06:46 09/04/2020
V.I.Lênin (1870-1924) – lãnh tụ vĩ đại của nước Nga và thế giới, người có công lao to lớn trong việc trong việc tiếp tục bổ sung, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác lên một tầm cao mới. Tác phẩm “chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” với việc đưa ra định nghĩa kinh điển về “vật chất” đã đánh dấu công lao to lớn ấy của V.I.Lênin đối với lịch sử và thời đại ngày nay.
Bạn đang xem: Quan điểm của V.I.Lênin về vật chất trong tác phẩm “chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”
- Khẳng định ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Việt Nam
- Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam “gặt hái” thành công có phải là “sự ăn may”
- Một số nhận định chưa chính xác về sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước cần được nhận diện và phản biện
Từ khóa: V.I.Lênin; vật chất; chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán
1. Đặt vấn đề
Bắt đầu từ thời kỳ cổ đại (ở phương Đông lẫn phương Tây) đến thời kỳ cận đại ở Tây Âu thế kỷ XVII – XVIII, các nhà triết học đã đưa ra nhiều quan niệm, cách hiểu khác nhau về phạm trù “vật chất”. Song, định nghĩa vật chất được V.I.Lênin đưa ra là một định nghĩa hoàn chỉnh nhất, trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng. Định nghĩa đã khắc phục toàn bộ sai lầm của các nhà triết học duy tâm, siêu hình khi bàn về vật chất, ở chỗ họ thường đồng nhất vật chất với dạng biểu hiện cụ thể của vật chất là “vật thể”. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, việc nhận thức rõ quan điểm của V.I.Lênin về vật chất là việc làm cần thiết, giúp chúng ta đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái phủ nhận, xuyên tạc quan điểm của V.I.Lênin về vật chất nói riêng, bảo vệ quan điểm đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung góp phần vào nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong tình hình mới.
2. Vài nét về tác giả và tác phẩm
V.I.Lênin (1870 – 1924) – nhà lý luận thiên tài, người lãnh đạo của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới, người tiếp tục bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại mới. Ông sinh ngày 22/04/1870 ở Simbirsk (nay là thành phố Ulyanovsk) nước Nga, trong một gia đình trung lưu. Năm 17 tuổi (1887), sau khi tốt nghiệp trung học, V.I.Lênin vào học tại khoa Luật trường Đại học Cadan, sau đó bị bắt và lưu đày do hoạt động chống chế độ Sa Hoàng. Tại đây, ông bắt đầu làm quen với tư tưởng dân chủ cách mạng Nga của N.G. Tsécnưsépxki. Sau khi mãn hạn tù, ông tham gia vào nhóm cách mạng của N.E. phêđôxêép (phiên âm Tiếng Việt), bắt đầu nghiên cứu “bộ tư bản” của Mác – Ăngghen và tư tưởng của Plêkhanốp. Năm 1889, ông thi vào ngành luật trường Xanh Pê-téc-bua (Saint Petersburg), tiếp tục nghiên cứu các tác phẩm của C.Mác- Ph.Ăngghen, hoạt động cách mạng, trở thành người lãnh đạo của nhóm mácxít tại đây.
Bắt đầu sự nghiệp triết học của mình, V.I.Lênin viết tác phẩm đầu tay của mình với tên: “Những người bạn dân là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ – xã hội ra sao?”, một bản tuyên ngôn của những người cộng sản mácxít Nga, mở đầu cho quá trình đấu tranh chống các thế lực chủ nghĩa cơ hội, cải lương chống chủ nghĩa Mác để bảo vệ, bổ sung và phát triển học thuyết Mác. Ngoài ra, trong suốt thời gian hoạt động cách mạng của mình, V.I.Lênin đã viết rất nhiều tác phẩm khác, có giá trị lý luận và thực tiễn cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga, xây dựng Nhà nước xô viết đầu tiên trên thế giới tiến tới xây dựng hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới như: Làm gì (1902); Một bước tiến hai bước lùi (1904); Hai sách lược của đảng dân chủ – xã hội Nga (1905); Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (1909); Bút ký triết học; Nhà nước và cách mạng (1917)…
Tác phẩm “chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” là một tác phẩm luận chiến của V.I.Lênin, thể hiện sự kiên định lập trường mácxít trong những thời điểm đầy thách thức, khó khăn của cách mạng Nga, nước Nga dưới sự đàn áp của chế độ Sa Hoàng. Tác phẩm thể hiện sự đóng góp lớn của Lênin vào sự phát triển của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử; trang bị cho người mácxít một nền tảng lý luận khoa học, giúp định hướng thế giới quan và phương pháp luận trong hoạt động thực tiễn và nhận thức. Đặc biệt, tác phẩm đã chứng minh rằng cuộc tranh luận giữa hai trường phái duy vật và duy tâm trong triết học Hy Lạp cổ đại sẽ đi đến hồi kết với sự ra đời của một định nghĩa kinh điển – định nghĩa “vật chất” mở toang cánh cửa khoa học, những nhận định mới về vật chất đã bị khóa và hiểu sai trong suốt gần 20 thế kỷ qua.
3. Bối cảnh cho sự ra đời định nghĩa Vật chất của V.I.Lênin
Vật chất với tính cách là phạm trù triết học ra đời trong triết học Hy Lạp ở thời kỳ cổ đại, chứng kiến cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa hai trường phái duy vật và duy tâm xoay quanh vấn đề bản nguyên của thế giới với các đại biểu như: Heraclit, Anaximen, Talet, Paton… Xung quanh khái niệm vật chất, trong lịch sử triết học đã xuất hiện cuộc tranh luận rất gay gắt giữa hai đường lối “Democrit” và “Platon”, trung tâm điển hình của cuộc tranh luận là vấn đề bản nguyên của thế giới, “thế giới bắt đầu từ đâu và quay trở về đâu? Nhìn chung các nhà triết học Hy Lạp cổ đại đều đồng nhất vật chất với một dạng cụ thể của vật chất (lửa, nước, không khí,…), nổi bật là học thuyết nguyên tử của Democrit (nguyên tử nhỏ bé nhất không phân chia được), mãi cho đến thời kỳ cận đại, các nhà triết học vẫn đinh ninh rằng như thế cho đến khi phát hiện ra electron.
Xem thêm : Địa hình vùng núi Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam khác nhau như thế nào?
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX diễn ra cuộc khủng hoảng vật lý học, trước bối cảnh đó, V.I.Lênin bắt đầu tìm hiểu các phát minh khoa học, nhất là trong lĩnh vực vật lý, bản chất và ý nghĩa của nó đối với tiến bộ xã hội, cũng như những khó khăn nan giải của vật lý học trong quá trình giải thích thế giới. Việc giải quyết khủng hoảng này, được xem như một cuộc cách mạng, nó đã làm thay đổi những quan niệm về thế giới vật chất? V.I.Lênin viết: “Thực chất của cuộc khủng hoảng của vật lý học hiện đại là ở sự đảo lộn của những quy luật cũ và những nguyên lý cơ bản, ở sự gạt bỏ thực tại khách quan ở bên ngoài ý thức, tức là ở sự thay thế chủ nghĩa duy vật bằng chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa bất khả tri. “Vật chất đã tiêu tan”, – người ta có thể dùng câu nói đó để diễn đạt cái khó khăn cơ bản và điển hình đối với nhiều vấn đề riêng biệt, khó khăn đã gây ra cuộc khủng hoảng ấy”.
Nguồn gốc sâu xa của cuộc khủng hoảng thế giới quan là ở cách lý giải vật chất, cách đặt vấn đề về “viên gạch đầu tiên” của vũ trụ, về cái bản nguyên, và đồng nhất thế giới vật chất với cái bản nguyên đại diện cho khoa học của mỗi thời đại tìm ra. Như vậy, sai lầm chính của chủ nghĩa Makhơ, cũng như vật lý học mới, theo V.I.Lênin, là ở chỗ không tính đến luận điểm của chủ nghĩa duy vật về tính chất cơ bản nhất của vật chất, sự khác nhau giữa chủ nghĩa duy vật siêu hình và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Chính vì lẽ đó, để kết thúc cho việc tranh luận rất dài xoay quan vấn đề khủng hoảng vật lý học với những người theo chủ nghĩa Makhơ, đã gợi ra vấn đề cực kỳ quan trọng – xác lập một cách hiểu khác với trước đây về phạm trù “vật chất” để tránh những nan giải và sự bế tắc trước những thay đổi trong khoa học về thực tại vật chất. Theo ông, Phạm trù vật chất phải là phạm trù “rộng đến cùng cực, rộng nhất, mà cho đến nay, nhận thức luận vẫn chưa vượt qua được”. Định nghĩa vật chất bằng cách đối lập nó với ý thức, xác định nó “là cái mà khi tác động lên giác quan của chúng ta thì gây ra cảm giác”. V.I.Lênin khẳng định vật chất không có nghĩa gì khác hơn là “thực tại khách quan tồn tại độc lập đối với ý thức con người và được ý thức con người phản ánh”.
4. Nội dung quan điểm của V.I.Lênin về vật chất
Khắc phục những sai lầm được phân tích ở trên, V.I. Lênin nhận thấy phần lớn các nhà duy vật đồng nhất vật chất với vật thể, tức những biểu hiện cụ thể của tồn tại vật chất, mà không đạt tới cách hiểu hệ thống và mang tính khái quát cao về vật chất. Kết quả là họ luôn bị rơi vào trạng thái hụt hẫng mỗi khi khoa học tự nhiên khám phá ra những vấn đề mới của thế giới. V.I.Lênin viết: “Vật chất là một phạm trù triết học, được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh, và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác”. Ở đây cần thấy rằng, phạm trù vật chất là phạm trù trung tâm trong lý luận nhận thức (hiểu theo nghĩa rộng). Thế giới vật chất là vô hạn bao gồm các quá trình khác nhau của vật chất, nhưng các quá trình là những dạng biểu hiện khác nhau của vật chất. Do đó không nên lẫn lộn học thuyết khoa học cụ thể về cấu tạo vật chất, các thuộc tính, các hình thức của nó với quan niệm triết học về vật chất, bởi lẽ đây là khái niệm chung nhất, không phân tích chi tiết, mang tính chuyên biệt như các khoa học cụ thể khác.
Ở định nghĩa này, Lênin chỉ rõ, khi vật chất đối lập với ý thức trong nhận thức luận, cái quan trọng để nhận biết nó chính là thuộc tính khách quan. Khách quan, theo ông, đó là “cái đang tồn tại độc lập với loài người và với cảm giác của con người” – đó là quan điểm của khoa học tự nhiên. Trong đời sống xã hội, “khách quan không phải theo ý nghĩa là một xã hội những sinh vật có ý thức, những con người, có thể tồn tại và phát triển không phụ thuộc vào sự tồn tại của những sinh vật có ý thức(…), mà khách quan theo ý nghĩa là tồn tại xã hội không phụ thuộc vào ý thức xã hội của con người”. “Về mặt nhận thức luận thì khái niệm vật chất không có ý nghĩa gì khác hơn: thực tại khách quan tồn tại độc lập đối với ý thức con người và được ý thức con người phản ánh”.
Từ định nghĩa trên, có thể đề cập mấy đặc trưng sau:
Đặc trưng thứ nhất, vật chất là một phạm trù triết học. Đặc trưng rất quan trọng đối với việc giải quyết cho thắc mắc, bất cập trong bài viết này. Bởi lẽ, nếu không hiểu thấu được ý này sẽ không triển khai được nó trong thực tiễn.
Trước tiên, cần hiểu đây là “phạm trù” (là những khái niệm chung nhất, rộng nhất, phán ánh những mặt, những mối liên hệ bản chất của các sự vật trọng tự nhiên, xã hội và tư duy). Là một khái niệm rộng nhất trong những khái niệm rộng của các khoa học cụ thể. Chẳng hạn như: nó rộng hơn cả khái niệm toán học bao gồm nhiều khái niệm như tích phân, đạo hàm, đoạn thẳng, hình tam giác…Vì thế nên, không nên đánh đồng nó với một kết cấu vật chất của khoa học cụ thể. Theo đó, vật chất với tư cách là một phạm trù của triết học sẽ khác với một dạng vật chất thông thường tồn tại trong xã hội, tự nhiên hay tư duy. Đây là vật chất nói chung, trừu tượng mang tính khái quát cao. Chính theo V.I.Lênin, “rộng đến cùng cực, rộng nhất, mà cho đến nay, nhận thức luận vẫn chưa vượt qua được”. Cái mà chúng ta thấy hằng ngày, cảm tính hàng ngày gọi là “vật thể” mà thôi.
Đặc trưng thứ hai, thừa nhận rằng có một thực tại khách quan, được đem đến cho chúng ta trong cảm giác; không có và không thể có cái nào khác ngoài thực tại khách quan ấy. Tức tồn tại độc lập, tương đối với ý thức con người, đối lập với chủ quan, chúng ta có thể nhận thức được chúng thông qua sự phản ánh “chép lại, chụp lại” một cách năng động, sáng tạo của ý thức thông qua hệ thống các giác quan của con người. Tức những gì tồn tại một cách chủ quan, bên ngoài ý thức của con người, con người không thể nhận thức được, thì đó không được gọi là vật chất. Mặc khác, phải được thông qua sự phản ánh năng động sáng tạo của hệ thống các giác quan của con người một cách trực tiếp hoặc gián tiếp mới tạo ra quá trình nhận thức đúng đắn về sự vật và hiện tượng.
Đặc trưng thứ ba, khẳng định rằng, nói đến vật chất là nói đến thực tại tồn tại bên ngoài chúng ta và không lệ thuộc vào chúng ta. Chỉ ra rằng vật chất, được đem đến cho chúng ta trong cảm giác, các cảm giác là nguồn gốc của nhận thức.
Đặc trưng thứ tư, qua cách hiểu về vật chất, V.I.Lênin đến kết luận về tính có thể nhận thức được của thế giới, qua đó chống lại thuyết bất khả tri. Điều cần lưu ý ở đây, không phải mọi hiện tượng vật chất tác động lên giác quan của con người đều được con người nhận biết một cách trực tiếp. Trong tự nhiên có khá nhiều quá trình vật chất mà con người chỉ nhận biết được thông qua các công cụ và các phương pháp đặc thù của các khoa học.
Xem thêm : Nốt ruồi trên mu bàn tay nam, nữ nói lên điều gì?
Như vậy, Định nghĩa vật chất đơn giản là sự thể hiện việc giải quyết trên cơ sở duy vật vấn đề cơ bản của triết học, và rằng sẽ vô nghĩa nếu đòi hỏi từ các nhà lý luận “một sự định nghĩa vật chất mà không quy về việc lặp lại cái có trước – cái có sau”. Để khắc họa thêm định nghĩa vật chất, trong tác phẩm, Lênin còn đề cập đến vai trò của vật chất đối với ý thức, cũng như tính độc lập tương đối của ý thức đối với vật chất, thể hiện tính biện chứng sâu sắc. Cũng theo Lênin, vật chất phải được tồn tại trong một khoảng không gian nhất định và một khoảng thời gian xác định. Khi bác bỏ những quan điểm sai lầm và vô lý của phái Makhơ – không gian và thời gian chỉ là hình thức trực quan của con người, sự của cảm thức không gian – thời gian xét từ góc độ thời tính của sự tồn tại của con người, “không gian và thời gian là những hệ thống…trật tự của các chuổi cảm giác”, “theo Makhơ thì không phải con người với những cảm giác của mình, tồn tại trong không gian và thời gian, mà chính không gian và thời gian tồn tại trong con người, lệ thuộc vào con người và do con người sinh ra”. Ở đây, Makhơ đã rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm, duy tâm, khái niệm không gian được rút ra từ kinh nghiệm chứ không phản ánh đúng thực tại khách quan, chính thực tại có mặt hàng triệu năm trước khi có con người. V.I.Lênin nhấn mạnh tính chất của không gian có tính ba chiều, ông viết: “khoa học tự nhiên không nghi ngờ gì rằng vật chất mà nó nghiên cứu chỉ tồn tại trong không gian ba chiều thôi, và do đó, những phần tử của vật chất đó dù nhỏ bé đến mức ta không thể nhìn thấy được, cũng vẫn tồn tại một cách tất yếu trong cái không gian ba chiều đó”. Thuyết tương đối thế kỷ XX đã chứng minh cho tính chất lệ thuộc của không gian và thời gian vào vật chất đang vận động và mối liên hệ giữa chúng, thời gian không tách khỏi không gian, thể hiện tính vô tận, vĩnh viễn bao gồm tính gián đoạn và liên tục.
Với những nội dung nêu trên, định nghĩa vật chất có những ý nghĩa to lớn:
Khi khẳng định vật chất là thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác. V.I.Lênin thừa nhận rằng, trong nhận thức luận, vật chất là tính thứ nhất, là nguồn gốc khách quan của cảm giác, ý thức. Khi khẳng định vật chất là cái được cảm giác chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh…Lênin muốn nhấn mạnh rằng, bằng những phương thức nhận thức khác nhau (chép…) con người có thể nhận thức được thế giới. Như vậy, đã bác bỏ thuyết không thể biết, đồng thời khắc phục được những khiếm khuyết trong các quan điểm siêu hình – máy móc về vật chất . Không có một dạng cụ thể cảm tính nào của vật chất hay một tập hợp nào đó các thuộc tính của vật chất lại có thể đồng nhất hoàn toàn với bản thân vật chất. Vật chất phải được hiểu là tất cả những gì tồn tại khách quan bên ngoài ý thức, bất kể sự tồn tại ấy con người có nhận thức được hay chưa nhận thức được.
Ngoài điều nói trên, định nghĩa vật chất còn có ý nghĩa định hướng với các khoa học cụ thể trong việc tìm kiếm các dạng hoặc các hình thức mới của của vật thể trong thế giới. Cho phép xác định cái gì là vật chất trong lĩnh vực xã hội. Đây là điều mà các nhà duy vật trước Mác chưa làm được. Đồng thời, giúp cho các nhà khoa học giải thích nguyên nhân của những biến cố xã hội, những nguyên nhân thuộc về sự vận động của phương thức sản xuất; trên cơ sở đó tìm ra phương pháp tối ưu để thúc đẩy xã hội phát triển.
5. Vài điểm kết
Định nghĩa vật chất của V.I.Lênin ra đời chấm dứt quá trình khủng hoảng của vật lý học thế kỷ XX, có tác dụng định hướng đối với các nhà khoa học tự nhiên trên cơ sở nhận thức luận duy vật biện chứng. Với định nghĩa vật chất, một lần nữa, Lênin đã khắc phục toàn bộ sai lầm của các nhà triết học trước Mác, siêu hình lẫn duy tâm về vật chất và mối quan hệ giữa vật chất và ý thức. Xoay quanh vấn đề vật chất, Lênin đã thể hiện tinh thần mácxít khi đã bày tỏ những quan điểm chính xác của mình để đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, sai lầm của chủ nghĩa duy tâm vật lý học đứng đầu là chủ nghĩa Makhơ, góp phần bảo vệ, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác. Tóm lại, nghiên cứu định nghĩa vật chất của V.I.Lênin trong tác phẩm “chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”, giúp chúng ta khắc sâu và sáng tỏ hơn trong việc nghiên cứu học tập và giảng dạy triết học hiện nay, trong bối cảnh thế giới và trong nước có những diễn biến mới, đối với việc tiếp tục nghiên cứu bổ sung lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin sao cho phù hợp với thực tế Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
1. Doãn Chính – Đinh Ngọc Thạch, Vấn đề triết học trong các tác phẩm của C.Mác – Ph.Ăngghen – V.I.Lênin (sách tham khảo), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.496-523.
2. Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo trình triết học Mác – Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004. Tr.174-183.
3. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 18, Nxb tiến bộ Mát-xcơ-va, 1980.
ThS. Lê Hữu Lợi – Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp