Làm thế nào nếu mất sổ hồng? Thủ tục làm lại ra sao?

Rất nhiều người vì thiếu tính cẩn thận mà làm mất sổ hồng. Do đó, hàng loạt các câu hỏi được đặt ra sau khi bị mất sổ hồng như phải làm thế nào nếu mất sổ hồng? Thủ tục làm lại ra sao, có rườm rà không? Hiểu được vấn đề này, OneHousing sẽ cung cấp một số liên quan trong bài viết dưới đây.

Bạn hiểu gì về sổ hồng?

Dựa trên màu sắc, người ta sẽ phân chia thành 2 loại, đó là sổ hồng và sổ đỏ. Có thể hiểu, sổ hồng là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và nhà ở gắn liền với đất. Sổ hồng được xem là một chứng thư mang giá trị pháp lý nhằm mục đích xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và nhà ở gắn liền với đất hợp pháp của hộ gia đình hoặc cá nhân.

Các nội dung trong sổ hồng sẽ gồm có:

  • Ở trang 1: Quốc huy, quốc hiệu và dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”; mục I là tên người sử dụng đất, người sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, có dãy số seri; con dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  • Ở trang 2: Gồm mục II với nội dung thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Trong đó sẽ là các thông tin liên quan đến công trình xây dựng, nhà ở, thửa đất, cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng, ghi chú; cơ quan cấp giấy chứng nhận và thời gian ký; số vào sổ khi cấp giấy chứng nhận.
  • Ở trang 3: Bản vẽ sơ đồ thửa đất, các tài sản có gắn liền với đất và sơ đồ của nhà ở cùng một số các thay đổi sau khi được cấp giấy chứng nhận.
  • Ở trang 4: Mục IV với nội dung những thay đổi sau khi được cấp giấy chứng nhận; mã vạch; những nội dung cần lưu ý đối với người được cấp giấy chứng nhận.
  • Trang bổ sung: Có dòng chữ “Trang bổ sung giấy chứng nhận được in màu đen”; số phát hành; số hiệu thửa đất; số vào sổ cấp giấy chứng nhận và mục IV với nội dung “Những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận” như ở trang 4.

Tìm hiểu 5 loại đất có vướng mắc vẫn được cấp số đỏ

Khi bị mất sổ hồng phải làm thế nào?

Khoản 1 Điều 77 thuộc Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đã ghi rõ, nếu bị mất giấy chứng nhận, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng cư dân phải tiến hành khai báo trung thực với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã phải niêm yết thông báo Khoản 1 Điều 77 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, ngoại trừ trường hợp mất giấy chứng nhận do bão lũ, ảnh hưởng của thiên tai.

Còn đối với nhóm đối tượng là cá nhân nước ngoài, tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, người Việt đang sinh sống ở nước ngoài thì phải đăng tin khai báo mất giấy chứng nhận, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở trên các kênh truyền thông đại chúng.

Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày các cá nhân, tổ chức nước ngoài, cơ sở tôn giáo, người Việt đang sinh sống ở nước ngoài đăng tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc niêm yết thông báo mất giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban Nhân dân cấp xã đối với cộng đồng dân cư, cá nhân, hộ gia đình, người không may bị mất giấy chứng nhận sẽ phải nộp 1 bộ hồ sơ để đề nghị xin cấp lại giấy chứng nhận.

Trách nhiệm của Văn phòng đăng ký đất đai ngay lúc này là tiến hành kiểm tra bộ hồ sơ; trích đo địa chính thửa đất hoặc trích lục bản đồ đối với những trường hợp chưa trích đo địa chính thửa đất hoặc trích đo bản đồ. Sau đó, lập hồ sơ để trình lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ký quyết định hủy giấy chứng nhận đã bị mất (quy định tại Điều 37 thuộc Nghị định 43/2014/NĐ-CP), đồng thời ký cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất; tiến hành chỉnh lý và cập nhật những biến động vào cơ sở dữ liệu đất đai và hồ sơ địa chính; cuối cùng là trao giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất cho người được cấp.

lam-the-nao-neu-mat-so-hong-thu-tuc-lam-lai-ra-sao-onehousing-1

Nếu không may làm mất sổ hồng, bạn cần phải khẩn trương khai báo với Ủy ban Nhân dân cấp xã. (Nguồn: Thư viện Pháp luật)

Thủ tục làm lại sổ hồng bị mất như thế nào?

Sau khi bị mất sổ hồng, bạn cần phải tiến hành làm các thủ tục như sau:

Chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ để đề nghị cấp lại sổ hồng đã bị mất

Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT hồ sơ địa chính đã quy định rõ về các loại giấy tờ và hồ sơ cần nộp khi đề nghị cấp lại sổ hồng đã bị mất. Theo đó, bạn cần phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ:

  • 1 tờ đơn đề nghị cấp lại sổ hồng, dựa theo mẫu số 10/ĐK.
  • Đối với cá nhân và hộ gia đình thì cần có giấy xác nhận của Ủy ban Nhân dân cấp xã về việc niêm yết thông báo mất giấy; Đối với tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, cơ sở tôn giáo thì cần phải có giấy chứng minh đã đăng tin thông báo mất giấy chứng nhận 3 lần trên các kênh truyền thông đại chúng ở địa phương; Đối với những trường hợp mất giấy chứng nhận do hỏa hoạn, thiên tai thì cần phải có giấy xác nhận liên quan đến hỏa hoạn, thiên tai của Ủy ban Nhân dân xã.
  • Giấy tờ tùy thân là căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân đều được.

Thứ tự quy trình đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đã bị mất

Để đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đã mất cần phải đi theo trình tự các bước như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

  • Các cá nhân, hộ gia đình nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp quận/huyện.
  • Nếu ở địa phương bạn đang sinh sống đã tổ chức bộ phận một cửa để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thì bạn nộp hồ sơ ở bộ phận đó.
  • Hoặc nộp tại Ủy ban Nhân dân cấp xã.

Bước 2: Tiến hành tiếp nhận hồ sơ

  • UBND cấp xã sau khi đã tiếp nhận khai báo của cá nhân, hộ gia đình thì phải có trách nhiệm niêm yết thông báo mất giấy chứng nhận tại trụ sở của UBND cấp xã.

Bước 3: Giải quyết

Sau khi đã tiếp nhận hồ sơ thì địa điểm tiếp nhận phải có trách nhiệm:

  • Kiểm tra kỹ lưỡng hồ sơ.
  • Đối với trường hợp chưa trích đo địa chính thửa đất hoặc chưa có bản đồ địa chính thì tiến hành trích đo địa chính thửa đất hoặc trích lục bản đồ địa chính.
  • Lập hồ sơ để trình lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký quyết định hủy giấy chứng nhận đã bị mất và ký cấp lại giấy chứng nhận mới.
  • Chỉnh lý, cập nhật biến động và cơ sở dữ liệu đất đai và hồ sơ địa chính.
  • Tiến hành trao lại sổ đỏ cho người được cấp.

Bước 4: Trả kết quả

  • Kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ thì thời gian cấp lại giấy chứng nhận không quá 10 ngày.
  • Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn thì thời gian cấp lại giấy xác nhận không quá 20 ngày.

lam-the-nao-neu-mat-so-hong-thu-tuc-lam-lai-ra-sao-onehousing-2

Thời gian trả kết quả không quá 10 ngày và không quá 20 ngày đối với các trường hợp là các xã miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. (Nguồn: Thư viện Pháp luật)

Như vậy, những câu hỏi liên quan đến trường hợp bị mất sổ hồng đã được OneHousing giải đáp. Mong rằng, bạn đọc sẽ nắm rõ những thủ tục pháp lý để phòng ngừa trường hợp làm mất sổ hồng.

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, OneHousing không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có sự tư vấn trực tiếp của Pro Agent.

Xem thêm:

Khi nào thu hồi sổ đỏ, số hồng đã cấp?

Quy định loại đất đủ điều kiện được cấp sổ đỏ mới nhất 2023?