Hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân?

Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 3 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 tuân thủ pháp luật về tổ chức Tòa án nhân dân được quy định như sau:

“Điều 3. Tổ chức Tòa án nhân dân

1. Tòa án nhân dân tối cao.

2. Tòa án nhân dân cấp cao.

3. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

4. Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.

5. Tòa án quân sự.”

Quy định về tổ chức Tòa án nhân dân

Tại khoản 2 Điều 102 Hiến pháp 2013 quy định: “2. Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định.”

Theo đó, tại Điều 3 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định tổ chức Tòa án nhân dân Việt Nam bao gồm:

1. Tòa án nhân dân tối cao.

Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

+ Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao gồm: Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Bộ máy giúp việc; Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

Tòa án nhân dân tối cao có Chánh án, các Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, công chức khác, viên chức và người lao động.

Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của các Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng; Giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định; Tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; Đào tạo; bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm, các chức danh khác của Tòa án nhân dân; Quản lý các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự về tổ chức theo quy định của Luật này và các luật có liên quan, bảo đảm độc lập giữa các Tòa án; Trình Quốc hội dự án luật, dự thảo nghị quyết; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết theo quy định của luật.

2. Tòa án nhân dân cấp cao.

+ Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân cấp cao gồm:

– Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao;

– Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên. Trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;

– Bộ máy giúp việc.

Tòa án nhân dân cấp cao có Chánh án, các Phó Chánh án, Chánh tòa, các Phó Chánh tòa, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động.

Tòa án nhân dân cấp cao có nhiệm vụ phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.

Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.

3. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

+ Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm:

– Ủy ban Thẩm phán;

– Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên. Trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

– Bộ máy giúp việc.

Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Chánh án, các Phó Chánh án, Chánh tòa, các Phó Chánh tòa, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động.

+ Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

– Sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật.

– Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.

– Kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị.

4. Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.

+ Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương

– Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương có thể có Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa xử lý hành chính. Trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Căn cứ quy định tại khoản này và yêu cầu, thực tế xét xử ở mỗi Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc tổ chức Tòa chuyên trách.

– Bộ máy giúp việc.

– Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương có Chánh án, Phó Chánh án, Chánh tòa, Phó Chánh tòa, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên về thi hành án, công chức khác và người lao động.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương

– Sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật.

– Giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật.

5. Tòa án quân sự.

+ Tổ chức Tòa án quân sự

– Tòa án quân sự trung ương.

– Tòa án quân sự quân khu và tương đương.

– Tòa án quân sự khu vực.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án quân sự: Các Tòa án quân sự được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam để xét xử những vụ án mà bị cáo là quân nhân tại ngũ và những vụ án khác theo quy định của luật.

Luật Hoàng Anh