Tìm hiểu về quá trình tiêu hóa thực phẩm

Quá trình tiêu hóa

Quá trình tiêu hóa bao gồm sáu giai đoạn: ăn vào, nhào trộn, tiêu hóa vật lý, tiêu hóa hóa học, hấp thụ, và thải ra. Các nhóm chất dinh dưỡng như chất đường bột (carbohydrate), chất béo (lipid), chất đạm (protein) và vitamin, muối khoáng sẽ được phân giải ở từng giai đoạn khác nhau của quá trình tiêu hóa, còn chất xơ thì được giữ tương đối nguyên vẹn.

Ăn vào là giai đoạn khi thức ăn được đưa vào miệng và bắt đầu đi vào ống tiêu hóa. Trong khoang miệng, răng và lưỡi sẽ làm nhiệm vụ nhai, xé nhỏ thức ăn và trộn đều thức ăn với nước bọt. Nước bọt có chứa các men hay còn gọi là enzyme, chỉ dùng để phân giải chất đường bột (carbohydrate) và một phần nhỏ ezyme phân giải chất béo (lipid). Động tác nhai cũng giúp xé nhỏ thức ăn để tạo thành những mảnh thức ăn với kích thước phù hợp để nuốt và cũng để các enzyme hoạt động hiệu quả hơn.

Enzyme là một loại protein ở trong các tế bào. Chức năng của enzyme là giúp đẩy nhanh các phản ứng hóa học trong cơ thể. Vai trò của các enzyme trong quá trình tiêu hóa là vô cùng quan trọng. Các chất dinh dưỡng trong thức ăn đều là các chất phức tạp và có thể mất một thời gian dài để phân hủy và hấp thụ vào cơ thể nếu không có sự tham gia của các enzyme tiêu hóa. Enzyme không chỉ có trong nước bọt mà còn xuất hiện trong dịch tiêu hóa của suốt quá trình tiêu hóa. Thậm chí, mỗi loại enzyme còn có chức năng phân giải những loại hợp chất khác nhau trong thức ăn.

Sau khi thức ăn được làm nhỏ ở khoang miệng, lưỡi và cơ thực quản sẽ đẩy các mảnh thức ăn vào thực quản. Đây chính là động tác nuốt thức ăn. Thức ăn được đẩy qua toàn bộ hệ tiêu hóa bắt đầu với động tác nuốt và các nhu động vừa đẩy thức ăn đi, vừa trộn đều thức ăn với dịch tiêu hóa. Thậm chí, các nhu động này còn mạnh mẽ đến mức đồ ăn thức uống bạn ăn vào vẫn có thể đi xuống dạ dày, ngay cả khi bạn đang ở tư thế trồng cây chuối!

Quá trình tiêu hóa gồm song song cả tiêu hóa vật lý và hóa học. Tiêu hóa vật lý là quá trình thức ăn không bị biến đổi mà chỉ được xé nhỏ. Có thể bạn sẽ nghĩ tiêu hóa vật lý chỉ dừng ở khoang miệng, nhưng ngay cả khi thức ăn đã vào đến dạ dày thì hoạt động này vẫn diễn ra. Đó chính là sự nhào trộn thức ăn trong dạ dày, nhằm xé nhỏ thức ăn hơn nữa, giúp tăng diện tích bề mặt tiếp xúc để dịch dạ dày phân giải thức ăn hiệu quả hơn. Sau đó, thức ăn di chuyển xuống ruột non, tiếp tục được xé nhỏ hơn và nhào trộn.

Quá trình tiêu hóa hóa học cũng bắt đầu từ miệng và kết thúc ở ruột non. Các dịch tiêu hóa phân giải các phân tử thức ăn phức tạp thành những phân tử nhỏ hơn. Dịch tiêu hóa có thể khác nhau về thành phần ở mỗi giai đoạn trong ống tiêu hóa, nhưng thường bao gồm nước, các loại men (enzyme), acid và muối.

Sau khi thức ăn được phân giải, các chất dinh dưỡng dưới dạng phân tử nhỏ sẽ được hấp thụ vào máu. Quá trình này xảy ra chủ yếu ở ruột non, một ít ở ruột già. Cuối cùng, những phần còn lại của thức ăn không được hấp thụ sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể qua hậu môn.

Tiêu hóa thức ăn ở từng cơ quan

Miệng

Miệng là nơi thức ăn được đưa vào ống tiêu hóa. Tại đây, thức ăn được xé nhỏ và trộn đều nhờ sự phối hợp hoạt động của răng và lưỡi. Cũng tại đây, các chất đường bột (carbohydrate) và một phần nhỏ chất béo (lipid) trong thức ăn sẽ bắt đầu được phân giải nhờ các enzyme trong nước bọt. Sau khi đã sẵn sàng, thức ăn sẽ được đẩy vào thực quản và bắt đầu quá trình di chuyển trong ống tiêu hóa.

Dạ dày

Dạ dày là một chiếc “túi” có khả năng co giãn, chứa acid mạnh, hay còn gọi là dịch vị dạ dày. Khi thực quản đưa thức ăn vào, dạ dày sẽ co bóp giúp trộn đều thức ăn với dịch vị. Tại dạ dày, thành phần chất đạm (protein) trong thức ăn bắt đầu được phân giải thành các acid amin. Một lượng nhỏ những chất tan trong dầu, hoặc các loại thuốc uống cũng bắt đầu được hấp thụ từ giai đoạn này. Bên cạnh đó, do dịch vị dạ dày là acid mạnh nên dạ dày cũng có tính kháng khuẩn. Thức ăn sau khi đã được dạ dày tiêu hóa gọi là dưỡng trấp (hay nhũ trấp). Nhũ trấp sau đó được đẩy xuống ruột non, tiếp tục quá trình tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất.

Ruột non

Quá trình tiêu hóa ở ruột non diễn ra với tốc độ khá chậm, do phần lớn quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng diễn ra ở giai đoạn này. Trong ruột non, dưỡng trấp (thức ăn đã được tiêu hóa ở dạ dày) tiếp tục được tiêu hóa hóa học bằng các enzyme tiêu hóa. Các enzyme sẽ phân giải các chất dinh dưỡng như chất đường bột, chất đạm, chất béo và nucleic acid thành dạng cơ bản của các chất đó, giúp cơ thể hấp thụ dễ dàng. Đồng thời, các vitamin, khoáng chất và nước cũng được hấp thụ vào cơ thể ở giai đoạn này.

Các cơ quan hỗ trợ tiêu hóa

Ngoài các bộ phận chính của ống tiêu hóa, hệ tiêu hóa còn có các cơ quan giúp hỗ trợ tiêu hóa thức ăn hiệu quả. Đó chính là gan, mật và tụy. Gan tiết ra dịch mật để nhũ hóa chất béo, giúp cơ thể dễ dàng tiêu hóa và phân giải chất béo hơn. Túi mật chính là nơi chứa và cô đặc dịch mật được gan tiết ra. Và tụy là cơ quan sản sinh ra các enzyme tiêu hóa và muối giúp trung hòa dịch vị dạ dày khi thức ăn được đưa từ dạ dày xuống ruột non.

Ruột già

Cơ quan cuối cùng trong ống tiêu hóa chính là ruột già. Những phần thức ăn không được ruột non tiêu hóa và hấp thụ sẽ được chuyển xuống ruột già. Tuy gần như toàn bộ dưỡng chất đã được hấp thụ tại ruột non, nhưng trong ruột già, nước và các chất điện giải cùng các vitamin còn sót lại sẽ được hấp thụ nốt, cùng các dưỡng chất được sản sinh nhờ hệ vi sinh đường ruột. Sau đó, chất thải cùng với chất xơ chưa được tiêu hóa sẽ được đẩy xuống trực tràng và thải ra ngoài qua hậu môn dưới dạng phân.

Làm thế nào để giữ hệ tiêu hoá luôn khoẻ mạnh?

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp