Tục ngữ ‘Lửa thử vàng, gian nan thử sức’ đã được giải thích thỏa đáng?

Tôi nghĩ rằng, câu tục ngữ phổ biến này hiện đang được giải thích chưa thỏa đáng. Ví dụ như trong các sách văn mẫu lưu hành, họ giải thích như sau: “Lửa thử vàng” tức là lấy lửa để kiểm tra vàng, xem tuổi vàng, biết là vàng mười hay bị pha tạp lẫn lộn; “Gian nan” có nghĩa là những khó khăn, vất vả trước mắt. Những gian nan ấy là phép thử mà mỗi con người phải vượt qua để đo sức lực của chính bản thân mình”.

Thực ra, vàng là một loại kim loại quý bậc nhất, mỗi người dân chỉ có thể sở hữu một số lượng nhỏ. Tôi nhớ bố mẹ tôi kể lại rằng khi lớn lên họ không biết vàng là gì bởi vì họ đều là con cái nông dân, rất ít người sở hữu vàng. Nên nếu như ai đó có cái nhẫn, bông tai, không ai dại đem thử bằng lửa hay nung nóng lên với nhiệt độ cao như lời giải thích trên. Nếu thử bằng cách đó thì khác gì phá hỏng chúng, một cách làm hoàn toàn không hợp lý.

Người xưa thường quan sát bằng mắt thường hoặc dùng răng cắn vào miếng vàng, do vàng thật dẻo và mềm hơn so với các kim loại khác. Ngày nay các tiệm vàng có máy kiểm tra vàng điện tử hiện đại để kiểm tra vàng.

Trong hóa học, vàng (tiếng Anh là gold) có kí hiệu hóa học là Au, số hiệu nguyên tử 79, thuộc chu kì 6 trong bảng tuần hoàn hóa học. Đặc tính hóa học cơ bản của vàng là một trong những nguyên tố hóa học ít phản ứng nhất và ở thể rắn trong điều kiện tiêu chuẩn.

Kim loại quý như vàng, bạc không bị oxy hóa ở bất kì nhiệt độ nào hoặc phản ứng hóa học, không giống như kim loại cơ bản khác như đồng, nhôm. Khi chúng được nung ở nhiệt độ cao, các kim loại quý tách rời nhau và các kim loại khác phản ứng, tạo thành xỉ hoặc các hợp chất khác.

Quá trình này được gọi là Cupellation, đó là một quá trình tinh chế trong luyện kim, trong đó quặng hoặc kim loại hợp kim được xử lý ở nhiệt độ rất cao và có các hoạt động được kiểm soát để tách các kim loại quý, như vàng và bạc, khỏi các kim loại cơ bản, như chì, đồng, kẽm, asen, hiện diện trong quặng.

Như vậy “lửa thử vàng” tức là nói đến quá trình tinh chế vàng bằng phương pháp cổ điển Cupellation mà ngày nay vẫn còn sử dụng. Hợp chất có chứa vàng càng được đun nóng ở nhiệt độ cao thì các thứ kim loại khác sẽ bị oxy hóa, thành xỉ, hoặc bị bay hơi, còn vàng sẽ càng tinh khiết, hay gọi là “vàng ròng”. Nên người phương Tây mới gọi vàng là kim loại cao quý nhất (the noblest of all the metals), thành ngữ của họ cũng có câu là “a heart of gold” nghĩa là một trái tim vàng, để nói về những người tốt, có tấm lòng nhân hậu.

Trong câu tục ngữ “lửa thử vàng gian nan thử sức”, người ta so sánh con người với vàng, một loại kim loại cao quý nhất; lửa hay sức nóng hàng nghìn độ được so sánh với sự gian nan của đời người phải trải qua. Tục ngữ có ý khuyên rằng một người khi đương đầu với khó khăn, thì như vàng trong quá trình tinh luyện, dù khó khăn tới đâu cũng không ngã lòng mà phải trau dồi, học tập, rèn luyện các kĩ năng của mình ngày càng tinh thông, giỏi giang. Không những vậy, người đó phải nỗ lực loại bỏ các tập tính hay thói quen xấu, cuối cùng tạo nên một con người có các phẩm chất tốt hơn trước.

Người Trung Quốc cũng có câu là “vàng thật không sợ lửa”, phổ biến khắp thế giới với ý nghĩa tương tự, nghĩa là một con người tài năng, bản lĩnh thì dù có rơi vào hoàn cảnh khó khăn như thế nào, thì cũng không thể quật ngã được họ. Cũng như vàng trải qua tinh luyện, càng luyện càng tinh khiết, càng rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì con người sẽ càng học hỏi, rèn luyện bản thân mà trở nên tốt hơn.