Luận cương chính trị tháng 10/1930 – Những giá trị lịch sử (*)

PGS.TS. Bùi Đình Phong

(Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh)

Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 10/1930 là sản phẩm của trí tuệ tập thể Ban Chấp hành Trung ương, nhưng trước hết thuộc về đồng chí Trần Phú, người được vinh dự dự thảo.

Đồng chí Trần Phú. Ảnh tư liệu

Luận cương được hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, đặc biệt là “Luận cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa” của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản (năm 1928). Đồng chí Trần Phú cũng nghiên cứu các văn kiện trong Hội nghị thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì đầu năm 1930 và đã đi điều tra, nghiên cứu tình hình công nhân, nông dân và phong trào quần chúng ở một số địa phương miền Bắc như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hòn Gai…

Cần phải nhấn mạnh những căn cứ lý luận và thực tiễn nêu trên cùng với nhân tố chủ quan thuộc về phẩm chất cá nhân của Trần Phú. Những nhân tố đó thuộc về tư duy, trí tuệ, kinh nghiệm, vốn sống, ý chí của một nhà yêu nước, một chiến sĩ cộng sản nhiệt thành, một trái tim yêu nước thương dân, một tinh thần cách mạng luôn luôn giữ vững chí khí chiến đấu…

Về tổng thể, Luận cương chính trị trình bày những vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam.

1. Luận cương chính trị năm 1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương đã trình bày một cách cụ thể, khá chi tiết, mang hơi thở của xứ Đông Dương thuộc địa. Nếu Nghị quyết Đại hội VI Quốc tế Cộng sản (1928) nói tới việc tiến hành cách mạng dân chủ tư sản, thì Luận cương chính trị năm 1930 lại khẳng định làm tư sản dân quyền, trong đó hai mặt tranh đấu đánh đổ các di tích phong kiến để thực hành thổ địa cách mạng cho triệt để và tranh đấu để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập liên lạc mật thiết với nhau. Đây là một vận dụng sáng tạo so với Đại hội VI Quốc tế Cộng sản. Sự sáng tạo này bắt nguồn từ việc xác định tính chất xã hội. Nếu xã hội hoàn toàn phong kiến thì phải làm cách mạng dân chủ tư sản. Nếu xã hội tư sản thì phải làm cách mạng vô sản (ở đây cần phân biệt với một tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh bàn về cách mạng vô sản ở thuộc địa, mà chúng tôi không phân tích ở bày viết này). Luận cương chính trị năm 1930 khẳng định “Xứ Đông Dương (Việt Nam, Cao Miên và Lào) là một xứ thuộc địa để khai khẩn của đế quốc chủ nghĩa Pháp”, nên cuộc cách mạng Đông Dương sẽ là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền (có tính chất thổ địa và phản đế) tiến lên con đường cách mạng vô sản.

Bút tích trang đầu dự thảo Luận cương chính trị của Đảng, tháng 10/1930.

Xuất phát từ việc khẳng định tính chất xã hội thuộc địa với hai đặc điểm lớn là “không phát triển độc lập được” và “mâu thuẫn giai cấp ngày càng kịch liệt”, nên Luận cương đã có sự phân tích mối liên hệ mật thiết giữa hai mặt đấu tranh chống phong kiến và chống đế quốc, giữa hai mục tiêu “thổ địa cách mạng” và “Đông Dương hoàn toàn độc lập”. Sự phân tích mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ này, tuy có những chỗ không phù hợp với hoàn cảnh một nước thuộc địa nhưng là cần thiết, vì sự cấu kết giữa đế quốc với phong kiến là một đặc trưng của chế độ thuộc địa.

2. Điều quan trọng nhất là nhiều nội dung cơ bản giữa Luận cương chính trị tháng 10/1930 và Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt tháng 2/1930 hoàn toàn thống nhất với nhau. Các văn kiện này đều khẳng định, để đưa cách mạng đến thắng lợi, cần có một đảng cộng sản lãnh đạo. Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp. Vô sản có cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thắng lợi được. Vô sản giai cấp và nông dân là hai động lực chính. Luận cương và Chính cương đều đề ra việc đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, lập chánh phủ công nông. Luận cương đã khẳng định mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, không chỉ vai trò của Đảng, mà cả giai cấp vô sản và quần chúng cách mạng…

Nhìn chung, Luận cương chính trị đã khẳng định lại nhiều vấn đề cơ bản thuộc về chiến lược cách mạng ở nước ta mà Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt đã nêu lên, trong đó sợi chỉ đỏ xuyên suốt là sau khi làm cách mạng tư sản dân quyền (tức cách mạng dân tộc dân chủ) thắng lợi, tiếp tục thẳng lên cách mạng XHCN bỏ qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa.

Thống nhất, khẳng định lại và nhấn mạnh những vấn đề thuộc về đại cục, về chiến lược cách mạng là điều quan trọng nhất. Điều này, trong tổng kết 30 năm hoạt động của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin, Đảng đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn. Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình” (1).

3. Cần phải khẳng định những điểm mới có giá trị trong Luận cương chính trị tháng 10/1930 mà chưa có điều kiện nêu trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt.

Trước hết là luận điểm “bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường XHCN”. Phân tích mối quan hệ giữa cách mạng tư sản dân quyền và xã hội cách mạng (cách mạng XHCN), Luận cương đã khẳng định: “Tư sản dân quyền cách mạng là thời kỳ dự bị để làm xã hội cách mạng”. “Thời kỳ dự bị” ta hiểu như là tiền đề, điều kiện, nghĩa là phải đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, phong kiến và địa chủ rồi tiến lên con đường cách mạng vô sản. Luận cương đã nhấn mạnh tới Đảng phải tổ chức ra những đoàn thể độc lập (công hội, nông hội, v.v…).

Trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, luận điểm “bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường XHCN” là một đóng góp lớn về mặt lý luận, là một luận điểm cách mạng và khoa học được trình bày sớm nhất trong các văn kiện của Đảng. Tuy chưa có một sự phân tích sâu về mối quan hệ giữa cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng XHCN, nhưng cách đặt vấn đề của Luận cương “Tư sản dân quyền cách mạng là thời kỳ dự bị để làm xã hội cách mạng” chính là phản ánh một phần rất quan trọng về mối quan hệ đó. Ở một xứ thuộc địa thì cách mạng tư sản dân quyền là nhiệm vụ hàng đầu, mục tiêu trực tiếp, tiền đề để đi tới CNXH. Luận cương đề cập tới “thời kỳ dự bị”, ta hiểu đây là tạo tiền đề cả về chính trị, KT-XH.

Tiền đề chính trị là quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản, giai cấp công nhân và giai cấp nông dân là hai lực lượng chính, là chính phủ công nông và các tổ chức vô sản, là sự ủng hộ của giai cấp vô sản thế giới. Tiền đề kinh tế là công nghiệp trong nước được phát triển; quyền sở hữu ruộng đất thuộc về chính phủ công nông, sung công các sản nghiệp lớn của bọn tư bản ngoại quốc; ngày làm công tám giờ… Tiền đề xã hội như nam nữ bình quyền, thừa nhận dân tộc tự quyết…

Những yếu tố “dự bị” mang tính chất tiền đề đó từ một nước vốn là thuộc địa, tuy rất nhỏ, nhưng không vì thế mà chấp nhận trải qua giai đoạn phát triển tư bản. Ngược lại, Luận cương khẳng định bỏ qua thời kỳ tư bản. Năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”. Văn kiện Đại hội IX của Đảng (tháng 4/2001) khẳng định, “bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa”. Bản chất của các khái niệm đó là một, tức là chúng ta không đi theo con đường “đầy máu và nước mắt” của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa.

Thực tiễn và lý luận cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua tiếp tục được bổ sung, phát triển đã và đang chứng minh tính đúng đắn của luận điểm này, tức là khẳng định trí tuệ và bản lĩnh của Đảng, mà từ tháng 10/1930, Luận cương đã nêu lên.

Điều cần nhấn mạnh là Luận cương còn xác định thêm một cách đúng đắn cách đấu tranh. Theo Luận cương, vấn đề này phải xét kỹ tình hình trong nước và thế giới, thái độ các hạng người… từ đó mà định ra chiến lược. Phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa khẩu hiệu “phần ít” và “khẩu hiệu chánh” của Đảng, tức là giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ lâu dài. Luận cương viết: “Không chú ý đến những nhu yếu và sự tranh đấu hàng ngày của quần chúng là rất sai lầm. Mà nếu chỉ chú ý đến những nhu yếu hàng ngày mà không chú ý đến những mục đích lớn của Đảng cũng là rất sai lầm”. Từ đó, Luận cương phân tích các yếu tố về thời cơ cách mạng: “Đến lúc sức cách mạng lên rất mạnh, giai cấp thống trị đã rung động, các giai cấp đứng giữa đã muốn bỏ về phe cách mạng, quần chúng công nông thì sôi nổi cách mạng, quyết hy sanh phấn đấu, thì Đảng phải lập tức lãnh đạo quần chúng để đánh đổ Chính phủ của địch nhân và giành lấy chính quyền cho công nông”.

Liên quan tới quá trình giành chính quyền là vấn đề võ trang bạo động. Khi bàn tới võ trang bạo động, Luận cương trình bày ngắn gọn, rõ ràng những vấn đề cốt tủy trong lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về khởi nghĩa vũ trang. Thực chất đây là con đường tiến lên

giành chính quyền bằng bạo lực của quần chúng. Điều này hoàn toàn phù hợp trong hoàn cảnh nước thuộc địa. Luận cương hoàn toàn đúng khi phân tích mối quan hệ giữa tình thế cách mạng trực tiếp và quá trình chuẩn bị các điều kiện để đi tới tình thế đó. Tức là không ngồi chờ tình thế trực tiếp cách mạng mà vẫn phải thường xuyên kịch liệt đấu tranh – tất nhiên không phải manh động hay võ trang bạo động sớm – mà để “suy động đại quần chúng ra thị oai, biểu tình bãi công v.v… để dự bị họ về cuộc võ trang bạo động sau này”.

Lịch sử cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến lúc giành được chính quyền cách mạng năm 1945 diễn ra theo đúng quy luật nêu trên.

Tóm lại, Luận cương chính trị năm 1930 – nhìn từ hôm nay nhưng phải đặt mình vào bối cảnh ra đời của Luận cương, thì chúng ta mới đánh giá được một cách khách quan và đúng đắn giá trị, ý nghĩa to lớn cũng như những hạn chế lịch sử của nó. Có hiểu đầy đủ tình hình quốc tế, đặc biệt là hoạt động của Quốc tế Cộng sản và tình hình trong nước là sự cấu kết giữa thực dân Pháp và tay sai để đàn áp cách mạng, thì mới thấy hết cái được và chưa được của Luận cương trong bước ngoặt lịch sử giải phóng dân tộc khi Đảng vừa ra đời nắm ngọn cờ lãnh đạo cách mạng.

Tám mươi tư năm qua, chúng ta thấy thành tựu lớn nhất mà cách mạng Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Luận cương chính trị là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã trở thành lẽ sống chi phối tình cảm, ý nghĩ và hành động của nhân dân ta. Đó cũng là quan điểm có tính nguyên tắc của Đảng ta trong công cuộc đổi mới.

Giá trị của Luận cương năm 1930 nhìn từ hôm nay chính là ở chỗ đó.

______

(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.10, tr.9.

b.đ.p