Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu D/E (Debt to equity ratio) là gì?

Video hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu

2.2K

Trong tài chính khi nói đến cơ cấu vốn hay độ an toàn của nợ vay chúng ta không thể chỉ nói đến giá trị tuyệt đối của nợ vay (hoặc thậm chí một số người còn nhầm sang nợ phải trả) mà chúng ta phải nói đến hệ số D/E (Debt to equity ratio). Vậy hệ số D/E là gì?

1. Hệ số D/E (Debt to equity ratio) là gì?

Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu trong tiếng Anh là Debt to equity ratio, viết tắt là D/E. Đây là tỷ lệ % giữa vốn doanh nghiệp huy động được bằng việc đi vay với vốn của chủ sở hữu bỏ ra.

Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là một chỉ số tài chính đo lường năng lực sử dụng và quản lý nợ của doanh nghiệp.

Ví dụ bảng trên: D/E không phải là lấy tổng nợ 2,000 chia cho vốn chủ sở hữu 2,000 mà D/E = 1,000 của nợ vay chia cho 2,000 vốn chủ sở hữu. Nợ doanh nghiệp có 2 loại nợ là nợ chiếm dụng vốn (lấy hàng nhà cung cấp, nhận tiền trước của khách hàng,..) loại nợ này không mất lãi. Loại còn lại là nợ vay sẽ mất lãi. Tính D/E là tính nợ vay.

  • Ví dụ về D/E của VIC
Hệ số D/E (Debt to equity ratio)

Năm 2021, Tập đoàn Vingroup (VIC) có nợ vay ngắn + nợ vay dài hạn = 122,048 tỷ. Vốn chủ sở hữu của tập đoàn là 159,572 tỷ . Như vậy, D/E = 122,048/ 159,572 = 0.764 – khoảng 76.4%.

Xem thêm: Vòng quay hàng tồn kho là gì?

2. Công thức tính hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu

Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cho biết tỉ lệ giữa hai nguồn vốn cơ bản (vốn nợ và vốn chủ sở hữu) mà doanh nghiệp sử dụng để tài trợ cho hoạt động của mình. Hai nguồn vốn này có những đặc tính riêng biệt và mối quan hệ giữa chúng được sử dụng rộng rãi để đánh giá cấu trúc tài chính của doanh nghiệp. Công thức tính như sau:

Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu = Nợ phải trả / Vốn chủ sở hữu

Ví dụ: Tính tỷ lệ D/E của Công ty Vinamill (VNM) theo số liệu báo cáo tài chính quý 4/2021:- Nợ phải trả: 15.812 tỷ đồng- Vốn chủ sở hữu: 32.000 tỷ đồng- D/E = 0.49Nếu hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu > 1: Nghĩa là tài sản của doanh nghiệp chủ yếu là các khoản nợ vay vốn bên ngoài tài trợ.

Nếu hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu < 1: Nghĩa là tài khoản hiện có của doanh nghiệp do nguồn vốn chủ sở hữu tài trợ.

Xem thêm: Cách đọc báo cáo tài chính trong đầu tư chứng khoán

3. Ý nghĩa của hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu

Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp. Thông thường, nếu hệ số này lớn hơn 1, có nghĩa là tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ, còn ngược lại thì tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi nguồn vốn chủ sở hữu.

Ý nghĩa của hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu

Về nguyên tắc, hệ số này càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỉ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì doanh nghiệp ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. D/E thấp thể hiện nguồn vốn cho hoạt động của doanh nghiệp từ vốn chủ sở hữu dồi dào, nợ thấp, không chịu nhiều áp lực tài chính và đang kinh doanh có hiệu quả.

Ngược lại, hệ số D/E càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn khi lãi suất ngân hàng tăng cao. Tuy nhiên, việc sử dụng nợ cũng có một ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp.

Xem thêm: Phân biệt giữa Biên lợi nhuận gộp và Biên lợi nhuận ròng

4. Hạn chế của chỉ số D/E

Việc tính toán chỉ số D/E phụ thuộc vào nợ và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Thực tế hai khoản này lại có những đặc điểm khiến nhà đầu tư khó có thể xác định chính xác D/E:

  • Phân tích khoản nợ: Cổ phiếu ưu đãi đôi khi được coi là vốn chủ sở hữu nhưng cổ tức, mệnh giá, quyền thanh lý lại làm cho nó trông giống khoản nợ hơn. Nếu bao gồm cổ phiếu ưu đãi vào khoản nợ kéo theo hệ số D/E tăng dẫn đến rủi ro cao cho doanh nghiệp. Trong khi tính cổ phiếu ưu đãi vào phần vốn chủ sở hữu thì D/E lại giảm. Sự không nhất quán trong xác định khoản nợ làm kết quả tính D/E không hoàn toàn chính xác.
  • Có đôi khi không phải lúc nào D/E cao hoặc thấp là tốt. Thực tế các cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường có tỷ lệ D/E rất cao so với mức trung bình. Dù hoạt động công ty tăng trưởng chậm nhưng vẫn đủ để duy trì dòng thu nhập ổn định, từ đó tổ chức có thể vay vốn với mức lãi suất thấp.

Doanh nghiệp trong các ngành có tốc độ tăng trưởng chậm có tỷ lệ đòn bẩy cao so với thu nhập đã phản ánh năng lực sử dụng vốn hiệu quả. Trong khi đó tại các ngành hàng chủ lực như tiêu dùng thường có D/E cao hơn, nhưng rõ ràng họ vẫn hoạt động tốt.

Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu D/E

Xem thêm: ROA – Return On Assets (Lợi nhuận trên tổng tài sản) là gì?

5. Chỉ số D/E bao nhiêu là hợp lý?

Chỉ số D/E hợp lý

Trong lý thuyết tài chính có 1 thứ được gọi là “Cấu trúc vốn tối ưu”. Nghĩa là tại điểm tối ưu này chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp (WACC) sẽ được tối ưu. Vừa không quá an toàn khiến chủ sở hữu phải tài trợ nhiều, lại vừa không quá rủi ro khi đi vay quá nhiều. Tuy nhiên, vẫn có nhiều tranh cãi về lý thuyết học thuật này. Trong thực tế thì với mỗi nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp sẽ sử dụng kinh nghiệm của mình để xác định xem như thế nào là rủi ro.

6. Cách áp dụng hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu

Sau đây là cách sử dụng hệ số D/E với tỷ lệ chính xác đúng trong khoảng 80% trường hợp. 20% còn lại phụ thuộc vào các yếu tố kể trên như (1) chi phí vay nợ; (2) mô hình kinh doanh. Tuy vậy, khi xác định là nhà đầu tư – trước khi tham gia nên xác định là dài hạn – thì điều đầu tiên phải đảm bảo đó là doanh nghiệp đó có thể vượt qua mọi cuộc khủng hoảng, điều kiện thị trường, điều kiện kinh tế. Trong môi trường biến động như vậy, một số yếu tố có thể làm bức tranh tài chính doanh nghiệp thay đổi mà ban lãnh đạo cũng không thể kịp thích ứng, ví dụ như Lãi suất bất ngờ tăng cao, tình hình kinh doanh bất ngờ ảm đạm… Trong điều kiện đó, một lời khuyên đúng đến 80% trong dài hạn, đó là D/E < 1.

Một số ví dụ có thể kể đến là HAG với D/E luôn trên 1,5 lần. Trong điều kiện như vậy, cho dù HAG có bao nhiêu câu chuyện kinh doanh tuyệt vời để kể (cây ăn quả, chuối, bò, rồi sau này là heo) thì cuối cùng tình hình kinh doanh vẫn bết bát, giá cổ phiếu vẫn loanh quanh dưới 10.000 đ.

Một câu chuyện khác có thể kể đến là MWG. Doanh nghiệp này luôn có tỷ lệ nợ/vốn chủ cao hơn 1 trong giai đoạn 2018-2021 nhờ vòng quay hàng tồn kho nhanh và hiệu quả kinh doanh tốt. Tuy vậy, trong năm 2022 do tác động của suy thoái, nền kinh tế yếu khiến cho chi phí lãi vay ăn mòn hầu hết lợi nhuận. Doanh nghiệp này cũng phải thực hiện cắt giảm vay nợ để cân đối dòng tiền. Và MWG là một trong số ít các công ty kịp thời xoay xở.

7. Tổng kết

Trên đây là các thông tin cơ bản về chỉ số D/E mà nhà đầu tư cần lưu ý. Có thể thấy, D/E là một chỉ số quan trọng, giúp chúng ta có thể đánh giá doanh nghiệp, lựa chọn và đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn nhất. Trước khi lựa chọn 1 mã cổ phiếu nào, đừng quên theo dõi hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu để đánh giá sức khỏe tài chính của doanh nghiệp đó nhé.

Link bài tổng “Kiến thức chứng khoán cơ bản dành cho NĐT mới”, mời quý nhà đầu tư tham khảo: https://azfin.vn/kien-thuc-co-ban-danh-cho-ndt-moi/

******************************

Tham gia ngay Group Đầu tư giá trị của AzFin Việt Nam để có thể nhận các bản tin đầu tư chất lượng.

Liên hệ với AzFin theo các thông tin dưới đây:

  • Hotline: 096 249 86 39
  • Fanpage AzFin Việt Nam: https://www.facebook.com/AzFinVietNam
  • Youtube: https://www.youtube.com/c/azfinvietnam
  • Zalo Official AzFin Việt Nam: https://zalo.me/1723747511285646453
  • Tiktok: https://www.tiktok.com/@chungkhoanazfin
  • Tham khảo các khóa học của AzFin: https://academy.azfin.vn/