Gia đình nhiều thế hệ – Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống

gia dinh nhieu the he la gi 1

Các thành viên trong gia đình bà Chiến trong ngày đón năm mới.

Ở tuổi 76, sống cùng gia đình con trai cả, cuộc sống “tam đại đồng đường” hòa thuận, đầm ấm khiến bà Trần Thị Chiến luôn cảm thấy mãn nguyện, hạnh phúc. Các con của bà, dù ở gần, ở xa, công việc có bận rộn đến mấy, vẫn luôn sắp xếp thời gian hợp lí để dành thời gian quây quần bên bà. Bà Trần Thị Chiến, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai tâm sự: “Trong gia đình tôi, các con các cháu đều đoàn kết, vui vẻ và quan tâm đến mẹ. Bình thường cũng vậy còn khi ốm đau thì anh em con cháu tập trung vào để chăm sóc mẹ đến nơi đến chốn”.

Là con trai thứ, tuy không sống cùng mẹ, nhưng anh Nguyễn Thái Ninh luôn sắp xếp thời gian cùng gia đình thường xuyên về thăm mẹ vào những dịp cuối tuần, ngày lễ, tết. Anh Nguyễn Thái Ninh, con trai bà Trần Thị Chiến chia sẻ: “Tuy công việc bận rộn không thể thường xuyên về thăm mẹ được nhưng những dịp cuối tuần gia đình tôi vẫn luôn cố gắng sắp xếp về với bà để thăm hỏi, quan tâm chăm sóc bà, để các thành viên thêm yêu thương gắn kết nhau. Sống trong một gia đình đông anh chị em, bản thân tôi cũng như anh chị em trong gia đình luôn chia sẻ, yêu thương, sự gắn kết và chân thành là một việc rất quan trọng để gắn kết gia đình lại với nhau”.

hoa1 3

Sự yêu thương, tôn trọng chính là chất keo gắn kết các thành viên trong gia đình.

Gia đình ông Trần Văn Thu ở phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai có 3 thế hệ cùng chung sống. Mỗi lứa tuổi mỗi cách nghĩ, nếp sống, công việc khác nhau, nhưng chính sự tôn trọng, yêu thương là chất keo gắn kết các thành viên trong gia đình. “Tôi cũng phải thường xuyên giáo dục, hướng dẫn cho con cháu những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Mặt khác, tôi cũng phải thường xuyên thu thập thông tin để kết hợp hài hòa giữa gia đình truyền thống và gia đình hiện đại”, ông Trần Văn Thu, phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai chia sẻ.

Trong xã hội hiện đại, những gia đình như bà Chiến hay ông Thu đang ngày càng ít đi do đời sống kinh tế hiện nay đã khá giả hơn rất nhiều, vợ chồng trẻ phần lớn có nhu cầu ở riêng. Song, những gia đình “tam đại đồng đường” vẫn luôn mang lại nhiều điều tốt đẹp, lưu giữ những giá trị văn hóa cốt lõi của người Việt. Sống trong gia đình truyền thống nhiều thế hệ, mỗi thành viên đều phải tự điều chỉnh các hành vi và mối quan hệ của mình cho phù hợp, kính trên, nhường dưới, yêu thương, đùm bọc nhau.

Có nhiều cách để thắp lửa hạnh phúc gia đình, song việc gìn giữ văn hóa ứng xử trong gia đình chính là nền tảng quan trọng đầu tiên, là giá trị cốt lõi để giữ nếp nhà ấm êm, lan tỏa yêu thương và kết nối bền chặt giữa các thành viên, góp phần xây dựng xã hội văn minh, phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Thùy Linh