Ví dụ về lực ma sát trượt

Lực ma sát là lực xuất hiện giữ bề mặt tiếp xúc của hai vật, chống lại xu hướng thay đổi vị trí tương đối giữa hai bề mặt. Các loại lực ma sát bao gồm lực ma sát trượt, lực ma sát lăn và lực ma sát nghỉ.

Trong nội dung bài viết Ví dụ về lực ma sát trượt, chúng tôi sẽ tổng hợp thông tin và chia sẻ tới Quý độc giả những nội dung hữu ích về lực ma sát trượt. Mời Quý vị theo dõi bài viết:

Khi nào xuất hiện ma sát trượt?

Lực ma sát trượt xuất hiện ở mặt tiếp xúc khi vật chuyển động trượt trên một bề mặt. Lực ma sát trượt có hướng ngược hướng với vận tốc, cản trở chuyển động của vật.

Đặc điểm của độ lớn của ma sát trượt

Độ lớn của ma sát trượt có các đặc điểm sau đây:

– Không phụ thuộc vào diện tích tiếp xúc và tốc độ của vật.

– Tỉ lệ với độ lớn của áp lực.

– Phụ thuộc vào vật liệu và tình trạng của hai mặt tiếp xúc.

Hệ số ma sát trượt? Công thức tính lực ma sát trượt?

Hệ số tỉ lệ giữa độ lớn của lực ma sát trượt và độ lớn của áp lực được gọi là hệ số ma sát trượt. Kí hiệu là µt

µt = Fmst / N

Hệ số ma sát trượt phụ thuộc vào vật liệu và tình trạng của hai mặt tiếp xúc.

Công thức tính lực ma sát trượt như sau:

Fmst = µt.N

Vai trò của lực ma sát trượt

Ma sát trượt có thể có lợi hoặc có hại.

Thứ nhất: Ma sát trượt có lợi

– Khi hãm phanh (thắng), bộ phận hãm (thắng) sẽ được áp sát vào bề mặt bánh xe đang chuyển động. Lực ma sát sinh ra giữa má phanh và bánh xe làm cho quay chậm lại, cản trở bớt sự quay của bánh xe. Khi đó xuất hiện sự trượt trên mặt đường, lực ma sát trượt do mặt đường tác dụng sẽ làm xe đi chậm và dừng lại hẳn.

– Ma sát trượt ứng dụng trong việc mài nhẵn các bề mặt cứng như kim loại hoặc gỗ. Đá mài là một loại vật liệu khá cứng, được làm sần sùi làm tăng ma sát. Khi đưa vào máy mài, nó chuyển động rất nhanh, gây ra ma sát với vật được tiếp xúc và chính lực ma sát này sẽ mài mòn các bề mặt các vật, làm cho bề mặt vật nhẵn hơn.

– Ở vĩ cầm (đàn violon), khi cọ xát cần kéo trên dây đàn thì giữa chúng xuất hiện lực ma sát trượt làm dây đàn dao động và phát ra âm thanh.

Thứ hai: Ma sát trượt có hại

Ma sát trượt cản trở chuyển động, làm mòn các chi tiết máy. Vì vậy trong các chi tiết máy bao giờ cũng được tra dầu mỡ công nghiệp vào các bộ phận nhằm hạn chế ít nhất tác hại của ma sát trượt khi các chi tiết máy vận hành.

Ví dụ về lực ma sát trượt

Các ví dụ về ma sát trượt đã được chúng tôi nêu tại phần vai trò của ma sát trượt, ngoài ra một số ví dụ Quý vị có thể tham khảo thêm về ma sát trượt như sau:

– Trong đời sống: Khi phanh xe đạp, lực ma sát giữa hai má phanh với vành xe là lực ma sát trượt, khi bánh xe trượt trên mặt đường.

– Trong kĩ thuật: Lực ma sát giữa các chi tiết máy trượt trên nhau là lực ma sát trượt.