Những Vấn đề cơ bản về lạm phát (Phần 1)

Lạm phát không còn là khái niệm xa lạ mà nó đã trở thành hiện tượng kinh tế phổ biến đối với tất cả các nước trên thế giới. Lạm phát tồn tại ở cả thời kỳ kinh tế phát triển, ổn định lẫn thời kỳ suy thoái, khủng hoảng. Tuy nhiên, không phải lạm phát bao giờ cũng tác động xấu đến nền kinh tế. Nếu lạm phát được duy trì ở một tỷ lệ nhất định nào đó, nó có thể thúc đẩy nền kinh tế của một nước phát triển. Ngược lại, khi lạm phát vượt quá một tỷ lệ nhất định, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của đất nước đó.

Lạm phát toàn cầu tính đến quý II/2022 là 7,8%, mức cao nhất kể từ năm 2008, khi đó, lạm phát lên tới 9,2%. Lạm phát sẽ tiếp tục tăng với mức cao nhất dự kiến vào giữa năm 2022 và sau đó, sẽ giảm dần do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, các thách thức logistic trong chuỗi cung ứng toàn cầu giảm bớt và giá hàng hóa giảm (mặc dù chúng sẽ vẫn ở mức cao). Theo dự báo của Consensus Economics (Công ty khảo sát kinh tế vĩ mô toàn cầu) đưa ra hồi tháng 5/2022, đến cuối năm nay, lạm phát toàn cầu sẽ ở mức khoảng 6,5%, cao hơn 1,5 lần so với dự báo tháng 2 (4%) được đưa ra trước khi bắt đầu cuộc xung đột quân sự ở Ukraine. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới vào giữa năm 2023, lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống 3% – vẫn cao hơn 1 điểm phần trăm so với năm 2019.

Vậy để tìm hiểu một số vấn đề về lạm phát chúng ta hãy tìm hiểu một số vấn đề dưới đây:

1. Khái niệm

Trong kinh tế học, thuật ngữ “lạm phát” được dùng để chỉ sự tăng lên theo thời gian của mức giá chung hầu hết các hàng hoá và dịch vụ so với thời điểm một năm trước đó. Khi giá trị của hàng hoá và dịch vụ tăng lên, đồng nghĩa với sức mua của đồng tiền giảm đi, và với cùng một số tiền nhất định, người ta chỉ có thể mua được số lượng hàng hoá ít hơn so với năm trước. Do đó, tình trạng lạm phát được đánh giá bằng cách so sánh giá cả của hai loại hàng hoá vào hai thời điểm khác nhau, với giả thiết chất lượng hàng hoá không thay đổi.

Thực ra, đây chỉ là một khái niệm dựa trên biểu hiện của lạm phát (symptom-based definition). Một số nhà kinh tế đã nỗ lực đưa ra định nghĩa về lạm phát dựa trên nguyên nhân gây ra nó. Theo hướng này, K.Marx cho rằng: “Lạm phát là hiện tượng tiền giấy tràn ngập các kênh lưu thông, vượt qua nhu cầu của lưu thông hàng hóa, dẫn tới sự mất giá của đồng tiền và phân phối lại thu nhập quốc dân.” (http://www.diendankinhte.info). Hay M. Friedman, đại diện của trường phái tiền tệ hiện đại, cho rằng:

Lạm phát là một điều kiện trong đó có sự dư cầu nói chung tức là lượng tiền trong nền kinh tế quá nhiều để theo đuổi một khối lượng hàng hoá có hạn.

Và:

Lạm phát bao giờ và ở đâu cũng là hiện tượng tiền tệ… và nó chỉ có thể xuất hiện một khi lượng tiền tăng nhanh hơn sản lượng. (Friedman).

Nhiều học giả Việt Nam ủng hộ quan điểm này. Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy cách tiếp cập này vấp phải một vấn đề là chúng ta chỉ có thể đưa ra định nghĩa về lạm phát một khi đã xác định trước được nguyên nhân gây ra nó, điều mà trong thực tế còn có nhiều tranh luận. Nếu quả thật có nhiều nguyên nhân gây ra lạm phát, thì rõ ràng chúng ta không thể đưa ra một định nghĩa chung về lạm phát. Hơn nữa, lịch sử phát triển của lạm phát cho thấy lạm phát có thể không liên quan đến việc lạm dụng chức năng phát hành tiền, tức sự phát hành “dư thừa”, không tuân theo quy luật lưu thông tiền tệ của Ngân hàng Trung ương (Khi người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cướp bóc châu Mỹ, họ chuyển một lượng lớn vàng về châu Âu và giá cả ở châu Âu đã tăng lên nhanh chóng.).

Nhà kinh tế Eckstein lại có cách tiếp cận khác về lạm phát: “lạm phát cơ bản xuất hiện trên quỹ đạo tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế với điều kiện là quỹ đạo này không bị ảnh hưởng của các cú sốc và các thị trường (hàng hoá, tiền tệ, lao động) ở trạng thái cân bằng dài hạn”( Eckstein, Otto (1981) Core Inflation. Prentice Hall Inc, Englewood Cliffs, New Jersey, trang 8).

Như vậy, lạm phát được hiểu là lạm phát trong dài hạn mà đã loại bỏ các nhiễu loạn ngẫu nhiên (như các cú sốc cung) và nó phản ánh xu hướng cơ bản, ổn định mức tăng giá chung của các loại hàng hoá và dịch vụ của nền kinh tế trong dài hạn, chứ không phải chỉ là một khoảng thời gian ngắn.

Từ các quan điểm nêu trên, chúng ta có thể đưa ra một khái niệm đủ rộng về lạm phát như sau:

Lạm phát là hiện tượng tiền tệ khi mà lượng tiền phát hành nhiều hơn lượng tiền cần thiết trong lưu thông làm cho giá cả tăng nhanh, liên tục và kéo dài dẫn đến tiền tệ mất giá so với hàng hóa, ngoại tệ và vàng.

2. Các tiêu chí đo lường lạm phát

Thông thường, lạm phát được đo lường bằng cách theo dõi sự thay đổi trong giá cả của một lượng lớn các hàng hóa và dịch vụ trong một nền kinh tế trong một thời gian dài. Dữ liệu về sự biến động của giá cả được thu thập từ các tổ chức nhà nước hoặc một số ngân hàng lớn hay các tạp chí kinh doanh có uy tín.

Tỷ lệ lạm phát thể hiện qua các chỉ số giá cả. Chỉ số giá cả là tỷ lệ phần trăm tăng của mức giá trung bình ở thời điểm hiện tại đối với mức giá trung bình của nhóm hàng tương ứng ở thời điểm gốc. Mức giá trung bình là tổng hợp giá của các loại hàng hoá và dịch vụ. Để dễ hình dung có thể coi mức giá cả như là phép đo kích thước của một quả cầu, lạm phát sẽ là độ tăng kích thước của nó.

Trên thực tế, không tồn tại một phép đo chính xác duy nhất chỉ số lạm phát, vì giá trị của chỉ số này phụ thuộc vào tỷ trọng mà người ta gắn cho mỗi hàng hóa trong chỉ số, cũng như phụ thuộc vào phạm vi khu vực kinh tế mà nó được thực hiện. Tuy nhiên, các phép đo tỷ lệ lạm phát bao gồm một số các chỉ số giá cả phổ biến được sử dụng ở nhiều nước khác nhau trên thế giới như sau:

Chỉ số giá sinh hoạt (Cost-of-living Indices – CLI) là sự tăng trên lý thuyết giá cả sinh hoạt của một cá nhân so với thu nhập, trong đó các chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được giả định một cách xấp xỉ. CLI có thể được điều chỉnh bởi “sự ngang giá sức mua” để phản ánh những khác biệt trong giá cả của đất đai hay các hàng hóa và dịch vụ khác trong khu vực

Chỉ số giá tiêu dùng (Commodity Price Indices – CPI) đo giá cả các hàng hóa hay được mua bởi người tiêu dùng thông thường một cách có lựa chọn. Nhiều nước công nghiệp sử dụng chỉ số này để phản ánh tỷ lệ lạm phát của quốc gia.

Chỉ số giá sản xuất (Producer Price Indices – PPI) đo mức giá mà các nhà sản xuất nhận được không tính đến giá bổ sung qua đại lý hoặc thuế doanh thu. Sự khác biệt giữa chỉ số PPI và CPI là ở chỗ sự trợ cấp giá, lợi nhuận và thuế có thể ảnh hưởng đến giá trị nhận được bởi các nhà sản xuất là không bằng với giá trị mà người tiêu dùng đã thanh toán. Bên cạnh đó, chỉ số PPI thường tăng hoặc giảm chậm hơn CPI, nhờ vậy nhiều người tin rằng người ta có thể dự đoán gần đúng về khuynh hướng biến động của chỉ số CPI ngày hôm sau dựa trên PPI ngày hôm nay.

Chỉ số giá bán buôn đo sự thay đổi trong giá cả các hàng hóa bán buôn (thông thường là trước khi bán có thuế) một cách có lựa chọn. Chỉ số này rất giống với PPI.

Chỉ số giá hàng hóa đo sự thay đổi trong giá cả của các hàng hóa một cách có lựa chọn. Trong thời kỳ bản vị vàng thì hàng hóa duy nhất được sử dụng là vàng. Khi nước Mỹ sử dụng bản vị lưỡng kim thì chỉ số này bao gồm cả vàng và bạc.

Chỉ số giảm phát GDP dựa trên việc tính toán của tổng sản phẩm quốc nội: Nó là tỷ lệ của tổng giá trị GDP giá thực tế (GDP danh nghĩa) với tổng giá trị GDP của năm gốc, từ đó có thể xác định GDP của năm báo cáo theo giá so sánh hay GDP thực). Nó là phép đo mức giá cả được sử dụng rộng rãi nhất. Các phép loại bỏ lạm phát cũng tính toán các thành phần của GDP như chi phí tiêu dùng cá nhân. Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang đã chuyển sang sử dụng phép loại bỏ lạm phát tiêu dùng cá nhân và các phép loại bỏ lạm phát khác để hoạch định các chính sách kiềm chế lạm phát của mình.

3. Các loại lạm phát

Căn cứ vào tỷ lệ lạm phát, lạm phát được chia thành 3 loại khác nhau:

Lạm phát thấp: Lạm phát thấp thường có tỷ lệ rất nhỏ, thông thường bằng 0 hoặc một chỉ số dương nhỏ (dưới 3%). Mức lạm phát thấp không ảnh hưởng mấy đến nền kinh tế mà chỉ để phân biệt với giảm phát. Trong nền kinh tế có lạm phát thấp, giá cả vẫn giữ được sự ổn định.

Lạm phát vừa phải: còn được biết đến với tên gọi lạm phát một con số, xảy ra khi tốc độ tăng giá ở mức một con số (tức là từ 3 – 10%/năm). Trong thời kỳ lạm phát vừa phải, giá cả biến động tương đối, lãi suất tiền gửi không cao, không xảy ra hiện tượng mua bán tích trữ hàng hoá với số lượng lớn. Do vậy, giá trị tiền tệ thời kỳ này tương đối ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội. Lạm phát vừa phải không gây tác hại lớn đến nền kinh tế.

Lạm phát cao: là lạm phát từ hai con số trở lên. Lạm phát cao bao gồm lạm phát phi mã (Galloping Inflation – còn gọi là lạm phát hai con số) và siêu lạm phát (Hyper Inflation – từ ba con số trở lên).

Lạm phát phi mã xảy ra khi giá cả tăng tương đối nhanh với tỷ lệ hai con số (trên 10%). Trong thời kỳ lạm phát phi mã, giá cả nhìn chung tăng nhanh, người dân tích trữ hàng hoá, vàng bạc, bất động sản hoặc chuyển sang sử dụng các ngoại tệ mạnh để làm phương tiện thanh toán cho các giao dịch lớn. Nếu lạm phát phi mã duy trì trong thời gian dài sẽ gây biến dạng kinh tế nghiêm trọng.

Siêu lạm phát xảy ra khi tỷ lệ lạm phát đột biến tăng lên với tốc độ cao vượt xa lạm phát phi mã, tốc độ lưu thông tiền tệ tăng mạnh, giá cả tăng nhanh và không ổn định, tiền lương thực tế của người lao động bị giảm mạnh, tiền tệ mất giá nhanh chóng, các yếu tố thị trường biến dạng và hoạt động sản xuất kinh doanh lâm vào tình trạng rối loạn. Siêu lạm phát có sức mạnh phá huỷ toàn bộ nền kinh tế của một nước và thường đi kèm với suy thoái nghiêm trọng. Một ví dụ điển hình của siêu lạm phát là vào năm 1913, ngay trước khi chiến tranh thế giới nổ ra, một USD có giá trị tương đương với 4 mark Đức, nhưng chỉ 10 năm sau, một USD đổi được tới 4 tỉ mark. Vào thời đó, báo chí đã đăng tải những tranh ảnh biếm họa về vấn đề này: người ta vẽ cảnh một người đẩy một xe tiền đến chợ chỉ để mua một chai sữa, hay một bức tranh khác cho thấy ngày đó đồng mark Đức được dùng làm giấy dán tường hoặc dùng như một loại nhiên liệu./.

Lương Thanh Hải

Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến Thương mại – VIOIT