Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp
Trong số 15 kiến nghị của cử tri do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến Thanh tra Chính phủ có nội dung: “Tình trạng tham nhũng hiện nay vẫn còn nhiều, đặc biệt nhiều vụ án có liên quan đến cán bộ nhà nước. Cử tri kiến nghị cần có giải pháp ngăn chặn để giữ vững uy tín của Đảng trước Nhân dân; cần kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi tham nhũng, quy định khung hình phạt cho các hành vi tham nhũng ở mức độ nặng hơn”.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo tới Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành phố các giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng.
Theo đó, thời gian qua, nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, quản lý kinh tế – xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) được ban hành, tổ chức thực hiện nghiêm túc. Điển hình như: Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án…
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, bộ máy Nhà nước, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC.
Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng như: Hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ PCTNTC trong nội bộ các cơ quan có chức năng PCTNTC, không để cán bộ, công chức có hành vi TNTC làm công tác này; tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp…
Đồng thời, triển khai có hiệu quả các cuộc kiểm tra, thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTNTC; tăng cường, tập trung thanh tra những lĩnh vực dễ phát sinh TNTC, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất kép kín.
Quy định về xử lý người có hành vi tham nhũng khá đầy đủ
Về quy định khung hình phạt cho các hành vi tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng, pháp luật về PCTN đã quy định khá đầy đủ về xử lý người có hành vi tham nhũng, tùy theo mức độ có thể bị kỷ luật hoặc xử lý hình sự.
Xem thêm : Động vật quý hiếm là gì? Phân loại các loài động vật quý hiếm?
Việc xử lý đối với hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật hiện hành là rất nghiêm khắc và cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân người có hành vi vi phạm.
Nhiều bị cáo bị xử tù chung thân về tội nhận hối lộ trong vụ án “chuyến bay giải cứu”. Ảnh: TTXVN
Điều 92 Luật PCTN năm 2018 quy định, người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.
CÁC HÀNH VI THAM NHŨNG QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 2 LUẬT PCTN:
1. Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
2. Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Người có hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật.
Người bị kết án về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu.
Xem thêm : Cách Phối Đồ Cho Người Mập Béo Hack Dáng Thon Gọn, Đẹp Mê Ly
Trao đổi với Tạp chí Thanh tra, Luật sư Hoàng Việt Hùng – Giám đốc Công ty Luật UPlaw cho biết, đối với các hành vi tham nhũng, ngoài Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng quy định về các tội phạm tham nhũng như: Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ; Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Tội giả mạo trong công tác.
Người vi phạm 1 trong các tội trên sẽ bị xử phạt tù lên tới chung thân hoặc tử hình.
Đơn cử như, Tội nhận hối lộ quy định tại Điều 354 với các khung như sau:
Khung 1: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; b) Lợi ích phi vật chất.
Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Có tổ chức; b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng; đ) Phạm tội 2 lần trở lên; e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm: a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500 trăm triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng.
Khung 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên; b) Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định, người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp