Giá trị sổ sách là gì? Cách ứng dụng trong đầu tư

Thị trường chứng khoán, với đa số nhà đầu tư mua bán theo đám đông, đang tồn tại rất nhiều cơ hội đầu tư có khả năng sinh lời hấp dẫn và đôi khi là không tưởng…

Bởi khi đám đông hỗn loạn cùng nhau bán tháo cổ phiếu sẽ khiến thị trường chứng khoán giảm giá cực kỳ mạnh và tạo ra cơ hội đầu tư tuyệt vời.

tâm lý đám đông

Tuy nhiên cách xác định khi nào cổ phiếu thực sự rẻ để bắt đáy thì không phải nhà đầu tư nào cũng biết.

Với những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm tôi thấy rằng giá trị sổ sách hay book value được họ sử dụng rất nhiều để xác định thời điểm bắt đáy cổ phiếu.

Giá trị sổ sách (book value) là gì?

Giá trị sổ sách hay book value là giá trị doanh nghiệp được ghi trên sổ sách kế toán của công ty sau khi trừ đi hết khoản nợ phải trả.

Trong trường hợp xấu nếu công ty bị phá sản, thì giá trị sổ sách chính là số tiền còn lại mà các cổ đông có thể nhận được sau khi thanh lý tài sản và chi trả các khoản nợ.

cơ cấu tài sản nguồn vốn
Cơ cấu tài sản nguồn vốn của HPG – Nguồn Simplize | Số liệu tài chính

Ví dụ trên biểu đồ cơ cấu tài sản – nguồn vốn của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) năm 2022 bạn có thể thấy:

Sau khi lấy Tổng tài sản (170,335 tỷ) trừ hết nợ phải trả ngắn hạn (62,385 tỷ) và nợ phải trả dài hạn (11,837 tỷ), số còn lại sẽ là giá trị sổ sách (96,112 tỷ)

Phân biệt giá trị sổ sách và vốn chủ sở hữu

Chắc hẳn bạn đang băn khoăn tại sao trên biểu đồ ghi là “Vốn chủ sở hữu” nhưng tôi lại nói là giá trị sổ sách?

Câu trả lời là:

Giá trị sổ sách và vốn chủ sở hữu là một

Giá trị sổ sách (book value) thường được hiểu như một cách định nghĩa khác của vốn chủ sở hữu.

Cả giá trị sổ sách và vốn chủ sở hữu đều được tính bằng cách lấy tổng giá trị tài sản của công ty trừ đi tổng nợ phải trả.

Trở lại ví dụ về cổ phiếu HPG của Hòa Phát, bạn có thể kết luận giá trị sổ sách và vốn chủ sở hữu của HPG năm 2022 là 96,112 tỷ.

Tuy nhiên, sự khác nhau ở đây là giá trị sổ sách trong thực tế thường được dùng để chỉ giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu (Book Value Per Share – BVPS).

Không ai nói rằng:

Giá trị sổ sách của HPG năm 2022 là 96,112 tỷ.

Thay vào đó, họ sẽ nói rằng:

Giá trị sổ sách của HPG năm 2022 là 16,529 vnđ

Do đó ở dưới phần này trở đi, bạn có thể hiểu rằng khi tôi nhắc tới giá trị sổ sách chính là giá trị sổ sách trên một đơn vị cổ phiếu.

Cách tính giá trị sổ sách

Giá trị sổ sách hay giá trị sổ sách trên một đơn vị cổ phiếu được tính bằng…

Giá trị sổ sách = Vốn chủ sở hữu/Số lượng cổ phiếu lưu hành

Có 2 cách để bạn xác định được giá trị sổ sách của doanh nghiệp:

Cách 1: Xem giá trị sổ sách được tính sẵn

Đây là cách khá phổ biến, hiện nay có rất nhiều website cung cấp sẵn số liệu tài chính cho bạn tiện theo dõi, đánh giá…

giá trị sổ sách HPG
Giá trị sổ sách của cổ phiếu HPG – Nguồn: Simplize

Tuy nhiên, cách này cũng có hạn chế là mỗi bên đôi khi lại cho ra một kết quả khác nhau, khiến bạn rất bối rối không biết đâu mới là kết quả đúng.

Do đó bạn nên chọn những đơn vị uy tín để số liệu được tính toán chuẩn xác nhất.

Cách 2: Tự tính trên báo cáo tài chính

Biết cách tự tính chính xác giá trị sổ sách là cách hay để bạn kiểm tra độ chính xác của các bên cung cấp dữ liệu tài chính.

Để tính được chỉ số này, bạn cần lấy 2 dữ liệu trên báo cáo tài chính của một cổ phiếu bất kỳ:

  • Vốn chủ sở hữu trên Bảng cân đối kế toán
  • Vốn điều lệ trên Bảng cân đối kế toán

Bạn có thể truy cập vào website của doanh nghiệp để tải báo cáo tài chính gần nhất.

Tuy nhiên để tiết kiệm thời gian, ở đây mình sẽ sử dụng luôn bảng số liệu tài chính của Simplize để làm ví dụ tính giá trị sổ sách của cổ phiếu HPG.

Bước 1: Lấy chỉ tiêu vốn chủ sở hữu và vốn góp của chủ sở hữu (vốn điều lệ)

Trong mục “Số liệu tài chính” bạn chọn Bảng cân đối kế toán…

bảng cân đối kế toán cổ phiếu HPG
Số liệu tài chính cổ phiếu HPG – Nguồn: Simplize

Ở đây bạn sẽ lấy được:

  • Vốn chủ sở hữu: 96,112 tỷ đồng
  • Vốn góp của chủ sở hữu (hay chính là vốn điều lệ): 58,147 tỷ đồng

Bước 2: Tính số lượng cổ phiếu lưu hành

Theo luật doanh nghiệp, mệnh giá mặc định của cổ phiếu là 10.000 đ/cp, do đó nếu muốn tính số lượng cổ phiếu lưu hành, bạn chỉ lần làm thêm một bước đơn giản:

Số lượng cổ phiếu lưu hành = Vốn góp của chủ sở hữu/mệnh giá cổ phiếu

= 58,147 tỷ/10.000 = 5.814 tỷ cổ phiếu

Bước 3: Tính giá trị sổ sách

Lúc này ta chỉ cần thay số vào công thức có sẵn:

Giá trị sổ sách = Vốn chủ sở hữu/Số lượng cổ phiếu lưu hành = 96,112/ 5,814 = 16,529 vnđ

Ý nghĩa của giá trị sổ sách

Đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh

Thông qua giá trị sổ sách, nhà đầu tư có thể đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh và hiểu rõ hơn về tình hình tài chính và phát triển của công ty.

Cụ thể, bằng cách theo dõi sự thay đổi của giá trị sổ sách trong một khoảng thời gian dài, nhà đầu tư và người quản lý có thể nhận ra xu hướng tăng trưởng của công ty.

Nếu giá trị sổ sách tăng lên đều đặn qua các năm, điều này cho thấy công ty đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả và tăng giá trị cho cổ đông.

giá trị sổ sách

Để dễ hiểu hơn, bạn hãy tưởng tượng phần vốn chủ sở hữu của công ty như một chiếc bình tích lũy tài sản.

Hằng năm chiếc bình này sẽ ngày càng đầy lên nhờ phần lợi nhuận sau thuế từ kết quả kinh doanh của công ty.

Định giá công ty một cách thận trọng

Giá trị sổ sách thường được sử dụng để định giá công ty trong các giao dịch như mua bán, sáp nhập, hợp tác kinh doanh hay đầu tư chứng khoán một cách tương đối thận trọng.

Bởi khi sử dụng tới giá trị sổ sách là bạn đang muốn định giá công ty theo tài sản thực tế của họ.

Điều này giúp nhà đầu tư đánh giá công ty dựa trên giá trị thực tế, tránh bị lôi cuốn vào những ảo ảnh của thị trường.

Như giá cổ phiếu đang cao, tiềm năng tăng trưởng tương lai lớn.

chương trình Shark tank

Nếu bạn để ý thì trong chương trình “Shark tank Việt Nam”, Shark Phú và Shark Việt cực kỳ thích sử dụng phương pháp định giá theo giá trị sổ sách, những màn đàm phán thường thấy là:

Vốn điều lệ của em là bao nhiêu?

Em góp 5 tỷ rồi đúng không, anh góp thêm 5 tỷ nữa chúng ta 50 – 50

Nói cách khác, các Shark muốn mua cổ phần của startup đúng bằng giá trị sổ sách, không tính tiền các tiềm năng tăng trưởng và công sức họ trong quá khứ.

Quả đúng là cá mập!

Các yếu tố ảnh hưởng tới giá trị sổ sách của doanh nghiệp

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp

Đây là yếu tố tác động chính tới giá trị sổ sách của một công ty.

Nếu kinh doanh có lãi, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp sẽ ngày càng dày lên thông qua khoản mục “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” được tích lũy trên bảng cân đối kế toán.

bảng cân đối kế toán cổ phiếu DGC
Số liệu tài chính của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) – Nguồn: Simplize

Như trên bảng cân đối kế toán bạn có thể thấy vốn chủ sở hữu của cổ phiếu DGC tăng dần từng năm từ 4,067 tỷ năm 2020 lên 10,833 tỷ năm 2022 chủ yếu đến từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Ngược lại nếu công ty hoạt động kém hoặc sự cố nào đó khiến doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong một thời gian dài sẽ làm giá trị sổ sách giảm xuống…

bảng cân đối kế toán cổ phiếu HVN
Số liệu tài chính HVN – Nguồn: Simplize

Ví dụ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Mã: HVN) chịu ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19 đang rơi vào tình trạng lỗ liên tục từ năm 2020 tới 2022 khiến vốn chủ sở hữu từ mức 18,607 tỷ hiện đã âm hơn 10,000 tỷ.

Số lượng cổ phiếu lưu hành

Khi doanh nghiệp:

  • Chia cổ tức bằng cổ phiếu
  • Phát hành cổ phiếu thưởng
  • Phát hành cổ phiếu riêng lẻ
  • Mua hoặc bán cổ phiếu quỹ

Sẽ đều làm số lượng cổ phiếu thay đổi, từ đó khiến giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu thay đổi theo.

Do đó bạn cần hiểu rõ bản chất các hoạt động trong doanh nghiệp trước khi đưa ra nhận xét trong tình huống này.

bảng cân đối kế toán cổ phiếu DGC
Số liệu tài chính DGC – Nguồn: Simplize

Ví dụ ta thấy giá trị sổ sách của DGC năm 2022 giảm mạnh từ 37.011 vnđ/cp xuống 28,526 vnđ/cp mặc dù năm 2022 DGC lãi sau thuế tới hơn 6.000 tỷ?

Thực chất đó là do trong năm 2022, DGC tiến hành chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ rất cao 117% (100 cổ phiếu nhận thêm 117 cổ phiếu).

Giá trị sổ sách bao nhiêu là tốt

Khi bạn tính giá trị sổ sách đơn thuần của một doanh nghiệp là 10.000 vnđ/cp hoặc 20.000 vnđ/cp thì không thể kết luận gì.

Vì giá trị sổ sách tốt hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó ngoài kết quả kinh doanh thì còn có chính sách chi trả cổ tức bằng tiền hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp.

Do đó để đánh giá giá trị sổ sách của công ty, ta có thể so sánh với thị giá cổ phiếu (price) hay đó chính là chỉ số P/B:

  • Nếu P/B
  • Nếu P/B = 1 hoặc P/B > 1, tức giá trị sổ sách của công ty nhỏ hơn hoặc bằng thị giá cổ phiếu của công ty. Trong trường hợp này, ta chưa thể kết luận điều gì, có thể do công ty đó hoạt động quá tốt nên thị trường sẵn sàng trả giá cao hơn.

Do đó để sử dụng tốt giá trị sổ sách công ty, tôi khuyên bạn nên kết hợp thêm các chỉ số khác như:

  • Chỉ số P/B
  • Chỉ số ROE

Khi nào nên sử dụng giá trị sổ sách

Theo kinh nghiệm của tôi, giá trị sổ sách được sử dụng rất tốt khi:

  • Giá cổ phiếu giảm sâu
  • Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khó dự phóng trong ngắn hạn

Nếu bạn tin rằng đó là doanh nghiệp tốt và kết quả kinh doanh sẽ phục hồi trong tương lai không xa thì có thể chọn thời điểm khi giá cổ phiếu xuống dưới giá trị sổ sách công ty (P/B

giá cổ phiếu HPG
Đồ thị giá HPG – Nguồn: Simplize

Ví dụ giá cổ phiếu HPG đã từng giảm xuống dưới giá trị sổ sách (P/B ~ 0.7) trong năm 2022 do những lo ngại về tình hình hoạt động của công ty và tình trạng bán giải chấp (call margin) trên diện rộng của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên khi đà call margin qua đi thì những cổ phiếu tốt như HPG sẽ phục hồi rất mạnh (về lại mốc P/B~ 1.2) mặc dù kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chưa mấy khởi sắc.

Đây cũng là cách mà những nhà đầu tư giá trị như Benjamin Graham áp dụng.

Ông thường xuyên mua những doanh nghiệp đang được giao dịch nhỏ hơn giá trị sổ sách.

Kết luận

Tóm lại, giá trị sổ sách là một công cụ hữu ích trong việc đánh giá giá trị của doanh nghiệp và cổ phiếu.

Giá trị sổ sách giúp nhà đầu tư thấy được tài sản ròng của công ty sau khi trừ đi các khoản nợ.

Qua đó bạn có thể:

  • Đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp khi giá trị sổ sách tăng dần qua thời gian
  • Định giá doanh nghiệp một cách thận trọng

Chỉ số này đặc biệt quan trọng đối với những nhà đầu tư theo phương pháp giá trị.

Họ có thể tìm kiếm những cổ phiếu có giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu cao hơn giá cổ phiếu trên thị trường.

Tuy nhiên bạn cũng nên chú ý tới các yếu tố có thể ảnh hưởng tới giá trị sổ sách của doanh nghiệp như:

  • Kết quả hoạt động kinh doanh trong tương lai
  • Số lượng cổ phiếu lưu hành của doanh nghiệp

Cuối cùng, giá trị sổ sách là chỉ số quan trọng, nhưng không phải là duy nhất.

Để đạt được hiệu quả đầu tư tốt nhất, các nhà đầu tư nên kết hợp nhiều phương pháp và chỉ số khác nhau, tạo ra một chiến lược đầu tư đa dạng và linh hoạt.