Chặng đường ba mươi năm cải cách mở cửa, hiện đại hóa của Trung Quốc – Tạp chí Cộng sản

Hội nghị Trung ương 3 khóa XI Đảng Cộng sản Trung Quốc cuối tháng 12-1978 đi vào lịch sử như là một sự kiện đánh dấu mốc mở đầu công cuộc cải cách mở cửa, hiện đại xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc.

Nền tảng cho công cuộc cải cách, mở cửa

Ba mươi năm qua, thực sự là một bước nhảy vọt trong lịch sử lâu dài của Trung Quốc cũng như trong lịch sử 60 năm của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Công cuộc cải cách và hiện đại hóa đất nước đã thu được những thành tựu rất to lớn trên tất cả các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại – những kỳ tích đáng tự hào và được thế giới khâm phục. Trong bối cảnh phong trào xã hội chủ nghĩa trên thế giới lâm vào thoái trào sau biến động ở Liên Xô và Đông Âu, thành công bước đầu của công cuộc cải cách và hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc có một ý nghĩa lịch sử sâu xa.

Tuy nhiên, 30 năm mới là khoảng nửa chặng đường của công cuộc cải cách, hiện đại hóa. Trung Quốc còn đứng trước nhiều vấn đề và khó khăn vốn có trong tầng sâu kinh tế – xã hội cũng như trong quá trình cải cách, hiện đại hóa; còn phải vượt qua những thách thức trong cạnh tranh quốc tế. Nhưng có thể khẳng định rằng, con đường tiến tới một cường quốc hiện đại hóa của Trung Quốc đã mở.

“Đường lối tư tưởng” của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi chuyển sang cải cách mở cửa là “Giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị”; về sau bổ sung “Tiến cùng thời đại”. “Giải phóng tư tưởng” có nghĩa là phải thoát khỏi những giáo điều sai trái, hoặc không còn phù hợp. “Thực sự cầu thị” là phải nhìn thẳng vào thực tế khi đề xuất lý luận, hoạch định và kiểm nghiệm đường lối chính sách. “Tiến cùng thời đại” là giải quyết các vấn đề của Trung Quốc phù hợp với trào lưu thời đại, nhìn ra thế giới, hướng tới tương lai. Với phương châm chỉ đạo đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhận thức lại chủ nghĩa Mác – Lê-nin, chủ nghĩa xã hội và thực tế xã hội Trung Quốc, đánh giá xu thế phát triển của thế giới, từ đó đưa những lý luận, đường lối, chủ trương, chính sách cải cách, mở cửa, hiện đại hóa đất nước.

Hội nghị Trung ương 3 khóa XI Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khẳng định quan điểm “Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý” của Đặng Tiểu Bình, phủ nhận quan điểm “hai phàm là” của Hoa Quốc Phong, lên án “Cách mạng văn hóa”, chủ trương cải cách mở cửa. Đại hội XII Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1982 đưa ra đường lối xây dựng “Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”. Đại hội XIII năm 1987 đề xuất lý luận về “Giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội” và “Chiến lược 3 bước phát triển kinh tế – xã hội”. Đại hội XIV năm 1992 xác định mục tiêu cải cách thể chế kinh tế là thiết lập nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Đại hội XV năm 1997 khẳng định vai trò chỉ đạo của lý luận Đặng Tiểu Bình; xác định mục tiêu cải cách thể chế chính trị là thực hiện dân chủ pháp quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đại hội XVI năm 2002 khẳng định tư tưởng quan trọng “ba đại diện” về xây dựng Đảng và đề ra nhiệm vụ chiến lược “Xây dựng toàn diện xã hội khá giả” trong 20 năm đầu của thế kỷ XXI. Đại hội XVII năm 2007 chủ trương “Quán triệt quan điểm phát triển một cách khoa học” và xây dựng “Xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa”. Đó là những đề xuất lớn về lý luận và đường lối làm cơ sở cho những chủ trương chính sách cụ thể.

Những thành tựu to lớn

Qua 30 năm cải cách và phát triển, Trung Quốc đã thu được những thành tựu to lớn trên tất cả các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và đối ngoại.

Về kinh tế, từ sau cải cách, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã từ bỏ “lấy đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh”, chuyển trọng tâm công tác của Đảng sang lãnh đạo xây dựng kinh tế. Cải cách thể chế đã đưa đến kết quả cơ bản hình thành khung kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ cao và tương đối ổn định. Lý luận về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa là một sáng tạo rất có ý nghĩa, đóng góp quan trọng đối với quá trình phát triển lý luận Mác – Lê-nin về chủ nghĩa xã hội. Lý luận đó đã được thể nghiệm thành công bước đầu trong quá trình phát triển kinh tế ở Trung Quốc. Từ năm 1978 đến năm 2007, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm của Trung Quốc là 9,6%, riêng từ 2002 đến 2007 là 10,6%. Năm 2007 Trung Quốc đạt 24.660 tỉ NDT (tương đương 3.500 tỉ USD). Tổng lượng kinh tế Trung Quốc từ vị trí 11 thế giới khi mới chuyển sang cải cách, đã bước lên vị trí thứ 4 năm 2007 (sau Mỹ, Nhật Bản, Đức) và sẽ vượt Đức trong tương lai gần. Năm 2007, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt 2.170 tỉ USD, đứng vị trí thứ 3 thế giới (sau Mỹ, Đức); dự trữ ngoại tệ đạt 1.520 tỉ USD, đứng đầu thế giới (cuối tháng 6-2008 đã lên tới 1.800 tỉ USD). Điều quan trọng là kinh tế Trung Quốc qua 30 năm cải cách phát triển đã giải quyết vấn đề “ăn no mặc ấm” cho hơn 1,3 tỉ dân. Cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân Trung Quốc đã từng bước được cải thiện, nâng cao. Giai đoạn đầu cải cách, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc dưới 200 USD. Năm 2007 thu nhập bình quân của cư dân thành phố đạt 13.786 NDT (tương đương 1.970 USD), thu nhập của cư dân nông thôn đạt 4.140 NDT (tương đương 590 USD)(1). Năm 2008 theo kế hoạch của chính phủ, GDP Trung Quốc tăng khoảng 8%. Mặc dầu đang gặp khó khăn do thiên tai, lạm phát, gia tăng vật giá, và những ảnh hưởng tiêu cực do tình trạng suy thoái kinh tế thế giới, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2008, GDP Trung Quốc vẫn đạt tốc độ 10,4%.

Về chính trị, thành tựu quan trọng nhất là lập lại kỷ cương luật pháp, khôi phục nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị – xã hội sau cuộc động loạn “Cách mạng văn hóa”. Nền dân chủ chính trị ở Trung Quốc đã được khôi phục và có bước phát triển mới, trước hết là dân chủ trong Đảng. Cải cách thể chế chính trị tiến hành sau cải cách thể chế kinh tế một bước, tuy có thời gian diễn ra chậm trễ, nhưng những năm gần đây đã được đẩy mạnh đáng kể, nhất là cải cách hành chính. Tiếp sau Đại hội XIV năm 1992 với chủ trương xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, Đại hội XV Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1997 đã đưa ra chủ trương xây dựng chính trị dân chủ pháp trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đó là hai chủ trương cốt lõi tạo nên cục diện kinh tế – chính trị phát triển trong những năm cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ này. Công tác xây dựng Đảng đã được coi trọng, nhất là nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của Đảng, tổ chức cũng như công tác lãnh đạo. Đặng Tiểu Bình đã nói rất chí lý: “Những sai lầm của chúng ta mắc phải trước đây, tất nhiên có liên quan đến tư tưởng, tác phong của một số người lãnh đạo, nhưng quan trọng hơn là vấn đề chế độ tổ chức, chế độ công tác. Chế độ tổ chức, chế độ công tác tốt thì người xấu không thể tùy tiện làm việc xấu; chế độ không tốt thì người tốt cũng không thể làm được việc tốt, thậm chí có thể thành người xấu”(2). Sang thế kỷ XXI, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề xuất tư tưởng quan trọng “ba đại diện” trong công tác xây dựng Đảng, chủ trương Đảng phải “Luôn luôn đại diện cho yêu cầu phát triển của sức sản xuất tiên tiến Trung Quốc, đại diện cho phương hướng phát triển của nền văn hóa tiên tiến Trung Quốc, đại diện cho lợi ích căn bản của quần chúng nhân dân đông đảo nhất ở Trung Quốc”(3). Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2002 đã đưa ra khái niệm “Văn minh chính trị”, đặt nó ngang tầm với “Văn minh vật chất” và “Văn minh tinh thần” trong công cuộc xây dựng nền văn minh xã hội chủ nghĩa. Trong tình hình hiện nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương “Kiên trì phát triển chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa…: mở rộng dân chủ nhân dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân…, phát triển dân chủ cơ sở, bảo đảm cho nhân dân được hưởng quyền dân chủ nhiều hơn, thiết thực hơn…, đưa phương châm cơ bản quản lý nhà nước bằng pháp luật vào cuộc sống, đẩy nhanh xây dựng Nhà nước pháp quyền…, mở rộng Mặt trận thống nhất yêu nước, đoàn kết tất cả các lực lượng có thể đoàn kết…; đẩy nhanh cải cách quản lý hành chính, xây dựng chính phủ phục vụ…, hoàn thiện cơ chế chế tài và giám sát, để quyền lực mà nhân dân giao phó luôn luôn được sử dụng nhằm mang lại lợi ích cho nhân dân”(4).

Về văn hóa, trong 30 năm qua, Trung Quốc đã đạt những thành tựu quan trọng. Từ khi chuyển sang cải cách, Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã đặt nhiệm vụ xây dựng “Văn minh tinh thần” ngang tầm với xây dựng “Văn minh vật chất”. Đại hội XII Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1982 đã coi “Xây dựng văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa” là một “Vấn đề phương châm chiến lược… can hệ tới sự hưng suy và thành bại của chủ nghĩa xã hội”(5). Xây dựng văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa bao gồm hai phương diện: tư tưởng và văn hóa. Qua quá trình cải cách mở cửa, hiện đại hóa, sự phát triển kinh tế và dân chủ hóa chính trị đã tạo điều kiện cho các ngành văn hóa phát triển, đời sống văn hóa của quần chúng nhân dân được nâng cao và trở nên phong phú hơn. Nét đẹp văn hóa truyền thống Trung Hoa được phát huy, nhiều tinh hoa văn hóa nhân loại có cơ hội du nhập. Đồng thời, trong bối cảnh cải cách mở cửa, nhiều tệ nạn xã hội cũng có xu hướng gia tăng, những nhân tố tiêu cực trong văn hóa ngoại lai đã có dịp gây tác hại. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hai lần ra nghị quyết quan trọng về vấn đề xây dựng “Văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa” vào năm 1986 và năm 1996, uốn nắn những khuynh hướng không lành mạnh trong đời sống tinh thần, nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa “có lý tưởng, có đạo đức, có văn hóa, có kỷ luật”. Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2007 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa: “Trong thời đại ngày nay, văn hóa ngày càng trở thành nguồn sáng tạo quan trọng và sức gắn kết dân tộc, ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong cạnh tranh sức mạnh tổng hợp giữa các quốc gia”. Đại hội XVII chủ trương “Thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển và làm phong phú hơn nền văn hóa xã hội chủ nghĩa: xây dựng một hệ thống giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội, tăng cường sự hấp dẫn và sức gắn kết của hình thái ý thức xã hội chủ nghĩa…; xây dựng văn hóa hòa giải, giáo dục phong cách văn minh…; ngợi ca văn hóa Trung Hoa, xây dựng vườn hoa tinh thần chung của dân tộc Trung Hoa…; thúc đẩy sáng tạo về văn hóa, tăng cường sức sống phát triển văn hóa”(6).

Về phát triển xã hội: “Xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa” đang là mục tiêu tập trung nỗ lực của công cuộc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc. Trong 20 năm đầu cải cách, tăng trưởng kinh tế chưa thật kết hợp nhịp nhàng với phát triển xã hội. Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2002 một mặt khẳng định: “Nhờ sự nỗ lực chung của toàn Đảng và nhân dân các dân tộc trong cả nước, chúng ta đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu của bước một và bước hai trong chiến lược ba bước xây dựng hiện đại hóa, đời sống nhân dân về tổng thể đã đạt mức khá giả…”; nhưng đồng thời cũng đã nói rõ “… mức khá giả đã đạt tới còn rất thấp, chưa toàn diện, phát triển chưa cân đối”(7). Do vậy, Trung Quốc đã coi việc “xây dựng toàn diện xã hội khá giả” là nhiệm vụ chiến lược trong 20 năm đầu của thế kỷ XXI. Mặt khác, quá trình cải cách và phát triển đã làm xuất hiện sự phân tầng xã hội mới, tạo ra các quan hệ lợi ích mới giữa các giai tầng xã hội. Do vậy, hiện nay Trung Quốc đặc biệt coi trọng việc xây dựng “xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa”. Công cuộc xây dựng xã hội với trọng điểm là cải thiện dân sinh trong mấy năm qua đã thu được những thành tựu đáng ghi nhận. Chỉ trong thời gian 5 năm (2003 – 2007), ngân sách nhà nước đã chi 2.430 tỉ NDT cho giáo dục; 629,4 tỉ NDT cho y tế; 66,6 tỉ NDT hỗ trợ việc làm; 1.950 tỉ NDT cho bảo hiểm xã hội; 310,4 tỉ NDT cho các hoạt động văn hóa, thể dục – thể thao v.v… Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng xã hội lấy cải thiện dân sinh làm trọng điểm”; và nhấn mạnh: “xây dựng xã hội quan hệ tới cuộc sống hạnh phúc yên lành của nhân dân. Trên cơ sở phát triển kinh tế, phải chú ý hơn nữa xây dựng xã hội, ra sức bảo đảm và cải thiện dân sinh, thúc đẩy cải cách thể chế xã hội, mở rộng dịch vụ công cộng, hoàn thiện quản lý xã hội, thúc đẩy công bằng xã hội, cố gắng để học sinh có chỗ học, người lao động có việc làm, người bệnh được cứu chữa, người già được nuôi dưỡng, ai cũng có nhà ở, thúc đẩy xây dựng xã hội hài hòa”(8).

Về đối ngoại, trong 30 năm qua Trung Quốc cũng đã thu được những thành tựu to lớn trên lĩnh vực ngoại giao, vị thế và uy tín của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên trường quốc tế được nâng cao hơn bao giờ hết. Sau khi chuyển sang cải cách, lãnh đạo Trung Quốc đã từ bỏ quan điểm cho rằng chiến tranh thế giới không thể tránh khỏi. Lãnh đạo Trung Quốc đã sớm nhận định “hòa bình và phát triển là xu thế của thời đại” và chuyển sang đường lối ngoại giao hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã thông qua con đường đàm phán với Anh và Bồ Đào Nha, thu hồi chủ quyền quốc gia đối với Hồng Công và Ma Cao theo phương châm “Hòa bình thống nhất, một nước hai chế độ”. Vấn đề Đài Loan do nhiều nguyên nhân nên còn phức tạp, nhưng quan hệ hai bờ eo biển đang đi vào thế tương đối ổn định. Trung Quốc đã cải thiện quan hệ với các nước phát triển, nhất là quan hệ Trung – Mỹ; thực hiện chính sách láng giềng thân thiện với các nước xung quanh; tăng cường quan hệ với các nước đang phát triển ở châu á, châu Phi và Mỹ La-tinh; tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động đa phương, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là trong tổ chức Liên hợp quốc. Năm 2001, Trung Quốc được kết nạp vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đánh dấu sự hội nhập toàn cầu của nền kinh tế Trung Quốc. Năm 2005, Chính phủ Trung Quốc đã ra Sách Trắng về “Con đường phát triển một cách hòa bình của Trung Quốc” và nêu ra ý tưởng cùng nhân dân các nước tiến tới xây dựng một “Thế giới hài hòa”. Toàn bộ đường lối chính sách đối ngoại nhằm phục vụ cho công cuộc cải cách, hiện đại hóa đất nước và Trung Quốc đang thực hiện chính sách ngoại giao nước lớn, nỗ lực từ cường quốc khu vực vươn tới vị trí cường quốc thế giới.

Ba mươi năm qua là thời cơ lịch sử để đất nước Trung Hoa trỗi dậy thực hiện sự nghiệp “đại phục hưng”, hiện đại hóa theo con đường của chủ nghĩa xã hội.

Nguyên nhân quan trọng nhất để Trung Quốc thu được những thành tựu mang ý nghĩa lịch sử là Đảng Cộng sản Trung Quốc đã biết nắm bắt thời cơ, phát huy tiềm năng, lợi thế, mạnh dạn tìm tòi, sáng tạo để có được một hệ thống lý luận khoa học về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, tập hợp và phát huy được sức mạnh toàn dân tộc vào sự nghiệp chung xây dựng đất nước.

Công cuộc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của nhân dân Trung Quốc đang đứng trước triển vọng to lớn. Con đường đi tới tương lai đã rộng mở. Những thành tựu giành được trong 30 năm qua là hành trang để Trung Quốc tự tin vững bước trên chặng đường tiếp theo của công cuộc hiện đại hóa.

Tuy nhiên, trên chặng đường sắp tới, không chỉ có thuận lợi mà còn nhiều khó khăn, thách thức. Những vấn đề tồn tại trong tầng sâu của nền kinh tế như tình trạng bất hợp lý về cơ cấu, thể chế; những vấn đề nan giải mới phát sinh trong quá trình cải cách phát triển như tình trạng chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn giữa các giai tầng và các khu vực dẫn đến những nguy cơ bất ổn xã hội; những mâu thuẫn giữa nhu cầu tăng trưởng nhanh của nền kinh tế với khả năng cung ứng hạn chế về tài nguyên, năng lượng; vấn đề Đài Loan và các vấn đề dân tộc, tôn giáo trong nước; cạnh tranh quốc tế gay gắt trong xu thế kinh tế thế giới chuyển sang toàn cầu hóa và tri thức hóa…