Tên nước Nam Tư được thay thế bằng Serbia-Montenegro

Nguyễn An Hai viện quốc hội Yugoslavia tức Nam Tư hôm thứ ba đã biểu quyết xoá bỏ tên cũ, và thay bằng một tên mới: Serbia và Montenegro. Dựa theo một số tin tức trên báo chí quốc tế, Nguyễn An trình bày một số chi tiết như sau …

Cuộc bỏ phiếu tại hai viện quốc hội với tỷ lệ 26/7 và 84/31 đã chính thức khai tử tên nước Nam Tư, vốn đã tồn tại suốt 84 năm qua, từ sau thế chiến thứ nhất. Lúc đó, nhờ đứng vào phe thắng trận, hai nước Serbia và Montenegro quyết định sát nhập, và mở rộng thêm với một số tỉnh đông dân trước đó thuộc đế quốc Áo-Hung, để thành lập vương quốc Serbs, Croats, và Slovenes. Tên Yugoslavia, tức Nam Tư trong tiếng Việt, có nghĩa là quốc gia của những người gốc Slave ở miền Nam, đuợc chính thức lựa chọn cho đất nuớc này vào năm 1929.

Sau thế chiến thứ hai, Nam Tư trở thành một nước cộng hoà dưới sự lãnh đạo của thống chế Tito. Dưới sự cai trị của ông, Nam Tư là một liên bang sáu nước khác nhau cả về truyền thống lẫn tôn giáo: Serbia, Croatia, Bosnia, Slovenia, Montenegro và Macedonia. Sau khi Tito chết vào năm 1980, một hội đồng tám thành viên được dựng lên để lãnh đạo Nam Tư, nhưng sự rạn nứt giữa các nước trong liên bang thì ngày càng tăng thêm.

Năm 1991, các nước Slovenia, Croatia và Macedonia tuyên bố độc lập. Quân đội liên bang trong đó hầu hết là người Serb mở các cuộc hành quân để ngăn cản nhưng thất bại. Tuy vậy, trên 10.000 người đã chết khi cộng đồng người Serb sinh sống tại Croatia đứng lên tranh đấu đòi thành lập một tiểu quốc riêng.

Qua năm sau, Bosnia tuyên bố độc lập. Nhưng nội chiến bùng nổ giữa các sắc dân, bao gồm người theo Hồi giáo, ngừơi Serb và người Croatia sinh sống trong lãnh thổ nước này. 200.000 người đã chết trong cuộc nội chiến kéo dài ba năm rưỡi.

Liên bang Nam Tư sau đó chỉ còn lại hai nước là Serbia với 10 triệu dân và Montenegro với 650 ngàn dân. Vào tháng 4 năm 1992, hai nước quyết định tiếp tục duy trì liên bang Nam Tư như cũ. Tuy nhiên, năm năm sau thì lãnh tụ Montenegro là Milo Djukanovic khởi sự vận động độc lập cho nước ông.

Trước tình hình ấy,Cộng đồng Âu Châu liền đứng ra làm môi giới, để tiếp tục kết hợp hai nước còn lại của liên bang với nhau. Người đứng ra trực tiếp thuyết phục cả hai nước là đại diện ngoại vụ của EU, ông Javier Solana. Lý lẽ mà ông đưa ra là, nếu Montenegro trở thành một quốc gia độc lập, thì sẽ có tác dụng như một quân cờ Domino bị đổ. Tiếp theo đó, cộng đồng người Albani ở Nam Serbia cũng có thể đòi ly khai, rồi sẽ đến luợt những sắc dân khác ở miền Bắc Serbia. Trong viễn cảnh ấy, bán đảo Balkan sẽ tiếp tục bất ổn, và cộng đồng thế giới lại phải bỏ công sức ra dàn xếp.

Cuộc bỏ phiếu hôm thứ ba có thể coi là thành quả của cộng đồng Âu châu, nói riêng là của ông Javier Salana.

Theo những thoả thuận đã đạt được, thì nước Serbia và Montenegro sẽ có một quân đội, nhưng hai loại tiền tệ: đồng Dina cho Serbia và đồng Euro cho Montenegro. Sẽ có một tổng thống, một quốc hội 126 ghế và một hội đồng bộ trưởng. Các cơ chế này sẽ đuợc thành lập trong vòng 30 ngày sắp tới, nhưng sẽ không có thủ đô và Belgrade chỉ được coi là trung tâm hành chánh của nước cộng hoà mới khai sinh thôi.

Tuy nhiên, về mặt đối ngoại, thì Serbia và Montenegro chỉ là một quốc gia, có một chỗ tại Liên Hiệp quốc cũng như các tổ chức qúôc tế khác, mặc dù mỗi nước có thể ký kết những hiệp định khác nhau với nước ngoài.

Cuộc sống chung giữa hai nước duới hình thức vừa mô tả sẽ đụơc thử thách trong ba năm. Khi đó, sẽ có cuộc trưng cầu dân ý để đưa ra quyết định sau cùng. Nhiều nhà phân tích cho rằng nếu mọi sự diễn tiến êm đẹp trong ba năm sắp tới, thì đó là một phép lạ.