Đối tượng nào được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự?

Đối tượng nào được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự?

Đối tượng nào được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Đối tượng nào được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự?

Theo Điều 14 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật.

2. Các đối tượng không được đăng ký nghĩa vụ quân sự

Đối tượng không được đăng ký nghĩa vụ quân sự theo Điều 13 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 như sau:

– Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây không được đăng ký nghĩa vụ quân sự:

+ Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích;

+ Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

+ Bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

– Khi hết thời hạn áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, công dân được đăng ký nghĩa vụ quân sự.

3. Quyền và nghĩa vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ khi tham gia nghĩa vụ quân sự

Quyền và nghĩa vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ khi tham gia nghĩa vụ quân sự theo Điều 9 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 như sau:

– Hạ sĩ quan, binh sĩ được Nhà nước bảo đảm chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất hoạt động của Quân đội nhân dân.

– Hạ sĩ quan, binh sĩ có nghĩa vụ:

+ Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

+ Sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và thực hiện nghĩa vụ quốc tế;

+ Bảo vệ tài sản và lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức; bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật;

+ Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệnh, Điều lệ của Quân đội nhân dân;

+ Học tập chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ; rèn luyện tính tổ chức, ý thức kỷ luật và thể lực; nâng cao bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu.

4. Chức vụ, cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ khi tham gia nghĩa vụ quân sự

Chức vụ, cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ khi tham gia nghĩa vụ quân sự theo Điều 8 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 như sau:

– Chức vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ:

+ Phó trung đội trưởng và tương đương;

+ Tiểu đội trưởng và tương đương;

+ Phó tiểu đội trưởng và tương đương;

+ Chiến sĩ.

– Cấp bậc quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ:

+ Thượng sĩ;

+ Trung sĩ;

+ Hạ sĩ;

+ Binh nhất;

+ Binh nhì.

– Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được phong, thăng cấp bậc quân hàm tương ứng với chức vụ; có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì được thăng quân hàm trước thời hạn; có thành tích đặc biệt xuất sắc thì được xét thăng quân hàm vượt bậc.

5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong nghĩa vụ quân sự

Các hành vi bị nghiêm cấm trong nghĩa vụ quân sự theo Điều 10 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 như sau:

– Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

– Chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

– Gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về nghĩa vụ quân sự.

– Sử dụng hạ sĩ quan, binh sĩ trái quy định của pháp luật.

– Xâm phạm thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hạ sĩ quan, binh sĩ.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY