Trong tín ngưỡng truyền thống của người dân Việt Nam, tháng bảy âm lịch là tháng cô hồn sẽ mang đến nhiều điều không may, điềm gở trong cuộc sống. Cũng trong tháng bảy âm này, người dân ở khắp mọi nơi sẽ có tục lệ cúng cô hồn để an ủi những vong linh đã khuất, tạo sự thanh thản cho người ở trần thế. Vậy mâm cúng cô hồn cần những gì? Trong tháng cô hồn cần kiêng kỵ điều gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của iPOS.vn nhé!
1. Tháng cô hồn (Tháng bảy âm lịch) là gì?
Trong văn hóa dân gian Việt Nam, tháng bảy âm lịch còn được gọi là tiết Trung nguyên, tháng ngâu (gắn liền với truyền thuyết mưa ngâu của ngày thất tịch), tháng Vu Lan báo hiếu (ngày rằm tháng bảy âm là ngày Vu Lan),… và quan trọng hơn cả là tháng cô hồn. Theo quan niệm từ xa xưa, trong tháng bảy âm thì Diêm Vương sẽ cho mở cửa địa ngục để người âm trở lại trần gian.
Bạn đang xem: Tin tức mới
Bên cạnh đó, tháng bảy cũng là tháng có âm khí mạnh nhất năm, vì thế các loại quỷ đói, quỷ sông nước,… sẽ thường xuyên đi lại, quấy phá người ở dương gian mạnh hơn.
Ở Việt Nam, không hẳn địa phương nào cũng coi cả tháng 7 âm là tháng cô hồn mà có nơi chỉ quan trọng ngày rằm (ngày 15) tháng 7 âm là ngày “xá tội vong nhân”. Cũng có nhiều gia đình không đặt nặng việc cúng bái trong tháng cô hồn này mà chỉ làm đơn giản, nhanh gọn theo tập tục dân gian truyền lại thôi. Tuy nhiên, vào tháng 7 âm thì mọi người vẫn có tâm lý chung là tránh các hoạt động quan trọng như động thổ, cưới xin, mua nhà mua xe,… vì sợ sẽ không may.
Cũng bởi vì quan niệm tháng 7 là tháng mà ma quỷ sẽ hoành hành mạnh mẽ nhất, nên truyền thống lâu đời của người dân nước ta là sẽ làm mâm cúng chúng sinh (lễ thí thực) vào tháng cô hồn để bố thí cho các linh hồn trôi nổi vất vưởng, đồng thời cũng là để an ủi vong linh người thân đã qua đời, làm nhẹ lòng người ở lại. Cúng cô hồn hoàn toàn không phải là một hành động mê tín dị đoan mà là một cách để thể hiện nét đẹp về đạo đức, sự lương thiện cũng như tính nhân văn, lòng trắc ẩn của người Việt Nam.
Xem thêm: Tìm hiểu công thức “nhỏ mà có võ” giúp nhà hàng tối đa hóa sức chứa phục vụ khách hàng
2. Hướng dẫn chuẩn bị mâm cúng cô hồn chuẩn và đơn giản nhất
2.1. Chuẩn bị mâm cúng cô hồn
“Cúng cô hồn gồm những gì?” là câu hỏi thắc mắc của nhiều người mỗi dịp rằm tháng bảy tới. Thông thường, tùy vào tập tục địa phương mà mỗi nơi sẽ có mâm cúng cô hồn khác nhau, cách cúng cũng sẽ khác biệt, nhưng nhìn chung thì một mâm cúng cô hồn chuẩn nhất sẽ gồm các vật dụng sau:
- 1 dĩa muối, gạo
- 12 chén cháo trắng hay 3 chén cơm nhỏ,
- 12 cục đường thẻ
- Bắp rang, khúc mía cây dài 15cm
- Bộ giấy tiền vàng bạc
- 3 ly nước, 2 cây nến, 3 cây nhang, 1 lư hương
Trong số những đồ cúng trên mâm này thì thứ không thể thiếu là đĩa muối, gạo, giấy tiền vàng bạc và nhang đèn. Muối gạo được cho là những thứ quan trọng nhất trên mâm cúng, những cái khác có thể thay thế nhưng riêng muối và gạo là không được. Nếu thiếu muối và gạo thì nghi lễ cúng bái sẽ không hoàn chỉnh, gia chủ dễ bị các loại ngạ quỷ, quỷ đói đi theo quấy phá sau này. Số lượng đồ cúng cũng không có quy định cụ thể, mỗi gia đình lại chuẩn bị theo truyền thống trong nhà mình.
Ngoài những đồ cúng cần thiết như trên, ngày nay mọi người còn bổ sung vào mâm cúng cô hồn nhiều đồ ăn khác như bỏng gạo, bánh kẹo, bim bim, sữa,… Cần lưu ý một điều là những đồ ăn như vậy trong mâm cúng cô hồn cần được sắp xếp lịch sự và trang trọng để tỏ ý gia chủ đang “mời”, vậy nên bánh kẹo và bim bim phải được bóc sẵn ra.
Để cúng, người ta hay thắp hương, đèn (hoặc nến), khấn vái thầm thì với nội dung mời “bà con cô bác” (ý nói các cô hồn) thụ hưởng các món cúng. Đôi khi người ta đọc một bài văn tế cô hồn (thường là dạng văn vần) phổ biến ở địa phương. Cuối buổi cúng, mọi người không hay ăn đồ lễ mà sẽ đem rải muối, gạo ra trước cổng; đốt vàng mã. Ở vài nơi, người ta cho phép trẻ con cướp (cỗ) cô hồn khi việc cúng được tiến hành xong.
2.2. Nên cúng cô hồn vào thời gian nào là chuẩn nhất?
Xem thêm : Đạo đức và Tự do
Việc lựa chọn thời gian cúng cô hồn cũng rất khác nhau ở các địa phương. Một số nơi quan niệm cúng cô hồn phải cúng trước ngày 15 (ngày rằm) nên sẽ cúng vào ngày từ ngày 10 – 14 âm. Một số nơi lại giữ quan niệm phải cúng vào đúng ngày “xá tội vong nhân” (tức ngày 15 âm) mới là đúng.
Phần lớn các gia đình sẽ tiến hành cúng vào tầm 17-19 giờ (từ 5-7 giờ chiều), vì theo dân gian truyền lại thì đây là thời điểm mặt trời lặn, dương khí suy yếu, âm khí thịnh hơn nên ma quỷ sẽ đi lại tự do hơn, có thể thoải mái hưởng thụ đồ cúng của người trên trần. Mâm cúng sẽ được bày ở trước cổng hoặc cửa nhà, bày ở chỗ ngã ba đường, chỗ đất hoang, cạnh ao hồ hoặc sông suối,…
3. Tháng cô hồn có phải kiêng kỵ đồ ăn gì không?
Ngoài kiêng kỵ làm những việc lớn, việc đại sự trong tháng 7 thì nhiều người còn chú trọng trong việc ăn uống vì quan niệm rằng để tránh tà khí, cầu mong nhiều điều may mắn, tránh được những điều xui xẻo. Một số món ăn mà nhiều người quan niệm là nên tránh trong tháng cô hồn:
- Cháo trắng (cháo loãng): Đây là món bắt buộc phải có trong các mâm cúng cô hồn, bởi trong quan niệm dân gian thì ma quỷ chỉ có thể ăn được cháo trắng nên người trên dương gian phải cúng cháo cho chúng. Nếu chúng ta ăn cháo trắng vào tháng 7 thì không khác gì đang tranh ăn với ma quỷ, sẽ bị chúng bám theo và quấy phá sau này.
- Thịt chó: Thịt chó là một món ăn giàu chất dinh dưỡng, tuy nhiên nhiều người quan niệm ăn thịt chó vào mùng 1 đầu tháng hay đầu năm có thể bị gặp nhiều điều không may mắn. Vào tháng cô hồn, những người tin vào tâm linh lại càng tránh xa thịt chó vì cho rằng nó mang lại điềm xui rủi, đen đủi cho mình.
- Mắm tôm: Mắm tôm có hơi đậm mùi, lại có màu sắc không được đẹp lắm. Vì thế, giống như thịt chó, nhiều người cũng quan niệm không nên ăn mắm tôm vào đầu tháng hoặc ngày rằm, riêng trong tháng 7 thì sẽ kiêng ăn cả tháng.
- Đồ mặn (thịt, trứng, cá,…): Tuy không phải là đồ mà tất cả mọi người đều tránh ăn nhưng trong tháng cô hồn này thì có rất nhiều người lựa chọn ăn chay thanh đạm để giảm “nghiệp” sát sinh, tạo thêm phúc đức mong các vong linh vất vưởng hoặc tổ tiên có thể nhanh chóng siêu thoát.
- Sầu riêng: Ở một số địa phương, người ta kiêng ăn sầu riêng vào tháng cô hồn vì cho rằng mùi của loại quả này sẽ… dẫn ma quỷ vào nhà.
Không chỉ vậy, có một số hành động mà mọi người cũng nên tránh trong tháng cô hồn như:
- Tránh làm vỡ bát đĩa: Đây được coi là điềm báo xui rủi, kém may mắn. Theo quan niệm của người xưa, bát đĩa vỡ trong tháng cô hồn còn là một dấu hiệu của việc gia đình lục đục, gia đạo bất an, vận xui ập tới, tài lộc tiêu tan
- Không ăn vụng đồ cúng: Việc cúng bái luôn được xem là một việc thiêng liêng, trang trọng; đặc biệt trong mâm cỗ cúng cô hồn thì đồ cúng là để dành cho những linh hồn lang thang đói khổ. Nếu chúng ta ăn vụng thì không khác gì đang tranh ăn với chúng, sẽ có thể bị quấy phá hoặc gặp những điều xui xẻo.
- Không cắm đũa lên bát cơm: Trong quan niệm của người Việt, việc cắm đũa lên bát cơm giống như bạn đang cúng người đã mất. Điều này sẽ khiến ma đánh hơi thấy và dùng cơm chung, mang âm khí vào nhà bạn.
Xem thêm: Những kinh nghiệm cần biết khi đi food tour cho các tín đồ ẩm thực
4. Kết luận
Cúng cô hồn là một nét đẹp văn hóa và truyền thống lâu đời của người dân nước ta, thể hiện sự nhân văn và lòng trắc ẩn từ xa xưa tới nay của người Việt. Các cụ có câu “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, vì thế dù tin tâm linh hay không thì chúng ta cũng cần chuẩn bị đầy đủ và tươm tất nhất cho mâm cỗ cúng cô hồn nhé!
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp