Quy hoạch 12 loại cây ăn quả chủ lực ở Nam Bộ

Tổng diện tích cây ăn quả chủ lực trồng tập trung đến năm 2020 là 257.000 ha, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long 185.100 ha, vùng Đông Nam Bộ 71.900 ha.

Trong đó, diện tích trồng thanh long là 24.800 ha, xoài 45.900 ha, chôm chôm 18.300 ha, sầu riêng 15.000 ha, vú sữa 5.000 ha, bưởi 27.900 ha, nhãn 29.800 ha, chuối 28.900 ha, dứa 21.000 ha, cam 26.250 ha, mãng cầu 8.300 ha và quýt 5.850 ha.

Quy hoạch đặt mục tiêu xây dựng ngành hàng trái cây chủ lực trồng tập trung ở Nam Bộ theo hướng sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và nước ngoài. Phấn đấu đến năm 2020, 100% sản phẩm trái cây chủ lực trồng tập trung đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, trong đó, trên 50% sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GAP.

Đồng thời tăng chủng loại, sản lượng và giá trị trái cây xuất khẩu của vùng trồng tập trung ở Nam Bộ lên hơn 70%.

Đến năm 2020, phấn đấu giá trị sản lượng cây ăn quả chủ lực tập trung đạt trên 150 triệu đồng/ha/năm.

Sản xuất rải vụ 5 loại cây ăn trái chủ lực

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đặt kế hoạch thời vụ sản xuất 5 loại trái cây chủ lực trồng rải vụ của vùng Nam Bộ gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn. Theo đó, diện tích rải vụ đối với cây xoài là 12.500 ha, tập trung ở 6 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ và Trà Vinh. Thời gian thu hoạch rải vụ từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Diện tích rải vụ đối với cây thanh long là 14.880 ha gồm các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An. Thời gian thu hoạch rải vụ từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau…

Được biết, sản xuất trái cây rải vụ đã hình thành từ nhiều năm nay tại các tỉnh phía Nam, không còn mùa nào thức nấy mà nhiều loại trái cây có quanh năm, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu khá dồi dào.