Tìm hiểu tại sao lại có “hắt hơi, hắt xì hơi”

Chắc hẳn mọi người đều nghe nói những câu “Có ai nhắc mình – Chắc ai chửi mình- Chắc ai nhớ mình …” khi bị hắt hơi. Nhưng Có bao giờ bạn tự hỏi :”Tại sao bạn lại bị hắt hơi ? Tại sao khi cảm cúm lại bị hắt hơi nhiều?”. Hãy cũng tìm hiểu những điều thú vị luôn tồn tại bên bạn mà chúng ta đã coi đó là lẽ tự nhiên nhé!

Hắt hơi, hắt xì hay nhảy mũi, là sự phóng thích không khí từ phổi ra ngoài thông qua mũi và miệng, thường gây ra bởi sự kích thích niêm mạc mũi của các vật thể nhỏ bên ngoài cơ thể. Sự hắt hơi xảy ra giống như một vụ nổ và là một hành động không tự ý và không kiểm soát được.

Hắt hơi có thể gây ra bởi việc nhận thấy một mùi lạ, tiếp xúc đột ngột với ánh sáng, thay đổi đột ngột (thường là giảm) của nhiệt độ, sự đầy hơi trong dạ dày, nhiễm virus, hoặc một vài nguyên nhân hiếm khác như bắt đầu ăn kẹo cao su, sau khi tập thể dục, nhổ lông mày, hoặc sau khi quan hệ tình dục…

Chức năng của hắt hơi là để tống ra các chất nhầy có chứa các hạt lạ gây kích thích và làm sạch khoang mũi. Trong khi hắt hơi, vòm miệng mềm và lưỡi gà ép xuống trong khi mặt sau của lưỡi nâng lên để phần nào chắn lại lối thông từ phổi đến miệng, để không khí từ phổi bị đẩy qua đường mũi. Vì việc hạn chế lối thông đến miệng chỉ là một phần nên một lượng đáng kể không khí cũng bị đẩy ra qua đường này.

Phản xạ hắt hơi kéo theo sự co lại của một số cơ khác nhau, thường bao gồm cả mí mắt. Nhiều người tin rằng không thể mở mắt trong khi hắt hơi. Tuy nhiên, điều này đã được chứng minh là không chính xác.

Những điều thú vị:

  • Hắt hơi là một phản xạ không điều kiện và không thể dừng lại được một khi nó đã bắt đầu: Thật vậy, 1 khi cái hắt hơi đã bắt đầu, thì bạn không thể kìm hãm cái sự sung sướng đó lại được. Thậm chí, bạn cũng không thể mở mắt trong khi đang hắt hơi.
  • Nhiều nguồn thông tin cho biết tốc độ của luồng không khí và các hạt nước bắn ra khi hắt hơi dao động trong khoảng 25km/h cho đến hơn 125km/h với những thí nghiệm sử dụng máy ảnh tốc độ cao. Nếu so sánh với bão thì tốc độ được xếp vào bão cấp 14
  • Các hạt nước được phóng ra có thể đi xa 1,5m đến 3m.
  • Không thể hắt hơi trong khi ngủ vì phần não bộ điểu khiển phản xạ này cũng nghỉ ngơi vào lúc đó.
  • Hầu hết các động vật thuộc siêu lớp động vật bốn chân, trừ cá voi, đều có hành động hắt hơi, kể cả chim, lưỡng cư và bò sát.
  • Các nhà khoa học cho biết, lực do 1 cú hắt xì … hơi tạo ra, có thể làm thay đổi nhịp tim của bạn. Nhưng đừng lo, bởi trái ngược với sự thật ấy, quả tim của bạn sẽ không ngừng đập trong lúc bạn hắt hơi, nó chi… hơi giật mình xíu thôi
  • Hắt hơi cũng là tập thể dục: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: 1 cú hắt xì hơi có tác dụng như 1 bài khởi động nhẹ, vì nó bao gồm hoạt động của nhiều bó cơ, từ cơ họng, ngực, cơ hoành và cơ bụng.
  • Hắt hơi cũng… nói lên tính cách: Những người hắt xì lớn tiếng thì có xu hướng là người lãnh đạo tốt và uy tín. Những người sở hữu tiếng hắt xì hơi dịu hơn thì tính cánh cũng trầm hơn, trung thành hơn và đáng tin cậy hơn.Những người che miệng khi hắt xì có vẻ như là người có tính cách nghiêm túc, đoan trang, chuẩn mực. Và kiểu hắt xì được mô tả là bất ngờ, không theo một “khuôn mẫu” nào là của Tuýp người luôn thay đổi quyết định của mình 1 cách rất chóng vánh…
  • Hắt xì hơi thật tuyệt vời! Cái hắt xì hơi sẽ mang lại cho con người ta cảm giác nhẹ nhõm, thoải mái, cứ như thể vừa trút bỏ đi được 1 gánh nặng vậy. Nhiều người còn cho biết hắt hơi còn khiến họ cảm thấy trẻ trung, vui sướng, thậm chí là năng động hơn. Thật vậy! Bạn cứ thử cái cảm giác muốn hắt hơi mà không thể hắt được 😀 . Vậy có cách nào ngăn ngừa hắt hơi không ? Hãy cùng tìm hiểu tiếp…
  • Kỷ luc hắt hơi : Người ta đã ghi âm một người đàn ông hắt hơi một mạch 40 cái, khiến ông mệt đứt hơi. Sách Guinness còn ghi một kỷ lục khủng khiếp: Bà Donna Griffiths ở Pershore (Anh) năm lên 2 bắt đầu hắt hơi từ ngày 13/1/1981 và trong năm đầu tiên, người ta ghi nhận được hơn 1 triệu cái, sau chán, không ghi nữa, và bà (đúng hơn là cô bé lúc đó) chỉ dừng lại ngày 16/9/1983, nghĩa là liền tù tì 978 ngày, kể cả giữa bữa ăn, trừ lúc ngủ. Chắc “nữ hoàng hắt hơi” này xưng hùng xưng bá còn lâu mới có đối thủ

Ngăn chặn, phòng ngừa hắt hơi :

Cách ngăn chặn hắt hơi cơ bản là thở ra từ từ và sâu để loại bỏ toàn bộ lượng không khí trong phổi sẽ được dùng cho việc hắt hơi, sau đó nín thở và đếm đến mười hoặc nhẹ nhàng kẹp chặt sống mũi trong vài giây.

Phương pháp để làm giảm hắt hơi nói chung là giảm sự tương tác với các chất kích thích, chẳng hạn như hạn chế ở gần vật nuôi để tránh lông của chúng, đảm bảo luôn lau sạch bụi bám trên đồ đạc, thay thế thường xuyên bộ lọc cho máy điều hòa không khí, máy lọc khí hay thiết bị giữ ẩm. Tuy nhiên, một số người lại cảm thấy hắt hơi rất thú vị và không muốn ngăn chặn việc này.