Hiến trứng có ảnh hưởng đến sinh sản không?

1. Hiến trứng là gì?

Mọi cặp vợ chồng nào cũng đều ước mơ sinh được những đứa con của mình. Bởi con cái là sợi dây kết nối tình cảm ngày càng khăng khít cho cha mẹ. Tuy nhiên, trên thực tế lại có không ít trường hợp hiếm muộn, không thực hiện được ước mơ rất đỗi bình dị đó.

Hiến trứng giúp những người gặp vấn đề sinh sản có thể mang thai. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Có nhiều lý do khiến các cặp vợ chồng không thể có thai. Trong đó, hiện tượng suy giảm chức năng buồng trứng là lý do đáng lo ngại nhất. Các chuyên gia cho biết, chức năng sinh sản buồng trứng của người phụ nữ bắt đầu ở tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên xuất hiện và bắt đầu giảm dần sau tuổi 30.

Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, khoảng 1% phụ nữ bị hết trứng khi chưa đến tuổi 40 do vấn đề bẩm sinh hoặc qúa trình tiêu hủy tế bào trứng diễn ra quá nhanh. Ngoài ra, sảy thai hoặc do bệnh lý ở buồng trứng khiến người bệnh phải phẫu thuật trên buồng trứng cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng suy buồng trứng nhanh.

Rất may nhờ sự tiến bộ của Y học, các nhà khoa học đã phát hiện ra tử cung của người phụ nữ vẫn có thể mang thai sau khi buồng trứng ngừng hoạt động một thời gian dài. Nhờ vậy, những người phụ nữ bị suy yếu buồng trứng hoặc buồng trứng không còn hoạt động vẫn có thể mang thai, sinh con.

Chính vì vậy, “hiến trứng” được xem là giải pháp tối ưu giúp những người không thể có con đạt được ước mơ làm cha mẹ. Vậy các chị em phụ nữ, đặc biệt là những người hiếm muộn chưa thể sinh con đã hiểu hiến trứng là gì chưa?

Hiến trứng là phương pháp giúp cho những người gặp vấn đề về sinh sản có thể tự mang thai và sinh con. Đây là cách lấy trứng của người hiến tặng đem thụ tinh với tinh trùng của người chồng trong ống nghiệm. Sau khi các phôi thai được tạo thành sẽ đem cấy vào tử cung của người vợ, tức là người nhận trứng.

Đứa trẻ đầu tiên trên thế giới sinh ra nhờ trứng hiến tại Australia năm 1984. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Năm 1984, em bé đầu tiên đã được sinh ra nhờ trứng hiến của người khác tại Australia. Còn tại Việt Nam, trường hợp xin trứng thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên được thực hiện năm 1999 tại bệnh viện Từ Dũ.

Đến nay, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã phát triển hơn, được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Đối tượng áp dụng cũng mở rộng, không chỉ những trường hợp bị suy buồng trứng sớm mà cả những người bị bất thường nhiễm sắc thể, đáp ứng buồng trứng kém với kích thích buồng trứng,… Điều này đã giúp cho các cặp vợ chồng hiếm muộn giải quyết được mong muốn sinh con.

2. Người cho trứng có ảnh hưởng đến sinh sản không?

Hiến trứng là việc làm mang đầy ý nghĩa nhân văn, giúp cho những người phụ nữ khác cũng có cơ hội được làm mẹ. Tuy nhiên vẫn có nhiều người lo lắng liệu hiến trứng có ảnh hưởng đến sinh sản không?

Lý do bởi họ cho rằng, nếu hiến tặng sẽ khiến họ hết trứng, khả năng sinh con tiếp sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, hết trứng lại là vấn đề không thể xảy ra.

Theo các chuyên gia, kể từ khi chào đời, cơ thể mỗi người phụ nữ sẽ có khoảng 2 triệu nang trứng. Bước sang tuổi dậy thì, do sự thoái hóa của các nang trứng nên số lượng trứng còn khoảng 300.000 – 400.000.

Cứ mỗi chu kỳ kinh nguyệt sẽ có khoảng 50-100 nang trứng được lựa chọn để sàng lọc và và phát triển. Cuối cùng chỉ có duy nhất 1 trứng rụng, các trứng còn lại sẽ thoái hóa. Bởi FSH – nội tiết tố quyết định sự phát triển của nang trứng chỉ cho phép một nang trứng phát triển và rụng trong kỳ kinh nguyệt.

Khi hiến trứng, người cho sẽ được sử dụng một loại thuốc kích thích buồng trứng, khiến lượng FSH trong cơ thể nhiều hơn. Từ đó, số lượng trứng phát triển trong chu kỳ kinh đó sẽ nhiều hơn, còn số trứng bị thoái hóa được giảm bớt đi.

Như vậy, kích thích buồng trứng để hiến tặng không tác động đến nang trứng của chu kỳ sau mà chỉ tác động đến số nang trứng đáng lẽ sẽ bị thoái hóa ở chu kỳ đó. Nếu không cho trứng thì chúng cũng sẽ bị mất đi trong kỳ kinh nguyệt đó. Vì vậy, các chị em hoàn toàn có thể yên tâm làm nghĩa cử cao đẹp mà không cần lo hiến trứng có ảnh hưởng gì không?