Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Trong đó có 3 tiểu vùng là: Bắc Trung Bộ (gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); vùng Nam Trung Bộ (gồm: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích tự nhiên 95.860 km2 bằng 28,9% diện tích cả nước, với lợi thế bờ biển dài gần 1.800km, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước, trong Vùng có nhiều tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú: chiếm 100% trữ lượng Cromit, 60% trữ lượng thiếc, 20% trữ lượng sắt, 44% trữ lượng đá vôi xi măng của cả nước, được phân bố khá tập trung tại một số địa phương, tạo thuận lợi cho việc khai thác, chế biến. Ngoài ra, còn có titan ở Phú Bài- Huế, mănggan, than ở Khe Bố, đá quý ở Quỳ Hợp, Quế Phong, Nghệ An; đất sét trắng (Quảng Bình), cát thuỷ tinh ở ven biển; dầu khí ở ngoài khơi và nhiều tiềm năng để phát triển thuỷ, hải sản, năng lượng gió, năng lượng mặt trời,… Vùng hiện có 9 sân bay, bao gồm cả 3 sân bay quốc tế; nhiều cảng biển lớn như: Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây, Tiên Sa, Dung Quất, Quy Nhơn, Vũng Rô, Nha Trang, Cam Ranh,… Đây là vùng có tiềm năng lớn để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, nhất là thế mạnh về phát triển kinh tế biển, cảng biển, chăn nuôi đại gia súc, phát triển rừng; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, thủy điện, vật liệu xây dựng; trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, du lịch… Là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, văn hóa, xã hội, với hệ thống giao thông thuận lợi đồng bộ đầy đủ 5 phương thức vận tải, cùng nhiều cảng biển, cảng hàng không kết nối với các tuyến hành lang kinh tế liên vùng và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các loại hình dịch vụ, đặc biệt là logistics, là điểm trung chuyển hàng hóa cho các tỉnh Tây Nguyên, là nơi kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây, giao lưu kinh tế Bắc – Nam; có quan hệ chặt chẽ với các nước bạn Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia, Đông Bắc Thái Lan và Mi-an-ma, nên có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trong những năm qua, kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tăng trưởng bình quân 7,3%/năm giai đoạn 2005-2020, cao hơn mức trung bình cả nước là 6,36%. Quy mô kinh tế của vùng năm 2020 (theo giá hiện hành) tăng gấp 9,1 lần so với năm 2004, chiếm 14,5% GDP cả nước (xếp thứ 3/6 vùng); GRDP bình quân đầu người đạt 56,9 triệu đồng/người/năm (gấp 7 lần so năm 2005). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tương đối nhanh theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp – xây dựng, dịch vụ (năm 2020 lần lượt là 31,82% và 40,81%); du lịch dần trở thành ngành mũi nhọn (giai đoạn 2005-2019 tăng 16%). Trong Vùng cũng đã hình thành, phát triển một số ngành kinh tế quan trọng như: Hóa dầu (2 nhà máy hóa dầu), thép, ô tô, cơ khí… thúc đẩy tăng trưởng Vùng. Thu ngân sách tăng khá (năm 2021 chiếm 13,5% tổng thu ngân sách Nhà nước), một số địa phương đã cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương (4/14 địa phương). Kết cấu hạ tầng giao thông khá đồng bộ (hệ thống quốc lộ với 57 tuyến, dài 8.366 km); phát triển đô thị đạt kết quả tích cực (năm 2021 tỉ lệ đô thị đạt 37,5%, xếp 3/6 vùng kinh tế – xã hội). Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh (từ 12,9% năm 2016 xuống 2,93% năm 2021). Diện mạo toàn Vùng đã có nhiều thay đổi tích cực, và Vùng đang dần trở thành một khu vực phát triển khá năng động, một đầu cầu quan trọng của cả nước trong hợp tác và hội nhập quốc tế.
Bạn đang xem: Một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế song vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vẫn còn thiếu tư duy liên kết vùng, chậm đổi mới, dẫn đến chưa khai thác được hết tiềm năng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hiệu quả. Phát triển kinh tế – xã hội của vùng còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vẫn là vùng có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có đột phá. Hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp chưa cao, tỉ lệ lấp đầy còn thấp. Các khu kinh tế ven biển, cảng biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Thiếu dự án đầu tư quy mô lớn, có tính động lực. Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún. Ngành dịch vụ phát triển chưa đa dạng, chất lượng chưa cao. Du lịch phát triển chưa bền vững, thiếu đa dạng, sức cạnh tranh quốc tế còn thấp. Cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững. Doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, tỉ suất lợi nhuận thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, tính kết nối chưa cao, tỉ lệ đường cao tốc thấp. Liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động. Tốc độ đô thị hóa và chất lượng đô thị còn thấp.
Để tạo ra bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của Vùng; đồng thời tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra trong phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Ngày 29 tháng 12 năm 2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP (Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị) về việc phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những nội dung cụ thể sau:
I. Mục đích, yêu cầu
Xây dựng và phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, trở thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hoá, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Tầm nhìn đến năm 2045
Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực Châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Bên cạnh đó Nghị quyết cũng xác định rõ các chỉ tiêu cụ thể:
Các chỉ tiêu cụ thể giai đoạn 2021 – 2030
– Giai đoạn 2021 – 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7 – 7,5%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng từ 2,5 – 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó, công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 40,7%, dịch vụ chiếm khoảng 37,5. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 30%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 156 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành). Thu ngân sách nhà nước chiếm khoảng 20 – 25%; tốc độ tăng thu nội địa cao hơn 2 – 3 điểm % so với bình quân chung của cả nước. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 47 – 48%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu khoảng 30%. Chỉ số phát triển con người cao hơn trung bình cả nước. Thu nhập bình quân đầu người gấp 1,2 lần trở lên so với trung bình cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 75%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 35 – 40%. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 54%. 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt khoảng 90%. 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để.
Xem thêm : [HƯỚNG DẪN CHI TIẾT] Cách kích sữa về nhiều cho mẹ sau sinh
II. Nhiệm vụ và giải pháp:
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu cụ thể nêu trên, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong tập trung chỉ đạo thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như:
1. Các bộ, ngành liên quan và 14 địa phương trong Vùng khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ.
2. Hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng
Rà soát, hoàn thiện quy định pháp lý, cơ chế, chính sách liên kết vùng đồng bộ, nhất quán, hiệu quả. Làm tốt công tác quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững. Rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư để tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển các quy hoạch. Xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa khắc phục hạn chế. Hình thành các cụm liên kết ngành ở phạm vi liên tỉnh, liên vùng gắn với các trung tâm kinh tế biển mạnh. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật về tài chính cho phép các địa phương huy động, phân bổ và chia sẻ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu chung của vùng. Trong đó, có hệ thống hạ tầng kết nối nội vùng, liên vùng, các dự án có quy mô và sức lan tỏa trong vùng và liên vùng. Tập trung đầu tư tăng cường hệ thống hạ tầng trọng yếu bảo đảm liên kết vùng và các tiểu vùng, nhất là trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, công nghệ số, kinh tế số, đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, du lịch và dịch vụ, logistics, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sớm xây dựng và phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu, trao đổi thông tin kinh tế – xã hội giữa các địa phương trong vùng. Phát triển các trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hậu cần đạt chuẩn quốc gia và khu vực; đưa vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng; phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế, nhất là hành lang kinh tế Đông – Tây; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cảng biển, cảng hàng không, khu kinh tế cửa khẩu,…
– Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để tạo động lực khuyến khích phát triển doanh nghiệp và thu hút nguồn lực nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng, trong đó tập trung phát triển các ngành kinh tế gắn với biển.
3. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển
– Cơ cấu lại ngành công nghiệp trên địa bàn vùng: Quy hoạch hợp lý để phân bố không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế ven biển gắn với các cảng biển, Hành lang Kinh tế Đông – Tây, các tuyến quốc lộ kết nối với Tây Nguyên. Trọng tâm là phát triển công nghiệp hàm lượng công nghệ cao, các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo đột phá hình thành năng lực sản xuất mới. Mở rộng và xây dựng Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất; hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện gió và điện gió ngoài khơi; nghiên cứu và định hướng phát triển khai thác năng lượng hydrogen. Triển khai công tác thẩm lượng, thẩm định để phê duyệt trữ lượng đối với mỏ Báo Vàng, Kèn Bầu; tích cực triển khai chuỗi dự án Cá Voi Xanh. Tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế ven biển; rà soát, điều chỉnh, phân chia chức năng các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không trong vùng.
– Cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp, theo hướng khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, đạt hiệu quả cao, gắn với phát triển, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm bền vững (như: nuôi yến, khai thác yến sào, khai thác cá ngừ). Xây dựng thương hiệu, phát triển các thị trường tiêu thụ, hình thành các trung tâm đấu giá sản phẩm; phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp với quốc phòng, an ninh. Phát triển kinh tế rừng và kinh tế dưới tán rừng. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, gắn với đô thị hóa. Đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp, liên kết, giá trị gia tăng, sinh thái, đặc hữu; thích ứng hiệu quả với thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu; gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch.
– Phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát triển thủy sản thành ngành sản xuất chiến lược, hiện đại, bền vững, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển; hình thành các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, các ngành như du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió ven bờ và năng lượng gió ngoài khơi; các ngành kinh tế biển mới,…
– Thúc đẩy phát triển dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại hình dịch vụ mới. Phát triển vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước với các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế. Phát triển các trung tâm logistics gắn với các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu.
Xem thêm : Bánh tai heo bao nhiêu calo? Ăn nhiều béo không?
4. Phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông
– Phát triển hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí xanh, thông minh, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển mạng lưới đô thị gắn với phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, các trung tâm thương mại, dịch vụ theo hướng đa trung tâm tạo mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng; hình thành ba tiểu vùng đô thị hóa tại Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Phát triển các đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân cấp vùng và tiểu vùng.
– Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi nội vùng và liên vùng. Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu công nghệ cao Đà Nẵng và các cảng hàng không, cảng biển. Tập trung đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc, đặc biệt là các đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông để kết nối toàn bộ các địa phương trong vùng. Xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; kêu gọi và thúc đẩy đầu tư tuyến đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn (đoạn qua Nghệ An), đường cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo; đường cao tốc Đà Nẵng – Thạch Mỹ – Ngọc Hồi – Bờ Y. Đến năm 2030, toàn vùng có khoảng 1.554 km đường bộ cao tốc. Hoàn thành tuyến đường bộ ven biển tại các địa phương trong vùng. Nghiên cứu đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc trục ngang kết nối cửa khẩu quốc tế với các cảng biển. Nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác 09 cảng hàng không hiện có trong vùng. Đầu tư xây dựng mới cảng hàng không Phan Thiết, cảng hàng không Quảng Trị. Tập trung nguồn lực phát triển các cảng biển có tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, nhất là các cảng biển ở Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Nâng cấp, từng bước hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc – Nam qua vùng. Nghiên cứu kêu gọi đầu tư các tuyến đường sắt kết nối vùng với khu vực Tây Nguyên và các cửa khẩu quốc tế trong khu vực.
5. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu
– Kiểm soát an toàn, xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường do hậu quả chiến tranh; hoàn thành việc xử lý khu vực bị nhiễm chất độc dioxin. Tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ và hải đảo.
– Quản lý và phát triển bền vững tài nguyên rừng, tăng cường chất lượng rừng nhằm tăng cường khả năng hấp thụ các-bon, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên. Bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu phải được xem là một trọng tâm trong chiến lược phát triển Vùng. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo kịp thời, chính xác, bảo đảm hoạt động tham mưu, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong mọi tình huống. Tăng cường ý thức phòng, chống thiên tai, cảnh báo các nguy cơ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án ứng phó thiên tai. Đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai; phát triển mạng lưới quan trắc môi trường tự động. Tăng cường dự báo, đánh giá tác động để triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống thiên tai và đầu tư phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
6. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại
– Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ theo hướng hiện đại.
– Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, vận động và thu hút các nguồn vốn đầu tư, viện trợ phát triển chính thức, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân và các đối tác phát triển, đặc biệt là các đối tác của các cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mê Công cho phát triển vùng. Tăng cường hợp tác phát triển kinh tế – xã hội với các nước trên thế giới, nhất là các nước tiểu vùng sông Mê Công, ASEAN, các đối tác quốc tế, đặc biệt trong phát triển kinh tế biển như: kinh tế hàng hải, dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển, công nghiệp ven biển, các ngành kinh tế biển mới…, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển. Đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu trong vùng gắn với hành lang kinh tế Đông – Tây. Nghiên cứu thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên hành lang kinh tế Đông – Tây./.
Đinh Thị Bích Liên
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại – VIOIT
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp