Lãi suất tái chiết khấu là gì? Quy định mới nhất về lãi suất tái chiết khấu

Đối với các nhà đầu tư lựa chọn mua thương phiếu hoặc một số loại giấy tờ có giá khác, họ sẽ thấy được thông tin về lãi suất tái chiết khấu. Vậy thực chất lãi suất tái chiết khấu là gì? Đặc điểm, công thức tính và quy định của của chính phủ là gì? Cùng VNSC tìm hiểu chi tiết trong nội dung này nhé!

Thông tin lãi suất tái chiết khấu

Nhằm mục tiêu ổn định thị trường tiền tệ, ngân hàng nhà nước đã đưa ra cơ chế điều hành lãi suất, đây cũng là xuất phát điểm của nhiều thuật ngữ như lãi suất tái chiết khấu.

Tìm hiểu về lãi suất tái chiết khấu, trước tiên bạn cần biết tái chiết khấu nghĩa là gì. Tái chiết khấu là việc chiết khấu các công cụ chuyển nhượng hoặc giấy tờ có giá đã được chiết khấu trước khi đến hạn thanh toán. Khi đó, lãi suất tái chiết khấu là lãi suất được áp dụng trong quá trình tái chiết khấu giấy tờ có giá.

Lãi suất tái chiết khấu là gì?

Lãi suất tái chiết khấu là mức lãi suất áp dụng với số tiền ghi trên thương phiếu hoặc các loại giấy tờ có giá như tín phiếu kho bạc, chứng chỉ tiền gửi,… trước khi chúng đến hạn thanh toán. Có thể hiểu lãi suất tái chiết khấu là lãi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng trung ương đối với các ngân hàng thương mại/ các tổ chức tín dụng khác nhưng được áp dụng dưới hình thức tái chiết khấu.

Lãi suất tái chiết khấu có ấn định theo từng thời kỳ, tùy vào mục tiêu chính sách tiền tệ tại thời điểm đó. Tính đến thời điểm hiện tại, mức lãi suất tái chiết khấu đang ở mức 2,5%, mức quy định trong Quyết định số 1728/2020/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Yếu tố sẽ ảnh hưởng đến lãi suất tái chiết khấu

Có rất nhiều yếu tố trên thị trường tác động đến mức lãi suất tái chiết khấu:

Mức cung cầu tiền tệ

Bất cứ loại lãi suất nào trên thị trường đều sẽ chịu sự tác động của sức cung cầu tiền tệ, trong đó cung tiền tệ chính là tổng toàn bộ tiền tệ được sử dụng cho mục đích thanh toán trên thị trường, chính phủ trực tiếp kiểm soát. Còn cầu tiền tệ được hiểu là nhu cầu về tiền của toàn xã hội nhằm mục đích làm phương tiện giao dịch, trao đổi, mua bán hàng hóa, dịch vụ…

Nếu cung tiền tệ tăng so với cầu tiền tệ, lãi suất tái chiết khấu sẽ giảm, ở chiều ngược lại nếu cung tiền tệ giảm cùng với cầu tiền tệ, lãi suất sẽ tăng.

Chính sách tiền tệ

Đây là một trong những công cụ giúp Nhà nước kiểm soát mức lãi suất trên thị trường để duy trì sự ổn định của nền kinh tế và điều tiết các hoạt động chung toàn bộ nền kinh tế vĩ mô.

  • Ngân hàng Nhà nước trực tiếp xây dựng và đưa ra các quy định về lãi suất cho thị trường, chủ động thực hiện điều chỉnh lãi suất trong quá trình áp dụng các quy định để điều chỉnh tổng phương tiện thanh toán, hạn chế/mở rộng tín dụng nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát, đồng thời tăng trưởng nền kinh tế.
  • Xét mối quan hệ giữa lãi suất tái chiết khấu và chính sách tiền tệ, khi lãi suất trên thị trường tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng cũng như đầu tư giảm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành giảm lãi suất tái chiết khấu.
  • Ngược lại nếu lãi suất thị trường giảm, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tăng lãi suất tái chiết khấu. Mục đích là để giảm bớt khối lượng tín dụng cho ngân hàng thương mại, buộc các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất tín dụng để cân bằng giá trị đồng tiền.

tinh-lai-suat-tai-chiet-khau

Lạm phát

Lạm phát là yếu tố tác động mạnh mẽ lên toàn bộ các yếu tố của nền kinh tế, trong đó có lãi suất tái chiết khấu. Lạm phát có dấu hiệu tăng lên, chi phí thực khi vay tiền giảm xuống sẽ kích thích một bộ phận người dân vay tiền, sự chênh lệch cung cầu với quỹ cho vay sẽ đẩy lãi suất tăng lên.

Rủi ro kỳ hạn tín dụng

Đây cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất tái chiết khấu. Trước tiên, rủi ro kỳ hạn tín dụng sẽ tác động đến các tổ chức tài chính như ngân hàng thương mại, đặc biệt là những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu – tổng dư nợ lớn, làm khả năng thanh toán của ngân hàng thương mại bị giảm.

Khi đó, cá nhân và tổ chức sẽ bị tâm lý bất an, lo lắng nên lựa chọn ồ ạt rút tiền gửi tại ngân hàng. Lúc này, Ngân hàng Nhà nước bắt buộc phải điều chỉnh tăng/giảm lãi suất tái chiết khấu để ổn định sự ảnh hưởng của rủi ro kỳ hạn tín dụng.

Các yếu tố khác

Một số yếu tố phổ biến khác cũng tác động đến lãi suất tái chiết khấu như:

  • Tình hình thể chế tài chính trung gian
  • Tình hình kinh tế, chính trị
  • Tỷ giá hối đoái thay đổi
  • Việc cân đối ngân sách
  • Tài chính quốc tế
  • Chính sách tài khóa Chính phủ

Lãi suất tái chiết khấu tác động như thế nào đối với các ngân hàng?

Lãi suất tái chiết khấu thường được Nhà nước như một công cụ điều tiết thị trường tiền tệ. Do đó, nó cũng gây ra tác động tới các ngân hàng thương mại, cụ thể:

  • Làm tăng số vốn khả dụng của ngân hàng. Khi mức lãi suất này giảm cùng với lãi suất tái cấp vốn sẽ kích thích ngân hàng TMCP vay ngân hàng nhà nước bằng cách dùng giấy tờ có giá chiết khấu lấy tiền tại ngân hàng nhà nước, tăng cung tiền cho toàn thị trường.
  • Các ngân hàng có vốn nhà nước mà sở hữu một lượng lớn trái phiếu chính phủ, giấy tờ có giá thì việc giảm 0.25% lãi suất thôi cũng đủ làm ngân hàng giảm lãi cả trăm tỷ mỗi năm.

Đây là một trong nhiều cách giúp tăng cung tiền, kích thích nền kinh tế của ngân hàng nhà nước.

Như vậy có thể khẳng định rằng lãi suất tái chiết khấu và cung tiền trong thị trường có mối quan hệ rất chặt chẽ. Do đó, việc hiểu rõ về lãi suất tái chiết khấu là gì sẽ giúp cho doanh nghiệp đưa ra được kế hoạch phát triển phù hợp, bản thân nhà đầu tư cũng có được quyết định đầu tư tốt hơn.