Quy định mới về khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự từ ngày 01/01/2024

Quy định mới về khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự từ ngày 01/01/2024

Quy định mới về khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự từ ngày 01/01/2024 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

Ngày 06/12/2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 105/2023/TT-BQP quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự là gì?

Theo khoản 4 Điều 3 Thông tư 105/2023/TT-BQP, Khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc khám sức khỏe ngay sau khi công dân nhập ngũ do Hội đồng khám, phúc tra sức khỏe của đơn vị nhận quân thực hiện nhằm đánh giá lại sức khỏe công dân theo tiêu chuẩn sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Nội dung khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Nội dung khám về thể lực; lâm sàng; cận lâm sàng thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Thông tư 105/2023/TT-BQP, cụ thể:

– Khám về thể lực; lâm sàng theo các chuyên khoa: Mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, nội khoa, thần kinh, tâm thần, ngoại khoa, da liễu, sản phụ khoa (đối với nữ);

– Khám cận lâm sàng: Công thức máu; nhóm máu (ABO); chức năng gan (AST, ALT); chức năng thận (Ure, Creatinine); đường máu; virus viêm gan B (HBsAg); virus viêm gan C (Anti-HCV); HTV; nước tiểu toàn bộ. (10 thông số); siêu âm ổ bụng tổng quát; điện tim; X-quang tim phổi thẳng; xét nghiệm nước tiểu phát hiện ma túy.

Chủ tịch Hội đồng chỉ định thêm các xét nghiệm khác theo yêu cầu chuyên môn để kết luận sức khỏe được chính xác.

(Khoản 5 Điều 11 Thông tư 105/2023/TT-BQP)

Quy trình khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Cụ thể tại khoản 6 Điều 11 Thông tư 105/2023/TT-BQP quy định về quy trình khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự như sau:

– Quy trình khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Thông tư 105/2023/TT-BQP, cụ thể:

+ Lập danh sách công dân khám;

+ Thông báo thời gian, địa điểm tổ chức khám sức khỏe (Ra lệnh gọi khám sức khỏe);

+ Tổ chức khám sức khỏe theo các nội dung quy định tại khoản 5 Điều 8 Thông tư 105/2023/TT-BQP và thực hiện theo 2 vòng: Khám thể lực, lâm sàng và khám cận lâm sàng, sàng lọc HIV, ma túy. Khi khám thể lực và lâm sàng, nếu công dân không đạt một trong các tiêu chuẩn sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều 4 Điều 8 Thông tư 105/2023/TT-BQP thì ủy viên Hội đồng trực tiếp khám báo cáo Chủ tịch Hội đồng quyết định dừng khám.

Chỉ tiến hành xét nghiệm máu, nước tiểu; xét nghiệm HIV, ma túy cho công dân đạt tiêu chuẩn sức khỏe sau khám thể lực, lâm sàng, siêu âm, điện tim, chụp X-quang tim phổi thẳng.

Tổ chức tư vấn và xét nghiệm HIV theo quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS đối với trường hợp đạt tiêu chuẩn sức khỏe;

+ Hoàn chỉnh Phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo Mẫu 3 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP;

+ Tổng hợp, báo cáo kết quả khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo Mẫu 2b Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP.

– Hoàn chỉnh Phiếu phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo Mẫu 4 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP;

– Tổng hợp, báo cáo kết quả khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo Mẫu 2i Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP.

Thời gian khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Thời gian khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự: Hoàn thành trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày giao nhận quân.

(Khoản 7 Điều 11 Thông tư 105/2023/TT-BQP)

Khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự do ai thực hiện?

Khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự do Hội đồng khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp trung đoàn và tương đương trở lên thực hiện; thành viên Hội đồng gồm:

– Chủ tịch Hội đồng là Chủ nhiệm quân y (phụ trách quân y) đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên;

– Phó Chủ tịch Hội đồng là bác sĩ khám nội khoa hoặc ngoại khoa;

– Ủy viên Thường trực kiêm Thư ký Hội đồng là bác sĩ hoặc nhân viên quân y của đơn vị nhận quân;

– Các ủy viên là cán bộ, nhân viên quân y đơn vị nhận quân; cán bộ nhân viên quân y tăng cường; cán bộ nhân viên quân y hoặc dân y thuộc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn đóng quân của đơn vị nhận quân;

– Thành viên Hội đồng đảm bảo đủ bộ phận, chuyên khoa theo quy định tại khoản 5 Điều 11 Thông tư 105/2023/TT-BQP và có chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề phù hợp với nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

(Khoản 1 Điều 11 Thông tư 105/2023/TT-BQP)

Xem thêm tại Thông tư 105/2023/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY