Theo Bộ GD-ĐT, việc chuyển trường từ THPT tư thục sang THPT công lập chỉ được xem xét, giải quyết trong 2 trường hợp.
Thứ nhất, học sinh đang học tại trường THPT tư thục phải chuyển nơi cư trú theo cha mẹ hoặc người giám hộ đến vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà ở đó không có trường THPT tư thục. Khi đó, giám đốc sở GD-ĐT nơi đến xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể đối với việc chuyển vào học trường THPT công lập.
Bạn đang xem: Học sinh THCS, THPT được chuyển từ trường tư sang trường công trong trường hợp nào?
Thứ hai, học sinh đang học tại trường THPT tư thục thuộc loại trường có thi tuyển đầu vào phải chuyển nơi cư trú theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ, mà ở đó không có trường THPT tư thục có chất lượng tương đương. Lúc này, giám đốc sở GD-ĐT nơi đến xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể đối với việc chuyển vào học trường THPT công lập.
Về thủ tục chuyển trường: nếu chuyển trong cùng tỉnh, thành phố, hiệu trưởng nhà trường nơi đến tiếp nhận hồ sơ và xem xét, giải quyết. Nếu chuyển trường đến từ tỉnh, thành phố khác thì sở GD-ĐT nơi đến tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và giới thiệu về trường.
Với học sinh THCS khi chuyển trường trong cùng tỉnh, thành phố, hiệu trưởng nhà trường nơi đến tiếp nhận hồ sơ và xem xét, giải quyết. Nếu chuyển trường đến từ tỉnh, thành phố khác thì phòng GD-ĐT nơi đến tiếp nhận và giới thiệu về trường theo nơi cư trú, kèm theo hồ sơ đã được kiểm tra.
Bộ GD-ĐT cũng lưu ý việc chuyển trường được thực hiện khi kết thúc học kỳ 1 của năm học hoặc trong thời gian hè trước khi khai giảng năm học mới. Trường hợp ngoại lệ về thời gian do trưởng phòng GD-ĐT (với cấp THCS), giám đốc sở GD-ĐT (với cấp THPT) nơi đến xem xét, quyết định.
Trong quy định mới này, Bộ GD-ĐT cũng nêu ra một số điều kiện khi tiếp nhận học sinh Việt Nam học tại các trường trung học ở nước ngoài hoặc học sinh nước ngoài có nguyện vọng vào học các trường trung học ở Việt Nam.
Với học sinh Việt Nam học ở nước ngoài muốn chuyển về các trường trong nước, Bộ GD-ĐT quy định chương trình học tập ở nước ngoài phải có nội dung tương đương với chương trình giáo dục của Việt Nam với những môn học thuộc nhóm khoa học tự nhiên.
Với những môn học thuộc nhóm khoa học xã hội và nhân văn, học sinh phải bổ túc thêm kiến thức cho phù hợp với chương trình giáo dục của Việt Nam.
Bên cạnh đó, những học sinh đang học dở chương trình của một lớp học ở nước ngoài xin chuyển về học tiếp lớp học tương đương tại trường THCS hoặc THPT Việt Nam phải được nhà trường nơi tiếp nhận kiểm tra trình độ theo chương trình quy định của lớp học đó.
Riêng học sinh người nước ngoài có nguyện vọng vào học tại các trường THCS hoặc THPT phải có giấy chứng nhận tốt nghiệp tương đương bằng tốt nghiệp của Việt Nam được quy định tại Luật giáo dục Việt Nam đối với từng bậc học, cấp học.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp