Dân số tăng nhanh gây ra hậu quả gì? Giải pháp khắc phục?

Dân số tăng nhanh dẫn đến bùng nổ dân số là một vấn đề nghiêm trọng mà các quốc gia phải quan tâm. Việc không thể kiểm soát tỉ lệ gia tăng dân số trong khi diện tích trái đất thì không đổi sẽ gây nên nhiều hậu quả nặng nề về mọi mặt cho con người. Vậy cụ thể dân số tăng nhanh gây ra hậu quả gì? Giải pháp khắc phục tình trạng này như thế nào? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời.

1. Dân số và gia tăng dân số?

Theo Khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh dân số năm 2003, định nghĩa dân số được hiểu là tập hợp người sinh sống trong một quốc gia, khu vực, vùng địa lý kinh tế hoặc một đơn vị hành chính. Gia tăng dân số là việc dân số tăng lên một cách tự nhiên.

Hiện nay, vấn đề dân số vẫn đang là chủ đề nóng được cả thế giới quan tâm. Từ những năm 1950, khi các nước thuộc địa Châu Á, Châu Phi và Mĩ Latin giành được độc lập, dân số thế giới đã tăng rất nhanh, tuy nhiên hiện nay khi đời sống được cải thiện và sự tiến bộ về y tế làm giảm nhanh tỷ lệ tử vong trong khi tỷ lệ sinh vẫn còn tăng cao đang dẫn đến tỉ lệ gia tăng dân số tăng cao.

Tỷ lệ gia tăng dân số bằng tổng số của tỉ suất gia tăng tự nhiên và tỉ suất gia tăng cơ học. (đơn vị phần trăm: %).

Theo đó, gia tăng dân số tự nhiên là mức chênh lệch giữa tỉ suất sinh thô (Tương quan giữa số trẻ em được sinh ra trong năm so với số dân trung bình ở cùng thời điểm) và tỉ suất tử thô (Tương quan giữa số người chết trong năm so với số dân trung bình cùng thời điểm), và được coi là động lực phát triển dân số. Còn gia tăng cơ học là sự chênh lệch giữa số người xuất cư và nhập cư, nó có ý nghĩa quan trọng đối với từng khu vực, từng quốc gia, trên phạm vi toàn thế giới, không ảnh hưởng đến quy mô dân số. Tỷ lệ gia tăng dân số là thước đo phản ánh trung thực, đầy đủ tình hình biến động dân số của một quốc gia hay khu vực.

2. Bùng nổ dân số là gì?

Bùng nổ dân số là sự gia tăng dân số một cách quá nhanh trong một khoảng thời gian rất ngắn. Bùng nổ dân số xảy ra khi tỷ lệ gia tăng bình quân hàng năm của dân số thế giới lên đến 2,1%. Trung bình mỗi năm, dân số thế giới tăng lên thêm 80 triệu người và tổng số dân hiện nay đã đến con số 8 tỷ dân (15/11/2022).

Bùng nổ dân số vì thế đem đến những ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội. Trên thế giới, bùng nổ dân số diễn ra mạnh nhất ở các nước, châu lục nghèo và kém đô thị hóa nhất đó là Châu Á và Châu Phi.

Nước ta đã từng bị bùng nổ dân số, tuy nhiên, bằng các chính sách kế hoạch hóa gia đình, hiện tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn dân số vàng, khi mà cứ một người phụ thuộc thì có hai người trong độ tuổi lao động.

Kết quả TĐT năm 2019 cho thấy tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm 68,0% (giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2009), tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên chiếm lần lượt là 24,3% và 7,7%.

Tuy nhiên, dự báo đến khoảng năm 2040, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”.

3. Dân số tăng nhanh gây ra hậu quả gì?

3.1 Gây sức ép đối với sự phát triển kinh tế:

Sự gia tăng dân số quá nhanh làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, cung cầu không cân xứng khiến nền kinh tế khó có thể phát triển được. Làm tác động tiêu cực đến thị trường lao động.

Theo đó, bùng nổ dân số sẽ tạo ra sức ép rất lớn đối với vấn đề việc làm, gây ra tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng. Thông thường, lực lượng lao động xã hội chiếm khoảng 45% tổng số dân, tuy nhiên, do quy mô dân số lớn, tỷ lệ gia tăng dân số cao dẫn đến lực lượng lao động lớn và tăng nhanh. Mặt khác, lao động nước ta lại tập trung chủ yếu về nông nghiệp. Trong quá trình đô thị hoá, nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp đã bị thu hẹp, lực lượng lao động nông nghiệp dôi dư dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động càng gia tăng.

Đồng thời, khi lực lượng lao động thiếu việc làm cũng có thể là nguyên nhân gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường. Ví dụ: diện tích phá rừng tăng do nạn khai thác bừa bãi lâm sản như: chặt phá rừng, săn bắt động vật quý hiếm vì mục đích thương mại. Từ đó dẫn đến xuất hiện ngày càng nhiều đất trống, đồi trọc làm cho môi trường bị suy thoái nghiêm trọng, nạn lũ lụt, hạn hán thường xuyên xảy ra do rừng đầu nguồn bị chặt phá.

Bên cạnh đó, thất nghiệp, tệ nạn xã hội xảy ra dẫn đến nghèo đói ở nhiều quốc gia. Trong khi chính phủ không có đủ nguồn chi cho các phúc lợi xã hội thì cuộc sống người dân lâm vào tình cảnh khốn khó.

3.2 Tác động tiêu cực đến các vấn đề xã hội:

Dân số tăng nhanh kéo theo đó là tỷ lệ trẻ em chiếm một tỷ lệ tương đối lớn trong khi đất nước còn nghèo, chưa có sự phát triển sẽ đã tạo sức ép nặng nề đối với lĩnh vực y tế, giáo dục. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn còn cao, một số vùng núi cao chưa phổ cập xong chương trình tiểu học, số trẻ em bỏ học hoặc không được đến trường còn nhiều.

Ngoài ra, nó còn tác động tiêu cực đến an ninh quốc phòng và các vấn đề xã hội khác. Dân số gia tăng đồng nghĩa với việc di dân do quá trình đô thị hoá đã để lại hệ quả tất yếu là khó kiểm soát về các lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, sự xâm nhập của các trào lưu văn hoá ngoại do quá trình hội nhập quốc tế đã khiến một bộ phận thanh thiếu niên và lực lượng lao động trẻ thiếu việc làm rơi vào sa ngã. Tất cả các yếu tố này càng khiến xã hội diễn biến phức tạp hơn.

3.3 Ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và tài nguyên:

Vấn đề dân số tăng quá nhanh là một mối nguy hại đối với môi trường. Bởi dân số và môi trường là 2 yếu tố có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Sự gia tăng dân số đã gây sức ép lớn đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường do hoạt động khai thác quá mức phục vụ nhu cầu con người. Trong khi dân số không ngừng biến động thì nguồn tài nguyên thiên nhiên dần trở nên cạn kiệt và lượng khí thải ra môi trường ngày càng nhiều hơn.

Dân số càng nhiều, sức ép về thực phẩm, lương thực, năng lượng, môi trường, tài nguyên cũng ngày càng lớn. Trong đó, về nguồn tài nguyên khoáng sản và thuỷ điện, với trình độ kỹ thuật hiện nay, loài người đang đứng trước khó khăn rất lớn, việc cung cấp năng lượng ngày càng căng thẳng, điện sản xuất ra không đủ dùng, còn chất thải công nghiệp ngày càng gây ô nhiễm, ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường tự nhiên.

Đồng thời, các nguồn thải tập trung vượt quá khả năng tự phân huỷ của môi trường tự nhiên trong các khu vực đô thị, khu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Việc gia tăng dân số đô thị dẫn đến hình thành các thành phố lớn – siêu đô thị làm cho môi trường khu vực này có nguy cơ bị suy thoái nghiêm trọng. Nguồn cung cấp nước sạch, nhà ở, cây xanh không đáp ứng kịp cho sự phát triển dân cư. Ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước ngày càng tăng lên.

Bên cạnh đó, các tệ nạn xã hội và vấn đề quản lý xã hội trong đô thị cũng trở nên khó khăn. Có thể thấy, gia tăng dân số quá nhanh đang gây sức ép nặng nề đến môi trường toàn cầu. Diện tích trái đất hầu như không thay đổi trong khi số dân lại không ngừng tăng lên. Dân số tăng nhanh khiến cho môi trường không còn đủ khả năng đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của con người. Do đó, muốn giảm bớt những sức ép này, nhất thiết phải khống chế được tỷ lệ gia tăng dân số.

4. Nguyên nhân dân số tăng nhanh:

Có nhiều nguyên nhân khiến dân số tăng nhanh, trong đó phải kể đến một số nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, do chênh lệch lớn giữa tỉ lệ sinh và tỷ lệ tử. Bởi về bản chất, gia tăng dân số được hiểu là có sự chênh lệch đáng kể giữa tỷ lệ người sinh ra và tỷ lệ người mất đi. Khi số người được sinh ra nhiều hơn số người mất đi thì dân số sẽ tăng. Hơn nữa, điều kiện sống của con người được cải thiện, nhiều người sống thọ hơn, tỷ lệ sinh thì giữ nguyên, thậm chí còn tăng cao dẫn đến dân số tăng nhanh là không thể tránh khỏi.

Thứ hai, do quan niệm sinh nhiều con của một số quốc gia. Theo văn hoá phương Đông, người phương Đông có tư tưởng sinh nhiều con thì sẽ có lộc, con cháu đề huề. Chính quan niệm này đã một phần dẫn đến việc gia tăng dân số nhanh, đặc biệt, đây là quan niệm được truyền từ đời này sang đời khác, vốn đã đi sâu vào tiềm thức của người dân phương Đông.

Thứ ba, chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình chưa hiệu quả. Khi nhận thấy sự manh nha xuất hiện của hiện tượng dân số quá nhanh, hầu hết các quốc gia đều thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình nhằm giảm tỷ lệ sinh. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, người dân chưa được tiếp cận cũng như chưa có đủ nhận thức về vấn đề này. Mặt khác, ở nhiều khu vực, chính sách cũng chưa được thực hiện một cách triệt để.

5. Giải pháp khắc phục tình trạng dân số tăng nhanh?

Dân số tăng nhanh gây ra rất nhiều hệ lụy do đó cần phải có giải pháp khắc phục tình trạng này. Trên thế giới cũng như ở nước ta đã có một số giải pháp có thể kể đến như:

5.1. Ban hành các văn bản pháp luật:

– Việt Nam quy định mỗi gia đình chỉ có 1-2 con.

– Trung Quốc ban hành quy định mỗi gia đình có 1 con từ năm 1979.

– Hiệu quả của biện pháp này là nhanh chóng, tức thì. Theo tính toán, nếu không ban hành quy định trên, Trung Quốc đã có thể có thêm 400 triệu dân.

– Thế hệ trẻ ngày nay đã có sự thay đổi về quan niệm sinh con, chấp nhận có ít con để nuôi dạy cho tốt.

Tuy nhiên, việc ban hành các quy định mang tính áp chế này lại gây ra sự mất cân bằng về giới:

– Nhiều phụ nữ ở Trung Quốc đã phá thai khi biết mình mang thai con gái.

– Tháng 1/2005, tỉ lệ bé trai/bé gái ở Trung Quốc là 119/100 (thế giới: 105/100).

– 40 triệu người dân Trung Quốc đối diện nguy cơ không có bạn đời trong tương lai.

– Khảo sát năm 2005, một số tỉnh ở Việt Nam, tỉ lệ bé trai/bé gái cũng đạt mức 115/100 • Nhiều hệ lụy tai hại: xung đột, án mạng, tệ nạn xã hội.

5.2. Tuyên truyền các biện pháp tránh thai:

– Rất nhiều các biện pháp tránh thai đã được áp dụng tại Việt Nam từ những năm 1980.

– Ở Mỹ, quy định cho phép người trên 18 tuổi mua thuốc tránh thai khẩn cấp vào năm 2007 đã khiến doanh số loại thuốc này tăng gấp đôi.

– Các biện pháp tránh thai giúp giảm tỉ lệ sinh con ngoài ý muốn, góp phần lớn trong nỗ lực giảm dân số của các chính phủ những năm gần đây.

Tuy nhiên, tất cả các biện pháp tránh thai đều ẩn chứa nguy cơ thất bại, một số biện pháp “cực đoan” như triệt sản khiến người thực hiện trở nên vô sinh…

5.3. Các giải pháp dài hạn khắc phục tình trạng dân số tăng nhanh:

– Việc giáo dục và tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề này có vai trò và ý nghĩa lâu dài hơn cả. Việc giáo dục về dân số phải được thực hiện rộng rãi, hướng tới nhiều đối tượng và ưu tiên giáo dục từ khi còn nhỏ.

– Tổ chức phát bao cao su miễn phí cho thanh niên, gái bán hoa tại các khu vực nhạy cảm, vừa hạn chế gia tăng dân số quá nhanh, vừa giảm thiểu lây truyền các bệnh xã hội.

– Thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.