Bộ luật dân sự là văn bản hệ thống hoá pháp luật dân sự được Quốc hội ban hành theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định. Đối tượng điều chỉnh của Bộ Luật dân sự là các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân giữa các chủ thể của Luật dân sự.
Để tìm hiểu rõ hơn hãy cùng theo dõi qua bài viết Đối tượng điều chỉnh của Bộ Luật dân sự dưới đây.
Bạn đang xem: Đối tượng điều chỉnh của Bộ Luật dân sự
Tìm hiểu khái quát về Bộ Luật dân sự
Bộ luật dân sự đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa IX, kì họp thứ 8 thông qua ngày 28/10/1995, có hiệu lực từ ngày 1/7/1996. Bộ luật bao gồm lời nói đầu và 7 phần, 838 điều luật.
Ngày 14/6/2005 Quốc hội khoá XI, tại kì họp thứ bảy đã thông qua Bộ luật dân sự mới. So với Bộ luật dân sự năm 1995, Bộ luật dân sự năm 2005 tiếp tục được chia thành bảy phần với tên gọi như Bộ luật dân sự năm 1995, đã có sự thay đổi cơ cấu các điều luật, chỉ còn 777 điều, bên cạnh những điểm mới nhằm đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn đặt ra.
Ngày 24/11/2015 Bộ Luật dân sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII tại Kỳ họp thứ 10 thông qua, được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 08/12/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017. Bộ Luật dân sự 2015 là Bộ Luật đang có hiệu lực áp dụng hiện nay, gồm có 6 phần, 27 chương, 689 điều.
Bộ luật dân sự được xem là nguồn chủ yếu của luật dân sự, là phương tiện pháp lí quan trọng nhằm thúc đẩy giao lưu dân sự phát triển, bảo đảm sự bình đẳng và an toàn pháp lí cho các giao dịch dân sự, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong giao lưu dân sự.
Luật dân sự là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ tài sản mang tính chất hàng hóa -tiền tệ và các quan hệ nhân thân phi tài sản giữa các cá nhân, tổ chức trong xã hội.
Đối tượng điều chỉnh của Bộ Luật dân sự
Đối tượng điều chỉnh của Bộ Luật dân sự là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.
Thứ nhất: Quan hệ nhân thân
Quan hệ nhân thân là quan hệ giữa người với người về một giá trị thân nhân của cá nhân, tổ chức được pháp luật thừa nhận. Quan hệ nhân thân luôn gắn liền với một chủ thể nhất định và về nguyên tắc thì không thể dịch chuyển cho chủ thể khác.
Luật dân sự điều chỉnh các quan hệ nhân thân bằng cách quy định những giá trị nhân thân nào được coi là quyền nhân thân, trình tự thực hiện, giới hạn của các quyền nhân thân đó, đồng thời quy định các biện pháp thực hiện, bảo vệ các quyền nhân thân (Điều 11 – 14 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Các quyền nhân thân được Luật Dân sự quy định cụ thể bao gồm: Quyền có họ, tên (Điều 26); Quyền thay đổi họ (Điều 27); Quyền thay đổi tên (Điều 28); Quyền xác định, xác định lại dân tộc (Điều 29); Quyền được khai sinh, khai tử (Điều 30); Quyền đối với quốc tịch (Điều 31); Quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 32);Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể(Điều 33); Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín(Điều 34); Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác(Điều 35); Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình (Điều 39).
Các quan hệ nhân thân do Luật dân sự điều chỉnh chia làm hai nhóm: Quan hệ nhân thân không gắn liền với tài sản và Quan hệ nhân thân gắn liền với tài sản
+ Quan hệ nhân thân gắn với tài sản là nhóm các quan hệ xuất phát từ các giá trị tinh thần ban đầu, các chủ thế sẽ được hưởng các lợi ích vật chất từ việc chuyển quyền đối với kết quả của hoạt động sáng tạo. Đây là những quan hệ nhân thân do cá nhân tạo ra từ việc tạo ra một giá trị tinh thần bằng nhân thân và gắn với tài sản và nó có thể chuyển giao cho người khác.
Xem thêm : Hướng dẫn cúng đầy tháng bé gái đầy đủ nghi thức từ A – Z
+ Quan hệ nhân thân không gắn với tài sản là các quan hệ nhân thân xuất phát từ giá trị tinh thần và các giá trị tinh thần này không có nội dung kinh tế và hoàn toàn không thể chuyển giao được.
Thứ hai: Quan hệ tài sản
Quan hệ tài sản là quan hệ giữa người với người thông qua một tài sản. Quan hệ tài sản bao giờ cũng gắn với một tài sản nhất định được thể hiện dưới dạng này hay dạng khác.
Quan hệ tài sản mà Bộ luật Dân sự điều chỉnh là quan hệ kinh tế, xã hội cụ thể thông qua việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt một tài sản nhất định theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tuân thủ theo luật giá trị.
Trong quan hệ tài sản của pháp luật dân sự, chủ thể xác lập quan hệ phải là những chủ thể có quyền sở hữu với tài sản đó. Theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.
Quan hệ tài sản rất đa dạng và phức tạp bởi các yếu tố cấu thành nên các quan hệ đó bao gồm: chủ thể tham gia, khách thể được tác động và nội dung các quan hệ đó. Nội dung của quan hệ tài sản bao gồm các quan hệ như quan hệ về quyền sở hữu tài sản, quan hệ mua bán, tặng cho, thuê, vận chuyển, gửi giữ, gia công,… được điều chỉnh trong quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 giữa các chủ thể là cá nhân, tổ chức khác nhau.
Căn cứ vào mối liên hệ xã hội của quan hệ tài sản để chia làm hai nhóm: nhóm quan hệ liên quan đến quyền sở hữu và nhóm hình thành trong quá trình lưu chuyển tài sản giữa các chủ thể.
Trên đây là các nội dung liên quan đến Đối tượng điều chỉnh của Bộ Luật dân sự. Hy vọng các thông tin này hữu ích và giúp bạn giải đáp thắc mắc.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp