Tự tẩy lông tại nhà dễ thực hiện và tương đối rẻ tiền. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nhiều tác dụng phụ dưới đây cần lưu ý.

Đau rát

Tẩy lông tận gốc có thể gây cảm giác đau rát, khó chịu. Bạn có thể cắt ngắn lông để sáp tẩy dễ bám vào hơn và chườm khăn ấm giúp lông rụng dễ hơn.

Nếu bạn dự định tẩy lông mặt và thường xuyên sử dụng retinol, Học viện Da liễu Mỹ (AAD) khuyến cáo nên dừng lại 2-5 ngày trước khi tẩy lông để giảm lượng da bị loại bỏ cùng lông. Thở sâu khi thao tác, sau đó chườm túi lạnh lên vùng đau, tắm nước ấm có thể bớt khó chịu.

Lông mọc ngược

Lông mọc ngược là tác dụng phụ thường gặp của hầu hết phương pháp tẩy lông. Đây là những sợi lông nhỏ, khi không được loại bỏ hoàn toàn sẽ cuộn lại vào da và tiếp tục phát triển. Quá trình này dẫn đến những vết sưng nhỏ có thể giống mụn nhọt.

Lông mọc ngược có thể gây nhiễm trùng. Nên tẩy tế bào chết trước và sau khi tẩy lông giúp loại bỏ da chết và mảnh vụn, đồng thời giữ cho lông mọc đúng hướng. Khi tẩy lông, nên kéo miếng lột theo hướng ngược lại với chiều lông mọc để đảm bảo lấy hết chúng. Mặc quần áo rộng rãi giúp tránh nguy cơ viêm nang lông và chà xát gây đau rát.

Nhiều người nhận thấy rằng tẩy lông càng thường xuyên thì càng ít khó chịu. Tuy nhiên, nếu không phù hợp, bạn nên cân nhắc các phương pháp khác.

Tự tẩy lông dễ thực hiện tại nhà. Ảnh: Freepik

Gây mụn

Tẩy lông khiến lỗ chân lông mở ra, vi khuẩn dễ xâm nhập, gây viêm dẫn tới mụn. Cách giảm nguy cơ nổi mụn là làm sạch da kỹ trước khi tẩy lông bằng sản phẩm tẩy tế bào chết nhẹ nhàng. Sau đó, tránh sử dụng bất kỳ sản phẩm gốc dầu nào trên da và không chạm vào vùng da này.

Đỏ, kích ứng da

Dùng sáp nóng để tẩy lông tận gốc có thể kích ứng da, mẩn đỏ. Phản ứng này thường xảy ra trong những lần tẩy lông đầu tiên và giảm sau vài phút. Nên mặc quần áo rộng rãi và thoa sản phẩm làm mát không chứa dầu, không mùi thơm cho vùng da này.

Dị ứng

Một số người có thể dị ứng với nhựa thông (colophony), thành phần trong một số loại sáp tẩy lông. Tình trạng này gây ra các vết sưng ngứa, cảm giác nóng rát hoặc châm chích trên da. Người có làn da nhạy cảm nên chọn loại sáp không chứa nhựa thông, không có mùi thơm và có thành phần dịu nhẹ.

Cháy nắng

Vùng da tẩy lông có xu hướng nhạy cảm với ánh nắng hơn. Thoa kem chống nắng kỹ ở những vùng da hở hoặc mặc quần áo bảo hộ khi ra ngoài, ngay cả trong những ngày nhiều mây.

Chảy máu hoặc bầm tím

Phương pháp này có thể gây tổn thương cho da như cháy máu, bầm tím dù hiếm khi xảy ra. Nếu da bị tổn thương hoặc viêm nên đợi đến khi da lành lại mới tiếp tục tẩy lông.

Viêm nang lông

Viêm nang lông là bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn, thường xảy ra nhất khi tẩy lông ở cánh tay. Theo Học viện Da liễu Mỹ, viêm nang lông thường tự khỏi. Người bệnh chườm ấm lên vùng da này trong 15-20 phút, ba lần trở lên mỗi ngày để bớt khó chịu, nhanh khỏi bệnh. Không nên tẩy lông, cạo hoặc nhổ lông ở vùng này ít nhất 30 ngày.

Khi da có dấu hiệu tổn thương hoặc nhiễm trùng, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu. Chọn tẩy lông ở các cơ sở thẩm mỹ uy tín giúp giảm các tác dụng phụ. Sau khi tẩy, nên sử dụng kem dưỡng ẩm không chứa dầu, không gây mụn, nhẹ nhàng thoa da.

Anh Ngọc (Theo Verywell Health)