Đương sự trong vụ án là ai?
Bạn đang xem: Đương sự trong vụ án là ai?
1. Đương sự trong vụ án dân sự
Đương sự trong vụ án dân sự bao gồm:
– Nguyên đơn:
+ Là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.
+ Cơ quan, tổ chức do Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách
– Bị đơn là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
2. Đương sự trong vụ án hành chính
Xem thêm : Ăn ốc bươu vàng có sao không?
Đương sự trong vụ án hành chính bao gồm:
– Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân.
– Người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước, danh sách cử tri bị khởi kiện.
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức, cá nhân tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
3. Đương sự trong vụ án hình sự
Đương sự trong vụ án hình sự bao gồm:
– Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
– Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
Xem thêm : Giác quan thứ 6 là gì? Liệu giác quan thứ 6 có thực sự tồn tại trong cuộc sống hay không?
Lưu ý: Đương sự trong vụ án hình sự là những đối tượng không bắt buộc phải có trong vụ án hình sự, ngoài đương sự thì trong vụ án hình sự còn có những chủ thể khác như: bị cáo, bị hại,…
Căn cứ pháp lý:
– Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
– Khoản 7, 8, 9, 10 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019);
– Điểm g khoản 1 Điều 4, Điều 63, 64, 65 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
>>> Xem thêm: Đương sự chết thì vụ án dân sự có bị đình chỉ hay không? Trường hợp có người thừa kế thì họ có kế thừa nghĩa vụ tố tụng không?
Diễm My
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp