Vandekinhte

Cầu về hàng hoá tăng lên phản ánh lượng hàng hoá mà những người tiêu dùng sẵn lòng mua ở mỗi mức giá tăng lên. Ngược lại, cầu về hàng hoá được coi là giảm xuống khi lượng cầu ở từng mức giá giảm. Ví dụ, Tết đến, cầu về các mặt hàng bánh kẹo tăng lên ở mỗi mức giá, một gói bánh giá 20.000đ, trước đây cầu chỉ là 1 triệu gói thì đến Tết tăng lên 4 lần thành 4 triệu gói, đường cầu của các mặt hàng đó dịch chuyển sang phải. Theo đó, nguồn lực trong xã hội (nguyên vật liệu, vốn, lao động…) cũng được phân bổ thêm để sản xuất phục vụ cho nhu cầu tăng thêm của xã hội, sau Tết nhu cầu các mặt hàng này giảm, các nguồn lực cũng được tự động rút bớt lại. Cơ chế thị trường giúp nguồn lực được tự động phân bổ tăng khi nhu cầu tăng, phân bổ giảm khi nhu cầu giảm, không xảy ra thừa thiếu trong điều kiện hoàn hảo, tổng phúc lợi được tối đa hóa.

Khi thể hiện đường cầu, chúng ta mới chỉ quan tâm đến sự thay đổi của mức giá hàng hoá hiện hành ảnh hưởng như thế nào đến lượng cầu (giả định các yếu tố khác không đổi). Thật ra, lượng hàng hoá mà người tiêu dùng muốn và sẵn sàng mua còn bị chi phối bởi những yếu tố khác. Khi những yếu tố này thay đổi, lượng cầu về hàng hoá ở mỗi mức giá cũng sẽ thay đổi. Đây là nguyên nhân làm đường cầu thị trường dịch chuyển. Những yếu tố chính đó là: thu nhập, sở thích, dự kiến về mức giá tương lai của người tiêu dùng, giá cả của các hàng hoá khác có liên quan, số lượng người tiêu dùng tham gia vào thị trường.

* Thu nhập

Thu nhập là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến các quyết định của những người tiêu dùng. Sự thay đổi về thu nhập thường dẫn đến sự thay đổi trong nhu cầu của họ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của thu nhập đến cầu về các hàng hoá có thể là khác nhau, tuỳ theo tính chất của chính hàng hoá mà ta xem xét. cau tang - thu nhap tang

Đối với những hàng hoá thông thường (thịt bò ngon, ô tô, xe máy, giáo dục…), cầu về một loại hàng hoá sẽ tăng khi thu nhập của người tiêu dùng tăng lên. Đường cầu tương ứng sẽ dịch sang bên phải. Trong trường hợp ngược lại, khi thu nhập giảm, cầu của người tiêu dùng về hàng hoá sẽ giảm. Đường cầu tương ứng sẽ dịch chuyển sang trái.

Đối với một số loại hàng hoá khác mà người ta gọi là hàng hoá thứ cấp, tình hình lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Chẳng hạn, khi còn nghèo, thu nhập thấp, các hàng hoá như sắn, khoai được xem như những loại lương thực chính của các gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, với mức sống và thu nhập cao hơn, cầu về các hàng hoá này của họ giảm hẳn. Người ta không còn sử dụng sắn, khoai như một loại lương thực. Thỉnh thoảng, người ta vẫn mua đôi củ sắn, dăm cân khoai song đó không còn là nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của đại đa số dân chúng. Những hàng hoá như khoai, sắn được coi là những hàng hoá thứ cấp. Khi thu nhập thấp, cầu của người tiêu dùng về những hàng hoá hoá này tương đối cao. Khi thu nhập tăng lên, cầu của người tiêu dùng về chúng sẽ giảm xuống, và trên đồ thị ta biểu thị bằng cách dịch chuyển đường cầu sang trái (hình 2). cau giam - thu nhap tang

* Sở thích

Sở thích của người tiêu dùng phản ánh thái độ của anh ta (hay chị ta) đối với hàng hoá, với tư cách là đối tượng của sự tiêu dùng. Mức độ yêu, thích của người ta về một loại hàng hoá là rất khác nhau. Đứng trước cùng một loại hàng hoá, người này có thể thích, người kia có thể không thích với những mức độ đánh giá khác nhau. Khi xem xét một đường cầu về một loại hàng hoá chúng ta giả định sở thích của người tiêu dùng (dù xét cá nhân một người tiêu dùng hay tổng thể khối người tiêu dùng) là đã xác định. Khi sở thích của người tiêu dùng thay đổi, lượng cầu của người tiêu dùng ở từng mức giá cũng thay đổi. Đường cầu trong trường hợp này sẽ dịch chuyển. Khi một hàng hoá được người tiêu dùng ưa chuộng hơn trước, cầu về nó trên thị trường sẽ tăng lên và đường cầu lúc này sẽ dịch chuyển sang phải. Ngược lại, vì một lý do nào đó mà sự ưa thích của người tiêu dùng về một loại hàng hoá giảm xuống, cầu về hàng hoá này sẽ giảm. Tương ứng, đường cầu về hàng hoá này sẽ dịch chuyển sang trái (hình 3) cau tang giam - ua chuong