1. Hôn nhân là gì?

Hôn nhân là một hiện tượng xã hội mang tính giai cấp. Theo Luật Hôn nhân và gia đình hôn nhân là sự liên kết giữa một người đàn ông và một người đàn bà (Nhà nước không thừa nhận hôn nhân đồng giới) trên nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng và tự nguyện, đảm bảo điều kiện theo quy định của pháp luật, nhằm chung sống với nhau suốt đời và xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ và hạnh phúc. Cụ thể, khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 giải thích: “Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn”.

2. Gia đình là gì?

Gia đình là tế bào của xã hội, là sản phẩm của xã hội, phát sinh và phát triển cùng sự phát triển của xã hội. Quan hệ bình đẳng của vợ và chồng trong gia đình thể hiện quan hệ bình đẳng nam và nữ ngoài xã hội. Hôn nhân là một quan hệ giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng, là tiền đề xây dựng gia đình.

Hiện nay, khái niệm gia đình được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình như sau: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này”. Gia đình là sự liên kết của nhiều người dựa trên cơ sở hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, có quyền và nghĩa vụ tương ứng với nhau, cùng quan tâm giúp đỡ lẫn nhau về vật chất và tinh thần, xây dựng gia đình, nuôi dạy thế hệ trẻ dưới sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

3. Luật Hôn nhân và gia đình là gì?

Luật Hôn nhân và gia đình là tập hợp những quy định về chế độ hôn nhân và gia đình; chuẩn mực pháp lí cho cách ứng xử giữa các thành viên gia đình; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình.

  • Đối tượng điều chỉnh của Luật Hôn nhân và gia đình là các quan hệ xã hội trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, cụ thể là quan hệ nhân thân và tài sản giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa những người thân thích ruột thịt khác.
  • Phương pháp điều chỉnh của Luật Hôn nhân và gia đình là những cách thức, biện pháp mà các quy phạm pháp luật hôn nhân và gia đình tác động lên các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của nó, phù hợp với ý chí của Nhà nước.

4. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình

  • Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
  • Một vợ, một chồng;
  • Bình đẳng vợ chồng, bình đẳng nam nữ, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, quốc tịch;
  • Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.
  • Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.

5. Những hành vi nghiêm cấm của chế độ hôn nhân và gia đình

Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Theo đó, những hành vi nghiêm cấm đối với chế độ hôn nhân và gia đình như sau:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;….