Cuốn sách Cộng đồng Họ Dương Việt Nam trong lịch sử dân tộc (Sơ khảo)

Cuốn sách Cộng đồng Họ Dương Việt Nam trong lịch sử dân tộc (Sơ khảo)

Khổ 16 x 24cm dày gần 500 trang

Số xác nhận đăng ký xuất bản: 2105 -2023/ CXBIPH/1-182/CTQG

Quyết định xuất bản số: 2701 – QĐ/NXBCTQG cấp ngày 30/8/2023

In xong và nộp lưu chiểu quý III năm 2023.

ho duong chiem bao nhieu phan tram o viet nam 1

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Họ Dương là dòng họ xuất hiện sớm, cùng với nhiều dòng họ khác trong cộng đồng Bách Việt đóng góp công sức vào công cuộc dựng làng giữ nước, đánh đuổi ngoại xâm, gìn giữ biên cương lãnh thổ của Tổ quốc. Từ vùng đất Kinh Bắc, theo thời gian, cùng với những biến thiên của lịch sử, biến động của các vương triều, tác động của các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội, người Họ Dương đã đến sinh cơ lập nghiệp ở những vùng đất mới, có mặt ở khắp các địa phương trên cả nước, trải dài từ Bắc vào Nam. Hiện nay, dù sinh sống ở đâu, con cháu Họ Dương vẫn luôn hướng về cội nguồn dòng họ, nhớ tới tổ tiên. Ở thời kỳ nào, Họ Dương cũng có những con người ưu tú, đóng góp cho đất nước.

Thời các Vua Hùng, những người của dòng họ như Dương Minh Tiết, Dương Minh Thắng,… đã định cư, lập làng, dựng ấp, củng cố lực lượng, canh chừng giặc giã, bảo vệ biên cương qua nhiều đời kế tiếp. Suốt hàng nghìn năm Bắc thuộc, nhiều người Họ Dương đã đứng lên đấu tranh chống ách đô hộ của phương Bắc, trong đó có các cuộc khởi nghĩa lớn do người Họ Dương lãnh đạo, như: cuộc khởi nghĩa của Dương Thanh, Dương Đình Nghệ, Dương Tam Kha. Trong thời kỳ phong kiến độc lập, người Họ Dương có nhiều danh thần, võ tướng đóng góp công sức cho đất nước. Trong văn bia ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện nay, có 21 văn bia ghi danh người họ Dương. Từ triều Lý đến triều Nguyễn, trong 187 khoa thi văn được tổ chức, Họ Dương có T 6 Cộng đồng Họ Dương Việt Nam trong lịch sử dân tộc 57 người đỗ đại khoa, gồm 2 Trạng nguyên, 15 Hoàng giáp, 5 Phó bảng và 35 Tiến sĩ xuất thân và đồng xuất thân.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều người con họ Dương đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, nhiều tấm gương tiêu biểu là Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng được Nhà nước vinh danh. Trong công cuộc xây dựng đất nước, tiếp nối truyền thống của ông cha, trên các lĩnh vực, nhiều người Họ Dương là các nghệ sĩ có tên tuổi, nhà khoa học tài năng, doanh nhân thành đạt, nhà quản lý xuất sắc,… đóng góp cho đất nước, cho quê hương. Đây không những là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo, mà còn là niềm tự hào của Họ Dương Việt Nam trong lịch sử dân tộc. Nhằm chăm lo cho sự phát triển của dòng họ với nhiệm vụ trọng tâm là khuyến học – khuyến tài, Hội đồng Họ Dương Việt Nam được thành lập. Hằng năm, Hội đồng Họ Dương đều có kế hoạch tôn tạo, tu bổ đền thờ, lăng miếu tổ; tổ chức các chương trình khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, hoạt động thiện nguyện; vinh danh, khen thưởng học sinh giỏi, có nhiều thành tích trong học tập; mừng thọ; tổ chức Lễ hội mùa xuân… Đây là những hoạt động kết nối người trong dòng họ ở khắp các vùng miền, địa phương, trong và ngoài nước, góp phần khơi dậy niềm tự hào dòng tộc, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Nhằm khái quát về quá trình phát triển của Họ Dương Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Cộng đồng Họ Dương Việt Nam trong lịch sử dân tộc (Sơ khảo).

Cuốn sách gồm 6 phần, 19 chương, được biên soạn trên cơ sở kế thừa những công trình nghiên cứu trước đây của dòng họ, kết hợp với việc khảo cứu thần phả, thần tích, ngọc phả, gia phả, nêu rõ về cội nguồn, nơi phát tích dòng họ; giới thiệu về những nhân vật huyền thoại, những người của dòng họ có công lao, đóng góp đối với đất nước, gắn liền với tiến trình lịch sử Việt Nam từ thời dựng nước đến nay. Cuốn sách góp phần khích lệ những người trong dòng Họ Dương nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống yêu nước, hiếu học của dòng họ; có tinh thần thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng đất nước phồn vinh. Trong cuốn sách có nhiều thông tin, nhận định, đánh giá, được ban biên soạn và những người trong dòng họ nghiên cứu, tìm hiểu, sưu tầm qua nhiều nguồn tư liệu, qua quá trình khảo sát, điền dã,… tại Hội đồng Họ Dương các tỉnh, thành phố trên cả nước. Để bạn đọc có cái nhìn toàn diện, khách quan, Nhà xuất bản giữ nguyên một số thông tin, đánh giá và coi đây là quan điểm riêng của Ban biên soạn và dòng họ.

Mặc dù, đã có nhiều cố gắng trong quá trình biên tập nội dung, tra cứu, thẩm định, song chắc chắn cuốn sách khó tránh khỏi hạn chế, thiếu sót. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau. Trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.

Tháng 6 năm 2023

NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT

s%C3%A1ch l%E1%BB%8Bch s%E1%BB%AD nhi%E1%BB%81u cu%E1%BB%91n

LỜI GIỚI THIỆU

Họ Dương là một trong số những dòng họ lớn ở Việt Nam, chiếm khoảng 2% dân số cả nước. Đây là dòng họ giàu truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Theo truyền thuyết, từ thời Kinh Dương Vương, lạc tướng Họ Dương đã phò vua dựng nước, kinh đô đóng tại Luy Lâu. Dưới thời Hùng Vương thứ nhất, Thái sư Quốc công Dương Minh Tiết đã có công giúp Vua Hùng xây dựng bộ máy Nhà nước Văn Lang, kinh đô đóng tại Phong Châu (Phú Thọ); chia nước ta thành 15 bộ, đứng đầu là lạc tướng; cử lạc hầu, lạc tướng giúp việc cho nhà vua. Thời Hùng Vương thứ sáu, Lạc tướng Dương Minh Thắng được Vua Hùng cử về đất Vũ Ninh để đánh dẹp giặc Ân, bảo vệ bờ cõi. Khi giặc tan, vâng mệnh Vua, Lạc tướng ở lại đất Vũ Ninh, chiêu mộ dân chúng, lập làng dựng ấp, củng cố lực lượng canh chừng giặc giã, bảo vệ đất nước.

Trong suốt nghìn năm Bắc thuộc, dưới sự cai trị hà khắc, đàn áp của các triều đại phong kiến phương Bắc, các cuộc khởi nghĩa của người Việt liên tiếp nổ ra, mở đầu là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đánh đuổi quân nhà Hán, giành lại nền độc lập. Ngay khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, nhiều cừ súy, thủ lĩnh Họ Dương đã tham gia hưởng ứng như Dương Bốc, Dương Công, Dương Giã Tiên, Dương Nước, Dương Đình, Dương Ngọc, Dương Tuyền… Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Hán, nhiều tướng sĩ Họ Dương đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh như Tham quân Dương Quốc Trinh, Nguyên soái Dương Học. Trong các cuộc khởi nghĩa ở các giai đoạn sau đó do Lý Bí, Phùng Hưng lãnh đạo, nhiều dũng tướng người Họ Dương đã tích cực tham gia, góp phần vào công cuộc đánh đuổi quân đô hộ phương Bắc, khẳng định ý thức tự cường, tinh thần yêu nước của người Việt 1.

Năm 932, Thứ sử Dương Đình Nghệ đem 3.000 binh sĩ, trong đó có những người con Họ Dương từ vùng Ái Châu (Thanh Hóa) ra đánh thành Đại La. Tướng giặc Lý Tiến phải trốn chạy, cầu cứu quân tiếp viện. Vua Nam Hán sai Thừa chỉ Trần Bảo đem quân sang cứu nguy nhưng Dương Đình Nghệ đã nhanh chóng đánh tan đoàn quân tiếp viện, giết chết Thừa chỉ Trần Bảo. Ông tự xưng là Tiết độ sứ, đóng đô ở Đại La. Với chiến thắng này, Dương Đình Nghệ đã khôi phục lại nền tự chủ của nước nhà, giành quyền độc lập sau hàng ngàn năm Bắc thuộc. Từ đây, đất nước được hưởng nền độc lập hoàn toàn, đời sống nhân dân được cải thiện.

  1. 1. Xem Trần Nghĩa (Chủ biên): Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu, Bổ Di I, Quyển Thượng, tr.440, 638, 803; Bùi Văn Tam: Đoài Sơn miếu và những giả thiết đề nghị nghiên cứu, 2018; Thần phả làng Ngô Khê.

Bình Vương Dương Tam Kha, con trai của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ là một vị tướng lỗi lạc, một vị vua có tài cai trị và một nhà kinh tế. Bình Vương Dương Tam Kha là người đã có công lao lớn trong chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất năm 938 1

  1. Theo Thần tích đền Cổ Lễ (Cổ Lễ trang Điền tổ Dương Bình Vương sắc phong phúc thần sự tích) do Tiến sĩ Vũ Huy Trác soạn ngày 10 tháng Giêng năm Bính Thân, niên biểu Cảnh Hưng thứ 37 (ngày 28/2/1776) ghi: “Ông Tùng Khê quê ở Dương Xá, Ái Châu, tên húy là Tam Kha con thứ ba của Dương Đình Nghệ. Từ thuở nhỏ tư trời thông tuệ, văn võ đều thông, từng theo cha đánh dẹp có công được nhiều người tin phục. Ông có ba vợ, sinh được mười con trai, chín con gái nhưng các con đều chăm chỉ việc nông cốt lấy no làm đích, mà không nghĩ đến việc tang bồng vùng vẫy. Năm Đinh Dậu (937) người Phong Châu là Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ. Năm sau (938) người ở Đường Lâm – con rể của Dương Công là Ngô Quyền từ Ái Châu dẫn quân ra cùng Tam Kha giết Công Tiễn để báo thù. Vua Nam Hán liền phong cho con mình là Hoằng Thao làm Giao Vương dẫn quân tiến vào theo cửa Bạch Đằng. Tam Kha sai Dương Thục Phi, Dương Cát Lợi chặt 3.000 cây gỗ đóng xuống lòng sông trên một quãng dài ba dặm. Đợi lúc nước lên đem quân khiêu chiến giặc vượt qua bãi cọc, khi nước xuống Ngô Quyền đem chư tướng từ cửa sông hết sức đánh tập hậu. Tam Kha cho quân bản bộ dùng tên dài ở hai bờ bắn xả vào quân giặc, chém được Hoằng Thao làm cho quân Hán đại bại”. Câu đối ở đền Cổ Lễ ghi: “Khuông phù Ngô chủ, lập Nam bang thiên thu hách trạc Trảm diệt Hoằng Tháo, bình Bắc Khấu lịch đại bao phong” (Dốc phù Ngô chúa, dựng nước Nam nghìn thu hiển hách Chém chết Hoằng Tháo, trừ giặc Bắc nối đời bao phong). Nhà sử học Lê Tung trong bài thơ Quá Bình Vương cựu trạch từ (Qua ngôi đền trên nền cũ nhà Bình Vương) có hai câu mở đầu ghi rõ công lao của Dương Tam Kha: “Thực thung giang khẩu thiết kỳ mưu Trảm hán Hoằng Tháo tuyết phụ cừu”. (Cửa sông đóng cọc bày mưu lạ Chém Hán Hoằng Tháo rửa hận cha). (Theo Trần Mạnh Thường: Các tác giả văn chương Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, 2015, t.1).

Dưới các triều đại phong kiến độc lập, người Họ Dương tiếp tục tham gia vào chính sự, giữ những vị trí cao trong triều chính, có nhiều đóng góp vào công việc của triều đình, của đất nước, để lại những công trạng, dấu ấn quan trọng. Đặc biệt, thời nhà Lý, thì từ vua Lý Thần Tông – Dương Hoán, vốn là con nuôi của vua Lý Nhân Tông1, là người họ Dương. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ Họ Dương gặp nhiều thăng trầm, biến động; nhiều chi, nhánh Họ Dương phải thay tên đổi họ, chuyển sang các họ Đào, Phạm, Nguyễn,… lưu lạc, ly tán đi khắp nơi, mai danh ẩn tích, thậm chí phải vượt biển sang xứ Cao Ly,… do vậy không còn giữ được mối liên hệ với cội nguồn, với dòng tộc.

1.Theo Dương tộc kỷ sử do Họ Dương biên soạn từ thế kỷ XI thì Dương Hoán là con trai của Sùng Hiền Hầu Dương Công Khanh. Chi tiết này cần được tiếp tục nghiên cứu.

Cùng với quá trình mở mang bờ cõi của quốc gia Đại Việt trong nhiều thế kỷ, qua các thời kỳ, trước những biến động của thời cuộc, của các yếu tố quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, người Họ Dương đã dần dần mở rộng địa bàn cư trú, có mặt ở khắp các vùng, miền của Tổ quốc từ Bắc vào Nam, sinh sống, làm ăn, hòa nhập, gắn bó và trở thành những chủ nhân của vùng đất mới. Với truyền thống của dòng họ yêu nước, hiếu học, nhiều người Họ Dương đỗ đạt cao, trở thành những danh thần, võ tướng, phò vua giúp nước. Kế tiếp truyền thống khoa bảng, dòng Họ Dương có 57 người đỗ tiến sĩ cả văn lẫn võ trong các kỳ thi của triều đình, được ghi danh trên bia ở Văn Miếu, tiêu biểu như Lưỡng quốc Trạng nguyên Đào Sư Tích gốc Dương; Trạng nguyên Dương Phúc Tư. Nhiều tiến sĩ Họ Dương sau khi đỗ đạt được triều đình trọng dụng, làm quan đến chức Thượng thư, được cử đi sứ để mở rộng bang giao, giữ vững nền hoà hiếu của đất nước như: Dương Duy Nhất, Dương Trí Dụng; Dương Văn An, Dương Thuần, Dương Khuê, v.v..

Giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, biến nước ta thành thuộc địa của Pháp. Kế thừa truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dòng họ, nêu cao tinh thần dân tộc, ý thức trước vận mệnh quốc gia, nhiều người Họ Dương đã gia nhập các tổ chức yêu nước, tham gia phong trào đấu tranh chống Pháp. Đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (tháng 2/1930), ở các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cao Bằng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình,… theo thống kê bước đầu đã có trên 20 người Họ Dương được kết nạp vào Đảng, tiêu biểu như ông Dương Quang Đông – Bí thư đầu tiên của tỉnh Trà Vinh (1930); ông Dương Vụ Bản – Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu, Nghệ An (tháng 3/1931);… Trong các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, nhiều người Họ Dương đã tích cực tham gia các phong trào cách mạng, nhiều người giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương, tiêu biểu như: Dương Đại Long, Dương Mạc Thạch (đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân năm 1944); Dương Đức Hiền 13 (Hà Nội); Dương Linh, Dương Tự Cơ (Hưng Yên); Dương Văn Phát (Hà Nam); Dương Minh Đức, Dương Quang Gián (Bắc Ninh); Dương Bạch Mai, Dương Quang Đông; Dương Minh Châu (Tây Ninh); Dương Khuy (Mỹ Tho); Dương Văn Dương (Bến Tre)… Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, người Họ Dương luôn dũng cảm, kiên cường tham gia chiến đấu trên các chiến trường; nhiều người trở thành tướng lĩnh, chỉ huy trong lực lượng vũ trang hay lãnh đạo nhân dân địa phương tham gia kháng chiến. Nhiều bà mẹ Họ Dương, con dâu Họ Dương đã tảo tần chu toàn việc nhà, trở thành hậu phương vững chắc để động viên chồng, con yên tâm chiến đấu. Nhiều người con ưu tú của Họ Dương đã chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, xương máu của họ đã hòa cùng đất, cùng nước để gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.

Trong công cuộc dựng xây đất nước, nhiều trí thức, nhà khoa học xuất sắc, nghệ sĩ tài năng, nhà văn, nhà thơ, doanh nhân thành đạt Họ Dương đã tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha ông, tích cực phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng quê hương, đóng góp vào công cuộc kiến thiết nước nhà.

Với lịch sử phát triển lâu đời của dòng họ, cùng với truyền thống hào hùng và những dấu ấn đậm nét đóng góp vào công cuộc dựng nước, giữ nước, việc nghiên cứu một cách tổng thể và khoa học về sự phát triển của Họ Dương trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, hiểu rõ được những công trạng, những đóng góp của dòng họ đối với công cuộc bảo vệ độc lập cũng như xây dựng, phát triển đất nước qua các thời kỳ có giá trị thực tiễn sâu sắc và ý nghĩa quan trọng. Chính vì vậy, ngay từ khi thành lập Ban liên lạc Họ Dương toàn quốc – tổ chức tiền thân của Hội đồng Họ Dương Việt Nam, nhu cầu tìm hiểu về cội nguồn, tổ tiên, những chặng đường thăng trầm và đóng góp của các bậc tiền nhân cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đã trở thành một nhu cầu cấp thiết. Để đáp ứng phần nào những đòi hỏi đó, Hội đồng Họ Dương đã ban hành kế hoạch sưu tầm tư liệu, tài liệu, tổ chức biên soạn bộ sách lịch sử dòng họ.

Phong trào sưu tầm, tìm hiểu về gia phả, tộc phả, nhân vật,… phát triển mạnh mẽ ở các địa phương, được toàn thể bà con trong dòng tộc hưởng ứng, ủng hộ, ngày càng có nhiều tài liệu được gửi về Văn phòng Hội đồng Họ Dương Việt Nam. Đặc biệt, nhiều gia đình và cá nhân Họ Dương đã trao tặng các tài liệu quý hiếm, có giá trị, góp phần làm sáng tỏ thêm các sự kiện, nhân vật lịch sử của dòng họ. Cụ Dương Văn Dật đã nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các công trình Họ Dương trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam (2010) và Những gương sáng Họ Dương trong lịch sử Nam Bộ kháng chiến (2014). Mặc dù vậy, các công trình đó mới chỉ thu thập được tư liệu tản mạn qua một số bài tham luận của các học giả và người trong dòng họ, còn thiếu nhiều sự kiện quan trọng và chính yếu, hạn chế về nguồn tư liệu, chưa có tính khái quát, song đã thể hiện sự mong mỏi và nhu cầu cần thiết phải có một công trình nghiên cứu khoa học toàn diện, nghiêm túc, công phu về lịch sử dòng họ trong tiến trình lịch sử dân tộc; những thăng trầm, biến động cũng như thấy được những đóng góp của Họ Dương với đất nước, qua đó giáo dục, cổ vũ các thế hệ con cháu tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, luôn nỗ lực, phấn đấu để xứng đáng với lớp lớp các thế hệ đi trước, làm rạng danh tổ tiên, dòng tộc.

Để đáp ứng nhu cầu đó, đồng thời khẩn trương tiến hành công việc nghiên cứu lịch sử Họ Dương, Hội đồng Họ Dương Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo biên soạn lịch sử Họ Dương, do Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam làm Trưởng ban. Được sự giới thiệu của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ban Chỉ đạo đã mời Tiến sĩ Sử học Khổng Đức Thiêm làm Trưởng Ban Biên soạn kiêm Chủ biên của bộ sách. Sau thời gian tích cực tiến hành công tác thu thập tư liệu, tài liệu; tổ chức nhiều chuyến đi điền dã, khảo cứu; chỉnh lý tư liệu, tài liệu từ gia phả, tộc phả cũng như trong các bộ Quốc sử; đối chiếu, tham khảo từ các tư liệu khác, Ban Biên soạn đã hoàn thành việc biên soạn bộ tùng thư đồ sộ mang tên Họ Dương Việt Nam – Biên niên sử liệu và sự kiện, trình bày trên 2.000 sự kiện tiêu biểu về chặng đường phát triển của dòng họ từ năm 696 trước Công nguyên đến năm 2020.

Nhằm giúp các nhà nghiên cứu, những người trong dòng họ có cái nhìn đầy đủ, khách quan, khoa học về sự phát triển của Họ Dương trong lịch sử Việt Nam, những nhân vật tiêu biểu của Họ Dương; góp phần lan tỏa những dấu ấn của Họ Dương trong lịch sử dân tộc, tăng cường tình cảm huyết thống, phát huy truyền thống yêu nước, hiếu học, đoàn kết của dòng họ, Hội đồng Họ Dương Việt Nam xuất bản cuốn sách Cộng đồng Họ Dương Việt Nam trong lịch sử dân tộc (Sơ khảo).

Cuốn sách kế thừa những kết quả nghiên cứu của công trình Họ Dương Việt Nam – Biên niên sử, đồng thời khảo cứu thêm nhiều nguồn tư liệu, trình bày một cách súc tích, ngắn gọn nhưng bao quát đầy đủ quá trình phát triển của Họ Dương trong lịch sử. Cuốn sách gồm 6 phần và Phần kết luận, nêu rõ cội nguồn, địa bàn khởi sinh cộng đồng Họ Dương Việt Nam; những dấu ấn của dòng họ qua các thời kỳ, các giai đoạn trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc. Nội dung cuốn sách cũng đề cập về các nhân vật tiêu biểu của dòng họ, vai trò và công đức của những người con Họ Dương trong thời đại họ sinh ra và lớn lên đối với đất nước cũng như đóng góp với dòng họ, từ đó, giúp các thế hệ hôm nay và mai sau, đặc biệt là những người con xa xứ hiểu thêm về nguồn gốc của mình, biết được cuộc sống, sự nghiệp của các vị tiền nhân, ngày lễ, ngày giỗ, phần mộ…, để thêm tự hào về truyền thống của dòng họ.

Mặc dù Ban biên soạn có rất nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc khảo cứu tài liệu, tìm kiếm, chỉnh lý các nguồn tư liệu cũng như trong quá trình nghiên cứu, biên soạn, song thời gian đã lùi xa, nhiều nguồn tư liệu thành văn đã thất lạc, mất mát, do vậy cuốn sách khó tránh khỏi những thiếu sót. Ban Biên soạn mong nhận được các ý kiến góp ý và chỉ dẫn để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong những lần xuất bản sau.

Hy vọng cuốn sách sẽ giúp mỗi người con Họ Dương hiểu và tự hào về truyền thống tốt đẹp của dòng họ mình để củng cố niềm tin, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách.

Hà Nội, tháng 6 năm 2023

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG HỌ DƯƠNG VIỆT NAM

Dương Công Minh

b%C3%ACa s%C3%A1ch

LỜI ĐẦU SÁCH

Trước khi bắt tay vào biên soạn bộ sách này, tác giả đã dành nhiều thời gian tra cứu các nguồn tư liệu liên quan để soạn ra bộ Biên niên sử liệu và sự kiện và coi đó là cơ sở quan trọng để dựng lại bộ Cộng đồng Họ Dương Việt Nam trong lịch sử dân tộc ( sơ khảo). Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng này nên việc chú giải sử liệu, sự kiện trong quá trình biên soạn được giản lược vì Biên niên sử liệu và sự kiện đã giúp cho bạn đọc có tài liệu để so sánh, kiểm tra những điều được viết ra trong bộ chính sử, bớt đi sự rườm rà đối với một bộ sách thông dụng cho nhiều đối tượng độc giả.

Cộng đồng Họ Dương Việt Nam trong lịch sử dân tộc ( sơ khảo) đã dành tới 5 phần, 17 chương để trình bày về cội nguồn và địa bàn khởi sinh, những đóng góp của cộng đồng trong sự nghiệp khôi phục chủ quyền, xây dựng nhà nước phong kiến, bồi đắp nguyên khí quốc gia, xây dựng nền văn minh Đại Việt, nuôi dưỡng lòng yêu nước, đối diện với họa xâm lăng của phương Tây, phương Bắc và cùng đất nước vươn mình. Như vậy, các vấn đề lịch sử đã được trình bày suốt một chiều dài từ khởi thủy đến năm 2000 – dừng lại sớm hơn so với bộ Họ Dương Việt Nam – Biên niên sử tới 20 năm nhằm bảo đảm độ lùi cần thiết giúp cho sự đánh giá, nhìn nhận được thấu đáo hơn về tiến trình, diễn tiến của cộng đồng dòng họ. Riêng Phần thứ sáu trình bày về những hoạt động của tổ chức Hội đồng Họ Dương Việt Nam thì mốc thời gian được kéo dài tới năm 2020, bởi tổ chức này mới được hình thành và ra đời vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, mãi những năm gần đây mọi hoạt động dần đi vào nền nếp, có đóng góp cho cộng đồng.

Giống như những dòng họ khác ở Việt Nam, dòng Họ Dương tồn tại đến nay là một tập hợp từ nhiều nguồn cội khác nhau, mỗi nguồn cội lại có thời điểm xuất hiện sớm muộn hơn nhau có khi đến vài thế kỷ và không hề chung một huyết thống. Để ghi nhận hiện thực này, khái niệm cộng đồng được sử dụng đi liền với dòng họ là sự phản ánh đúng và đầy đủ nhất hiện trạng trên của Họ Dương cũng như của các dòng họ khác ở Việt Nam.

Mấy ngàn năm đã qua đi đối với một dòng tộc là một chặng đường dài, chắc rằng còn không ít điều lý thú, có giá trị chưa được phản ánh đầy đủ trong bộ sách này. Ngoài lý do nhiều mảng ký ức không bảo tồn được – nhất là từ thế kỷ XIV trở về trước, còn có nhiều nguyên nhân khác, trong đó có phần thuộc về năng lực của người biên soạn. Được sự quan tâm và động viên của nhiều thành viên trong Hội đồng và nhiều bà con trong dòng tộc, tác giả đã cố gắng nhưng vẫn còn khoảng cách đối với kỳ vọng nên chỉ dám coi đây là những nét chấm phá sơ thảo về một tiến trình lịch sử. Trong quá trình biên soạn, tác giả đã nhận được và hết sức cảm ơn sự cộng tác của Tiến sĩ Sử học Nguyễn Hữu Tâm trong việc hoàn thiện Chương 7: Những dòng thơ văn đa sắc và nhân ái, Tiến sĩ Sử học Dương Minh Huệ, Cử nhân Trịnh Anh Minh và các thành viên của Văn phòng Họ Dương Việt Nam trong việc thu thập và cung cấp tư liệu để tác giả hoàn thiện việc biên soạn Phần thứ năm: Họ Dương Việt Nam cùng đất nước chuyển mình, Phần thứ sáu: Hội đồng Họ Dương Việt Nam và đặc biệt là sự góp ý chân thành, công tâm, đầy trách nhiệm của các ông bà Dương Quốc Trọng, Dương Văn Đảm, Dương Trung Quốc, Dương Ngọc Ngưu, Dương Văn Canh, Phạm Thị Thu Hằng đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao giá trị và độ xác thực của công trình. Mong rằng những đóng góp, kể cả sự chỉ dẫn, bổ sung và cung cấp tư liệu của bạn đọc, trong tương lai chúng tôi sẽ có công trình Cộng đồng Họ Dương Việt Nam trong lịch sử dân tộc trọn vẹn, hấp dẫn và đủ đầy hơn.

Hà Nội, tháng 6 năm 2023

KHỔNG ĐỨC THIÊM

Ban biên tập sẽ đăng dần nội dung cuốn sách để độc giả tiện theo dõi