Người được miễn trách nhiệm hình sự có phải là không có tội?

1. Thế nào là miễn trách nhiệm hình sự?

Tùy từng giai đoạn tố tụng, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án xem xét quyết định bị can, bị cáo không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu trong quá trình điều tra, truy tố hoặc xét xử, xét thấy hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa và không cần buộc họ phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất mà vẫn đảm bảo yêu cầu phòng, chống tội phạm.

Theo đó, việc miễn trách nhiệm hình sự được thể hiện qua các văn bản tố tụng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành như:

– Quyết định đình chỉ điều tra vụ án;

– Quyết định đình chỉ vụ án;

– Bản án của Tòa án trong đó có ghi nhận nội dung miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Tại Bộ luật Hình sự 2015, miễn trách nhiệm hình sự được quy định tại các Điều, khoản: Điều 16, Điều 29, khoản 2 Điều 91, khoản 4 Điều 110…

2. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự thế nào?

Theo Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, căn cứ để người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự như sau :

– Trong quá trình điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Theo đó, căn cứ để xác định do chuyển biến tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội dựa trên những quy định của Nhà nước có liên quan đến hành vi phạm tội nằm trong các văn bản pháp lý: Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết…

– Khi có quyết định đại xá.

Theo quy định tại Điều 70 Luật Hiến pháp 2013 thì chỉ Quốc hội mới có thẩm quyền quyết định đại xá. Quyết định này sẽ được đưa ra vào các dịp trọng đại nhằm miễn trách nhiệm hình sự cho một số loại tội phạm nhất định.

Ngoài ra, cũng tại Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, người phạm tộicó thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự nếu thuộc các trường hợp:

– Khi điều tra, truy tố, xét xử, xét thấy người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa do sự chuyển biến của tình hình;

– Người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

– Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

Bên cạnh đó, theo khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, người thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng cũng được xem xét miễn trách nhiệm hình sự, cụ thể:

– Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

3. Được miễn trách nhiệm hình sự có phải là không có tội?

Thực tế, việc xác định một người được miễn trách nhiệm hình sự có được coi là không có tội hay không đến nay vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều.

Tuy nhiên, để trả lời cho câu hỏi trên, cần hiểu rõ trách nhiệm hình sự là gì? Có thể hiểu, trách nhiệm hình sự là trách nhiệm pháp lý của người phạm tội phải chịu những hậu quả bất lợi về hành vi phạm tội của mình, gồm: Bị kết tội, bị áp dụng hình phạt, mang án tích…

Như vậy, miễn trách nhiệm hình sự cũng có thể hiểu là người phạm tội không phải chịu hậu quả pháp lý về hành vi phạm tội của mình, trong đó có bị kết tội và bị áp dụng hình phạt.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì:

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật…

Từ quy định trên, điều kiện để một người bị buộc tội bao gồm:

– Chứng minh là có tội theo trình tự, thủ tục quy định (tức có căn cứ thực tế xác định người đó phạm vào một tội quy định trong Bộ luật Hình sự).

– Có bản án kết tội của Tòa án và bản án này đã có hiệu lực pháp lý.

Theo đó, ngay cả trong trường hợp người tiến hành tố tụng đã chứng minh và làm sáng tỏ căn cứ về hành vi phạm tội của người bị buộc tội, nhưng do có các điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự và người này được miễn trách nhiệm hình sự thì đương nhiên nếu diễn ra ở giai đoạn điều tra, truy tố, vụ án sẽ được đình chỉ. Khi đó, người bị buộc tội sẽ không bị kết tội bởi bản án.

Trường hợp miễn trách nhiệm hình sự ở giai đoạn xét xử thì bản án của Tòa án cũng sẽ ghi nhận về việc miễn trách nhiệm hình sự.

Từ những phân tích trên, có căn cứ để xác định người được miễn trách nhiệm hình sự là người không có tội.

4. Miễn trách nhiệm hình sự khác gì với miễn hình phạt?

Miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt là hai khái niệm khác nhau nhưng vẫn còn nhiều người nhầm lẫn giữa hai khái niệm này.

STT

Tiêu chí

Miễn trách nhiệm hình sự

Miễn hình phạt

1

Điều kiện

Có căn cứ miễn trách nhiệm hình sự hoặc có thể miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 Bộ luật Hình sự như:

– Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; – Khi có quyết định đại xá;

– Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa…

Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự, đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.

2

Đối tượng

Có thể là người đã bị kết án hoặc chưa bị kết án.

Người đã bị kết án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật.

3

Thẩm quyền áp dụng

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án

Tòa án

4

Trường hợp được miễn

– Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (Điều 16);

– Người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, gây hại ko lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ…(Điều 91);

– Người đã nhận làm gián điệp, nhưng ko thực hiện nhiệm vụ đc giao và tự thú, thành khẩn khai báo (Điều 110);

– Người không tố giác có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm (khoản 3 Điều 390)

Được quy định tại Điều 59 Bộ luật Hình sự 2015.