Luật dân sự là gì? Đối tượng điều chỉnh của Luật dân sự

Luật dân sự là bộ luật điều chỉnh quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm. Hãy cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

Luật dân sự là gì?

Luật dân sự gồm các nguyên tắc cơ bản và có nhiều chế định khác nhau như: chế định tài sản và quyền sở hữu; chế định nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự, chế định nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi.về tài sản không có căn cứ pháp luật; chế định thực hiện công việc không có ủy quyền; chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; chế định thừa kế; chế định chuyển quyền sử dụng đất; chế định quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Mỗi chế định của luật dân sự đều có những nguyên tắc riêng trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản và có những quy phạm được tập hợp theo những tiêu chí riêng phù hợp với chế định đó.

Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự

Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là những quan điểm, tư tưởng mẫu mực trong toàn bộ quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật dân sự, được quy định tại Điều 3 Bộ luật dân sự gồm 5 nguyên tắc sau:

  1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
  2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của thuật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
  3. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
  4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
  5. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

Đối tượng điều chỉnh của Luật dân sự

Điều 1 Bộ Luật dân sự 2015 quy định: Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).

Đối tượng điều chỉnh của Bộ Luật dân sự là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm. Cụ thể:

Thứ nhất: Quan hệ nhân thân

Quan hệ nhân thân là quan hệ giữa người với người về một giá trị thân nhân của cá nhân, tổ chức được pháp luật thừa nhận. Quan hệ nhân thân luôn gắn liền với một chủ thể nhất định và về nguyên tắc thì không thể dịch chuyển cho chủ thể khác.

Luật dân sự điều chỉnh các quan hệ nhân thân bằng cách quy định những giá trị nhân thân nào được coi là quyền nhân thân, trình tự thực hiện, giới hạn của các quyền nhân thân đó, đồng thời quy định các biện pháp thực hiện, bảo vệ các quyền nhân thân.

Các quyền nhân thân được Luật Dân sự quy định cụ thể bao gồm: Quyền có họ, tên; Quyền thay đổi họ; Quyền thay đổi tên; Quyền xác định, xác định lại dân tộc; Quyền được khai sinh, khai tử; Quyền đối với quốc tịch; Quyền của cá nhân đối với hình ảnh; Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình; Quyền xác định lại giới tính; Chuyển đổi giới tính; Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình (Từ Điều 26 đến Điều 39 Bộ Luật dân sự 2015).

Các quan hệ nhân thân do Luật dân sự điều chỉnh được chia làm hai nhóm: Quan hệ nhân thân không gắn liền với tài sản và Quan hệ nhân thân gắn liền với tài sản.

  • Quan hệ nhân thân gắn với tài sản là nhóm các quan hệ xuất phát từ các giá trị tinh thần ban đầu, các chủ thế sẽ được hưởng các lợi ích vật chất từ việc chuyển quyền đối với kết quả của hoạt động sáng tạo. Đây là những quan hệ nhân thân do cá nhân tạo ra từ việc tạo ra một giá trị tinh thần bằng nhân thân và gắn với tài sản và nó có thể chuyển giao cho người khác.
  • Quan hệ nhân thân không gắn với tài sản là các quan hệ nhân thân xuất phát từ giá trị tinh thần; các giá trị tinh thần này không có nội dung kinh tế và hoàn toàn không thể chuyển giao được.

Thứ hai: Quan hệ tài sản

Quan hệ tài sản là quan hệ giữa người với người thông qua một tài sản. Quan hệ tài sản gắn với một tài sản nhất định được thể hiện dưới dạng này hay dạng khác.

Quan hệ tài sản mà Bộ luật Dân sự điều chỉnh là quan hệ kinh tế, xã hội cụ thể thông qua việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt một tài sản nhất định theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tuân thủ theo luật giá trị.

Điều 105 Bộ Luật dân sự 2015 quy định tài sản:

1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản;

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Trong quan hệ tài sản của pháp luật dân sự, chủ thể xác lập quan hệ phải là những chủ thể có quyền sở hữu với tài sản đó. Theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.

Căn cứ vào mối liên hệ xã hội của quan hệ tài sản được chia làm hai nhóm: nhóm quan hệ liên quan đến quyền sở hữu và nhóm hình thành trong quá trình lưu chuyển tài sản giữa các chủ thể.

PHAN LAW VIETNAMHotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vnLiên hệ Văn phòng Luật Sư