CHẾ ĐỘ QUÂN CHỦ

“Chế độ quân chủ” được hiểu như sau:

Một hình thức chính thể, trong đó vua là người chủ quyền lực, tất cả quyền lực trong nước thuộc về nhà vua. Có hình thức quân chủ tuyệt đối và quân chủ hạn chế.

Chế độ quân chủ là hình thức chính thể phổ biến thường thấy trong các nhà nước chủ nô, nhà nước phong kiến và trong một phạm vi, mức độ hạn chế, cả trong nhà nước tư sản. Đặc trưng tiêu biểu của chính thể quân chủ là quyền lực tối cao trong một nhà nước thuộc về một người là vua. Vua lên nắm quyền (lên ngôi) thường theo nguyên tắc cha truyền con nối – “con vua thì lại làm vua”. Vua được xem là con trời – thiên tử, “thế thiên hành đạo”, thay trời trị dân hoặc là người nhận sứ mệnh cai quản dân từ thượng đế và cũng vì vậy chịu trách nhiệm trước trời, trước thượng đế, đối với dân, vua không chịu bất kỳ một trách nhiệm pháp lý nào.

Thường có sự phân biệt giữa nhà nước quân chủ chuyên chế với nhà nước quân chủ hạn chế. Quân chủ chuyên chế thường tồn tại trong các nhà nước chủ nô, phong kiến, đứng đầu là một hoàng đế như Tần Thủy Hoàng dù lãnh thổ Trung Quốc lúc bấy giờ đã rất bao la vẫn được chia thành quận, huyện do một quan thư do triều đình bổ dụng, cả nước thành một đế quốc trung ương tập quyền hoặc đại đế. Quyền lực của vua là vô hạn và điều đó được khẳng định chính thức trong cuốn điều lệnh quân sự, nhà vua là vị quốc vương quân chủ chuyên chế, người không phải trả lời bất kỳ ai trên thế gian này về những việc làm của mình, có sức mạnh và quyền lực đối với quốc gia và lãnh thổ của mình – nhà nước được coi như một sức mạnh toàn năng để điều khiển mọi mặt của cuộc sống nhân dân, xây dựng các đạo luật, kiểm tra việc tuân thủ hành động cũng như tư tưởng, chỉ đạo các hoạt động kinh tế, thậm chí cả cuộc sống hàng ngày của thần dân.

Ở Việt Nam, triều Nguyễn Gia Long cũng là một mẫu hình quân chủ chuyên chế tuyệt đối. Gia Long, làm khác với các triều đại trước, chủ trương “tứ bất – bốn không” – không lập tể tướng, không lập hoàng hậu, không lập thái tử, thi không lấy trạng nguyên. Vua không muốn chia quyền với ai. Vua trực tiếp làm mọi việc lớn nhỏ: nắm các bộ, án lớn, chấm các bài thi đình, phê các tấu sớ… để các nhà nho đương thời đã phải nhận xét: lớn như thiên hạ, nhỏ như một nước, nếu việc gì (nhà vua) cũng tự làm lấy thì dù một bậc thượng triết cũng không tranh khôn với thiên hạ, mà tranh khôn với thiên hạ là chạy đua với ngựa kí mà chạy đua với ngựa kí thì ít khi không vấp ngã.

Nhà nước quân chủ hạn chế thường thấy trong các nhà nước tư sản, ra đời trên cơ sở của sự thỏa hiệp giữa giai cấp tư sản và tầng lớp quý tộc phong kiến, khi giai cấp tư sản chưa đủ mạnh để lật đổ vương quyền phong kiến, còn tầng lớp quý tộc quan liêu thì còn lực lượng và có khi lợi dụng tâm lý tôn trọng vương quyền và uy tín của nhà vua để thỏa hiệp, duy trì một phần những đặc quyền, đặc lợi; cũng có trường hợp trước khí thế mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân đông đảo, giai cấp tư sản và tầng lớp quý tộc tìm thấy trong sự thỏa hiệp khả năng áp đảo lại lực lượng quần chúng, thống nhất với nhau duy trì chế độ quân vương hạn chế với sự hạn chế quyền lực của vua bằng một hiến pháp, cũng vì vậy, thường được gọi là quân chủ lập hiến. Trong thời đại ngày nay, phần lớn các nước theo chế độ quân chủ lập hiến đã thành những nhà nước theo chế độ đại nghị, quốc hội, nghị viện giữ quyền lập pháp còn quyền hành pháp nằm trong tay chính phủ, quốc vương chỉ còn vai trò tượng trưng có tính truyền thống. Xét từ góc độ tìm kiếm những cơ sở bảo lãnh cho quyền lực của giai cấp có của, duy trì ưu thế chính trị cho giai cấp cầm quyền, chính thể quân chủ lập hiến với quốc vương luôn giữ vị trí của nguyên thủ quốc gia, lúc bình thường chỉ hạn chế vai trò trong tượng trưng tiêu biểu của quốc gia nhưng khi nguy cấp, vẫn có thể trở thành một lực cản chính trị đối với những phong trào cấp tiến có yêu sách thay đổi cơ bản chế độ xã hội.