trở lên. Trường hợp đô thị loại II trực thuộc Trung ương thì quy mô dân số phải đạt trên 800.000 người. Đô thị trực thuộc tỉnh có mật độ dân số từ 8.000 người/km² trở lên; trường hợp đô thị trực thuộc Trung ương thì quy mô mật độ dân số từ 10.000 người/km² trở lên. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành tối thiểu đạt 80% so với tổng số lao động.

Đô thị loại III

Đô thị loại III có dân số từ 150.000 người trở lên; mật độ dân số khu vực nội thành, nội thị từ 6.000 người/km² trở lên. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành, nội thị tối thiểu đạt 75% so với tổng số lao động. Đô thị loại III, loại IV, loại V thuộc danh mục đơn vị hành chính được cơ quan có thẩm quyền xác định là miền núi, vùng cao thì mức tối thiểu của các tiêu chuẩn của tiêu chí quy mô dân số, tiêu chí mật độ dân số bằng 50% mức quy định của loại đô thị tương ứng, mức tối thiểu của các tiêu chuẩn khác bằng 70% mức quy định của loại đô thị tương ứng; Đô thị loại III có thể là một thị xã hoặc thành phố thuộc tỉnh (hoặc một thị trấn và khu vực phụ cận nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn).

Tính đến ngày 20 tháng 4 năm 2022, cả nước có 47 đô thị loại III, bao gồm:

29 thành phố: Yên Bái, Điện Biên Phủ, Hòa Bình, Hội An, Hưng Yên, Kon Tum, Đông Hà, Bảo Lộc, Hà Giang, Cam Ranh, Cao Bằng, Lai Châu, Tây Ninh, Bắc Kạn, Tam Điệp, Sông Công, Sầm Sơn, Phúc Yên, Hà Tiên, Đồng Xoài, Chí Linh, Long Khánh, Gia Nghĩa, Dĩ An, Ngã Bảy, Thuận An, Hồng Ngự, Từ Sơn, Phổ Yên.

18 thị xã: Sơn Tây, Cửa Lò, Phú Thọ, Bỉm Sơn, Gò Công, La Gi, Bến Cát, Tân Uyên, Sông Cầu, Long Mỹ, Tân Châu, Cai Lậy, Quảng Yên, Kỳ Anh, Bình Minh, Đông Triều, Phú Mỹ, An Nhơn.

Đô thị loại IV

Là đô thị có dân số 50.000 người trở lên. Mật độ dân số khu vực nội thị từ 4.000 người/km² trở lên. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thị tối thiểu đạt 70% so với tổng số lao động. Là trung tâm về kinh tế, văn hóa,…v.v của một vùng trong tỉnh hoặc một tỉnh. Có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của một vùng trong tỉnh hoặc một vài lĩnh vực với cùng một tỉnh.

Đô thị loại V

Là đô thị có dân số từ 4.000 người trở lên. Mật độ dân số bình quân từ 2.000 người/km² trở lên. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tại các khu phố xây dựng tối thiểu đạt 65% so với tổng số lao động. Khu vực dự kiến hình thành đô thị loại V là trung tâm hành chính của huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì mức tối thiểu của các tiêu chuẩn về kiến trúc, cảnh quan đô thị của tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị bằng 70% mức quy định; mức tối thiểu của các tiêu chuẩn khác bằng 50% mức quy định của loại đô thị tương ứng;

Đô thị đặc biệt

Đô thị loại đặc biệt chức năng là thủ đô hoặc trung tâm kinh tế, tài chính, hành chính, khoa học – kỹ thuật, giáo dục – đào tạo, du lịch, y tế, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế… có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Quy mô dân số toàn đô thị từ 5 triệu người trở lên và có mật độ dân số khu vực nội thành từ 15.000 người/km² trở lên. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tối thiểu đạt 90% so với tổng số lao động. Hệ thống các công trình hạ tầng đô thị đối với khu vực nội thành phải được đầu tư xây dựng đồng bộ và cơ bản hoàn chỉnh, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường đô thị; 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường. Các khu đô thị mới trong đô thị loại đặc biệt phải đạt tiêu chuẩn đô thị kiểu mẫu và trên 60% các trục phố chính đô thị phải đạt tiêu chuẩn tuyến phố văn minh đô thị, có các không gian công cộng… Hiện tại Việt Nam có 2 đô thị được xếp vào loại đô thị đặc biệt là thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Đà Nẵng đang từng bước phấn đấu để trở thành đô thị đặc biệt. Để hỗ trợ chính quyền hai thành phố này hoàn thành chức năng của đô thị loại đặc biệt, Chính phủ cho phép thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hưởng một số cơ chế tài chính – ngân sách đặc thù.

Trên đây là những đặc điểm và chức năng của từng loại đô thị. Việc phân loại đô thị là việc làm cần thiết mà không chỉ Việt Nam, còn có nhiều quốc gia trên thế giới cũng áp dụng phân loại đô thị để việc quản lý hành chính và sắp xếp đầu tư kinh tế-xã hội được tiến hành thuận lợi hơn. Việc xem xét để phân loại đô thị và xếp vào nhóm phù hợp sẽ góp phần giúp định hướng phát triển kinh tế, xã hội và nhà nước có công tác quản lý phù hợp với từng loại đô thị đó.