Khi nào dùng to-V, khi nào dùng V-ing – TOEIC mỗi ngày

Video khi nào dùng to v và ving

Có những phương pháp sau để suy ra động từ nào dùng với to-V, động từ nào dùng với V-ing (đúng với đa số các trường hợp, không chắc chắn đúng cho mọi trường hợp):

Trước tiên, ta gọi động từ phía trước (động từ chính) là V1, động từ dạng to-V hay V-ing phía sau là V-2.

1. Xem hành động nào xảy ra trước, hành động nào xảy ra sau

a) Nếu V2 diễn ra sau V1 thì V2 là to-V. Ví dụ:

○ They are waiting to board the bus. = Họ đang chờ lên xe buýt.

(chờ trước, lên xe buýt sau nên hành động “lên xe buýt” ở dạng to-V)

b) Nếu V2 diễn ra trước V1 thì thường V2 là V-ing. Ví dụ:

○ They have finished boarding the bus. = Họ đã hoàn thành việc lên xe buýt.

(lên xe buýt trước, hoàn thành sau nên hành động “lên xe buýt” ở dạng V-ing)

2. Hành động cụ thể hay hành động nói chung

a) Nếu V2 mà là một hành động cụ thể, chỉ làm một lần trong một trường hợp nào đó thì V2 là to-V. Ví dụ:

○ Now he is preparing to do homework. = Bây giờ anh ấy đang chuẩn bị làm bài tập về nhà.

(làm bài tập ở đây chỉ là việc anh ấy sắp sửa làm ngay bây giờ, tức nó là hành động chỉ xảy ra trong một trường hợp này thôi, nên nó ở dạng to-V)

b) Nếu V2 chỉ một hoạt động nói chung thì V2 là V-ing. Ví dụ:

○ He often avoids doing homework. = Anh ấy thường tránh làm bài tập về nhà.

(làm bài tập ở đây là hoạt động mà anh ấy lúc nào cũng tránh, tức nó là một hoạt động nói chung, không nhất thiết chỉ việc xảy ra vào lúc nào đó, nên nó ở dạng V-ing)

3. Diễn tả mong muốn

Nếu V1 mà bày tỏ mong muốn làm gì đó thì V2 ở dạng to-V. Ví dụ như những chữ agree (đồng ý), ask (yêu cầu), hope (hy vọng), like (thích), try (cố gắng), wish (ước),… đều dùng với to-V phía sau.

Khi nào đi với tân ngữ và to-V?

Còn động từ nào đi với tân ngữ rồi đi với to-V thì tất nhiên ta chỉ cần dựa vào nghĩa của nó. Nếu nó tác động lên một người hay vật nào đó, và người hay vật đó làm một hành động tiếp theo thì ta dùng như vậy. Ví dụ với chữ encourage, nghĩa là “khuyến khích”.

Rõ ràng khi nói “khuyến khích” thì ta phải nói “khuyến khích ai đó / cái gì đó”. Vậy nó cần phải có tân ngữ. Ví dụ:

○ I usually encourage my students. = Tôi thường khuyến khích các sinh viên của mình.

Rồi khi muốn nói “khuyến khích ai đó làm gì đó” thì tất nhiên phía sau ta cần thêm động từ, và nó phải ở dạng to-V. Ví dụ:

○ I usually encourage my students to study hard. = Tôi thường khuyến khích các sinh viên của mình học hành chăm chỉ.