1. thuật ngữ cơ quan tư pháp Chúng ta biết rằng, quyền tư pháp cùng với quyền lập pháp và quyền hành pháp hợp thành quyền lực nhà nước thống nhất của một quốc gia. Cơ quan tư pháp, với những đặc trưng riêng của quyền tư pháp, được tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc do Hiến pháp và pháp luật quy định; đồng thời, được đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng về chính trị, tổ chức và cán bộ.
Trên thực tế, khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc các sự kiện, tranh chấp…, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ áp dụng pháp luật để tiến hành xem xét, phân tích, đánh giá và đưa ra các phán quyết; đồng thời, tổ chức thi hành các phán quyết có hiệu lực bắt buộc đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm bảo vệ, duy trì công lý và trật tự pháp luật, bảo đảm sự an toàn pháp lý cho công dân, sự ổn định và phát triển của xã hội… Những hoạt động này được hiểu là việc thực hiện quyền tư pháp, do các cơ quan tư pháp thực hiện; các hoạt động thực hiện quyền tư pháp được diễn ra liên tục, theo những trình tự và thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định, gọi là tố tụng tư pháp, gồm tố tụng hình sự, tố tụng dân sự (gồm tố tụng kinh tế, lao động), tố tụng hành chính.
Bạn đang xem: Tìm hiểu thuật ngữ cơ quan tư pháp và cơ quan nội chính
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thuật ngữ “cơ quan tư pháp” được Hiến pháp năm 1946 và các văn bản pháp luật ban hành trong giai đoạn 1946-1959 sử dụng. Điều 63 Hiến pháp năm 1946 quy định: Cơ quan tư pháp của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa gồm có: a. Tòa án tối cao b. Các tòa án phúc thẩm c. Các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp. Trong giai đoạn này, hoạt động tư pháp không chỉ là hoạt động xét xử, do các thẩm phán xét xử thực hiện, mà nó còn có các hoạt động điều tra; hoạt động công tố do các công tố viên… thực hiện. Hiến pháp 1959 cụm từ cơ quan tư pháp không được sử dụng trong các văn bản pháp luật của Nhà nước. Từ năm 1992 đến nay, cụm từ quyền tư pháp và cơ quan tư pháp được sử dụng nhiều trong các văn bản chính trị, pháp luật. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) có một điều khoản đề cập đến quyền tư pháp trong nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước “Quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2) và một điều khoản đề cập đến hoạt động tư pháp khi quy định Viện kiểm sát thực hiện chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, trong Hiến pháp cũng như các văn bản pháp luật, không văn bản nào xác định rõ ràng, thống nhất cơ quan thực hiện quyền tư pháp là những cơ quan nào? Hoạt động tư pháp gồm những hoạt động gì? Trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (năm 2002) cũng không có điều khoản nào làm rõ khái niệm hoạt động tư pháp, kiểm sát hoạt động tư pháp mà chỉ dùng phương pháp liệt kê một số nhiệm vụ của kiểm sát hoạt động điều tra, hoạt động xét xử, hoạt động thi hành án.
Xem thêm : ĐỀ ÔN KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 LỚP 11 SỐ 1
Trong các văn kiện của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung hay Nghị quyết về công tác tư pháp nói riêng, cụm từ cơ quan tư pháp được sử dụng nhiều, nhưng cũng không có văn bản nào xác định một cách thống nhất, rõ ràng cơ quan tư pháp gồm những cơ quan nào? Ở mỗi thời điểm khác nhau, thuật ngữ cơ quan tư pháp được xác định và thể hiện trong các văn bản cũng khác nhau. Nghị quyết số 08/NQ-TW, ngày 02-01-2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, khi đề cập đến việc nâng cao chất lượng hoạt động và đề cao trách nhiệm của các cơ quan và cán bộ tư pháp đã xác định các cơ quan sau: – Cơ quan điều tra; – Cơ quan công tố (các viện kiểm sát nhân dân); – Cơ quan xét xử (các tòa án); – Cơ quan thi hành án (hình sự, dân sự); – Cảnh sát tư pháp; – Các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp (các tổ chức luật sư, công chứng, giám định tư pháp…). Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, khi đề cập đến việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy của các cơ quan tư pháp đã nêu các cơ quan: – Tòa án nhân dân; – Viện kiểm sát nhân dân; – Cơ quan điều tra; – Cơ quan thi hành án. Ngoài ra, Nghị quyết số 49-NQ/TW còn nhấn mạnh, cần hoàn thiện các chế định về bổ trợ tư pháp (luật sư, giám định, cảnh sát hỗ trợ tư pháp, công chứng). Có thể thấy, thuật ngữ các cơ quan tư pháp ở nước ta hiện nay chưa được hiểu và sử dụng một cách thống nhất trong các văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thuật ngữ này thường được hiểu theo nghĩa rộng là: ngoài Tòa án và Viện kiểm sát được xếp ở một chương riêng của Hiến pháp, còn có các cơ quan thuộc hệ thống hành pháp (cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án, cơ quan công chứng…), thậm chí gồm cả các tổ chức xã hội nghề nghiệp (như Luật sư), tức là những tổ chức nằm ngoài hệ thống quyền lực nhà nước.
Một điểm cần lưu ý khi tìm hiểu thuật ngữ các cơ quan tư pháp được dùng với ý nghĩa, phạm vi như trên, chúng ta cần phân biệt thuật ngữ này với thuật ngữ các cơ quan của “ngành tư pháp” thuộc hệ thống hành pháp (gồm Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp). Mặc dù các cơ quan này đều có cụm từ “tư pháp” gắn sau tên cơ quan, nhưng thực chất, các cơ quan này không trực tiếp thực hiện các hoạt động tư pháp. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan này là cơ quan quản lý nhà nước đối với một số tổ chức và hoạt động tư pháp (thi hành án dân sự, luật sư, công chứng, giám định tư pháp…); ngoài ra, trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp được giao chủ trì xây dựng một số văn bản luật liên quan trực tiếp đến hoạt động tư pháp (như Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật thi hành án, Luật luật sư…), là thành viên tham gia và thẩm định tất cả các văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp.
2. Cơ quan nội chính Cũng như thuật ngữ cơ quan tư pháp, thuật ngữ cơ quan nội chính hiện nay còn được hiểu, sử dụng, xác định và thể hiện chưa thực sự thống nhất trong các văn bản của Đảng và Nhà nước.
Xem thêm : Đặt tên con trai họ Lê năm 2022 hay và ý nghĩa nhất
Theo “Từ điển tiếng Việt” thì, nội chính là việc chính trị trong một nước (nói khái quát) hoặc là lĩnh vực hoạt động của nhà nước, bao gồm việc quản lý trật tự trị an, quân sự, kinh tế, văn hóa. Như vậy, nội chính là cụm từ dùng để hàm chỉ công việc chính trị trong một nước. Công việc chính trị đó do Đảng chính trị lãnh đạo, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội… và nhân dân thực hiện. Khi xem xét thuật ngữ này gắn với hoạt động của Nhà nước, chúng ta có thể hiểu theo nghĩa rộng, đó là toàn bộ công việc thuộc chức năng đối nội của Nhà nước, là việc quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực đời sống – xã hội của một quốc gia, như: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Trong thực tế, khi sử dụng thuật ngữ nội chính, chúng ta thường hiểu theo nghĩa hẹp hơn, đó là các hoạt động của những cơ quan nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện công tác nội chính là trách nhiệm của các tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội… và của toàn dân; trong đó, tổ chức Đảng giữ vai trò lãnh đạo.
Trong bộ máy nhà nước có một số cơ quan, tổ chức là lực lượng trực tiếp, chủ yếu thực hiện công tác nội chính, gồm: Quân sự, Công an, Kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Thanh tra… và trong các tổ chức nghề nghiệp mang tính chính trị, xã hội có Hội luật gia, Liên đoàn luật sư là tổ chức mà hoạt động của nó liên quan nhiều đến lĩnh vực nội chính. Các cơ quan, tổ chức nói trên, đều có mối quan hệ công tác chặt chẽ, thường xuyên với nhau, thường được hiểu và gọi chung là các cơ quan, tổ chức nội chính. Trong các văn bản pháp luật của Nhà nước, hầu như thuật ngữ cơ quan nội chính rất ít được sử dụng. Trong các văn bản của Đảng, tùy thuộc vào từng giai đoạn khác nhau, thuật ngữ này cũng được xác định và thể hiện một cách khác nhau, tùy thuộc vào tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước được giao thực hiện công tác nội chính qua từng giai đoạn. Tại Quyết định số 48-QĐ/TW, ngày 17-9-1979 của Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Ban Nội chính Trung ương ghi: Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu giúp Trung ương Đảng về công tác nội chính, bao gồm các ngành: Công an, Kiểm sát, Tòa án, Pháp chế, Thanh tra, Trọng tài kinh tế, Hải quan. Trong Quyết định số 17-QĐ/TW, ngày 23-12-1991 quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Ban Nội chính Trung ương, tại khoản 3, mục 1 quy định: Ban Nội chính Trung ương giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở các ngành: Kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Thanh tra, Hải quan, Trọng tài kinh tế Nhà nước, Hội Luật gia. Một điểm chúng ta cần lưu ý khi tìm hiểu về thuật ngữ này đó là, hiện nay cách thể hiện và xác định “các cơ quan nội chính ở Trung ương” và “các cơ quan nội chính ở địa phương” trong các văn bản của Đảng không thống nhất với nhau theo một cách có hệ thống từ Trung ương đến địa phương như các cơ quan nhà nước khác; cách hiểu, cách xác định cơ quan nào là cơ quan nội chính ở địa phương trong cả nước cũng không thống nhất với nhau. Quyết định 159-QĐ/TW, ngày 28-12-2012, về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương tại Điều 2, mục 1 quy định: Ban Nội chính Trung ương chủ trì hoặc phối hợp…; về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính (Kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Thanh tra, các cơ quan có chức năng tư pháp trong Công an, Quân đội); Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Trong Quy định 183-QĐ/TW, ngày 08-4-2013, quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, tại Điều 2, Mục 1 quy định: Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương chủ trì hoặc phối hợp… đề xuất với ban thường vụ tỉnh ủy cho chủ trương về hoạt động của các cơ quan nội chính ở địa phương (Kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Thanh tra, Công an, Quân sự, Hải quan), Hội Luật… Thực tế, các địa phương trong cả nước cũng có cách hiểu, cách xác định “cơ quan nội chính” không thống nhất. Một số địa phương coi hoạt động của khối nội chính gồm các cơ quan: Kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Thanh tra, Công an, Quân sự (gồm cả lực lượng Biên phòng), Hải quan, Hội Luật gia, Đoàn luật sư. Nhưng ở nhiều địa phương lại xác định cơ quan nội chính gồm nhiều cơ quan, ngoài các cơ quan như: Kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Thanh tra, Công an, Quân sự, Hải quan, Hội Luật gia, Đoàn luật sư còn có thêm các cơ quan như: Chi cục Kiểm lâm, Sở Ngoại vụ, Sở Nội vụ, Chi cục Quản lý thị trường, Ban Dân tộc, Ban Quản lý các cửa khẩu… Với cách thể hiện trong các văn bản của Đảng; cách hiểu như đã phân tích ở trên, theo chúng tôi, hiện nay khi nói về các cơ quan nội chính ở Trung ương, chúng ta hiểu gồm các cơ quan: Kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Thanh tra, các cơ quan có chức năng tư pháp trong Công an, Quân sự; Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Còn các cơ quan nội chính ở địa phương, mặc dù việc bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội đòi hỏi cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy địa phương; cần có sự phối hợp thường xuyên giữa nhiều cơ quan, nhưng khi nói về cơ quan nội chính thì nên hiểu thống nhất, đó là các cơ quan: Kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Thanh tra, Công an, Quân sự, Hải quan, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, tức là cần có sự phân biệt giữa các cơ quan, tổ chức nội chính hiện hành với một số hoạt động của một số cơ quan khác có liên quan đến lĩnh vực nội chính.
Ths. Thái Anh Hùng (Phó Vụ trưởng, Ban Nội chính Trung ương)
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp