Chúng ta đều biết khi mang thai sẽ gặp một số triệu chứng như: ngực trở nên nhạy cảm, trễ kinh, nghén, mệt mỏi… Đây đều là những biểu hiện thường gặp trong thời gian đầu thai kỳ. Ở một số phụ nữ lại gặp các tình trạng không phổ biến, ví dụ như: tiết nhiều nước bọt khi mang thai. Tăng tiết nước bọt trong thai kỳ hiếm gặp hơn và xuất hiện vào những tháng đầu. Tình trạng này thường đi kèm với sự ốm nghén, nôn ói nhiều của thai phụ. Chúng ta cùng tìm hiểu lý do và cách khắc phục tình trạng này qua bài viết của ThS.BS chuyên khoa Sản Phụ khoa Phan Lê Nam nhé!
Tiết nhiều nước bọt khi mang thai có bình thường không?
Việc tăng tiết nước bọt khi mang thai là hoàn toàn bình thường. Thông thường xảy ra trong giai đoạn đầu của thai kỳ, sau đó giảm dần. Tuy nhiên nếu mẹ nôn ói nhiều, tình trạng này có thể kéo dài hơn. Có trường hợp đến 3 tháng giữa thai kỳ, thậm chí là cho đến lúc sinh.
Bạn đang xem: Tiết nhiều nước bọt khi mang thai: Nỗi phiền toái của mẹ bầu!
Trung bình mỗi ngày người bình thường tiết lượng nước bọt khoảng 400 – 1 lít. Lượng nước bọt trông có vẻ nhiều. Tuy nhiên nhờ hoạt động nuốt liên tục nên chúng ta không có cảm giác đó. Khi mang thai, bạn có cảm giác lượng nước bọt tăng lên. Điều này có thể do tăng tiết nước bọt, do giảm hoạt động nuốt hoặc kết hợp cả hai. Khi cảm giác buồn nôn nhiều ở phụ nữ mang thai cũng làm tăng tiết nước bọt. Do đó, tăng tiết nước bọt thường gặp nhiều ở phụ nữ ốm nghén, nôn ói.
Khi nào thì tình trạng tăng tiết nước bọt xuất hiện và biến mất?
Tăng tiết nước bọt bắt đầu trong 3 tháng đầu thai kỳ, thường ở tuần thứ 2 và thứ 3. Ở một số phụ nữ, tình trạng này giảm khi bước vào 3 tháng giữa. Tuy nhiên ở một số người, lại tiếp tục kéo dài suốt thai kỳ và chỉ hết sau khi sinh.
Hiện nay nguyên nhân gây ra tăng tiết nước bọt vẫn chưa biết rõ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thay đổi nội tiết tố đóng vai trò quan trọng.
Nguyên nhân gây tăng tiết nước bọt trong thai kỳ
Có nhiều nguyên nhân góp phần dẫn đến tình trạng tiết nhiều nước bọt trong thai kỳ như:
1. Nôn ói
Đây là tình trạng phổ biến trong những tuần đầu thai kỳ, đặc biệt ở các mẹ nhạy cảm. Nôn ói làm bạn thấy khó chịu.
Bạn không muốn nuốt nước bọt và thường xuyên nhổ nước bọt để giảm cảm giác khó chịu. Do đó, dẫn đến tăng tiết nước bọt. Ốm nghén trầm trọng và kéo dài khiến tăng tiết nước bọt cũng kéo dài theo.
2. Các loại thuốc đang sử dụng
Tăng tiết nước bọt có thể là tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc: thuốc an thần, chống động kinh, kháng cholinergic,… Các loại thuốc tác động đến thần kinh đối giao cảm, khiến tăng sản xuất nước bọt.
3. Chứng ợ nóng hay trào ngược dạ dày – thực quản
Ợ nóng hay trào ngược xảy ra khi van giữa dạ dày và thực quản mở. Van mở cho phép hơi axit từ dạ dày lên thực quản. Khi mang thai, tử cung mở rộng để chứa em bé làm đẩy dạ dày lên cao, làm van mở. Khi chứng ợ nóng xảy ra trong thai kỳ, mẹ phải đối mặt với việc cảm thấy nóng rát ở ngực và cổ họng luôn bị kích thích.
Hơi axit sẽ kích thích tuyến nước bọt tăng hoạt động để tiết nước bọt giúp bảo vệ vùng hầu họng. Tăng tiết nước bọt cũng có thể xảy ra khi mẹ bị dị ứng.
Xem thêm: Trào ngược dạ dày thực quản: Nên và không nên ăn gì?
3. Thay đổi nội tiết tố
Nghiên cứu cho thấy tăng tiết nước bọt xảy ra vào 3 tháng đầu và có thể ở 3 tháng cuối. Điều này có thể liên quan đến sự thay đổi các nội tiết tố. Tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng nghiên cứu rõ ràng về việc này.
4. Nhiễm khuẩn vùng miệng
Xem thêm : Bà bầu uống sữa TH True Milk có tốt không?
Duy trì sức khỏe răng miệng tốt là điều bắt buộc đối với phụ nữ mang thai. Tuy nhiên có những trường hợp chăm sóc tốt nhưng vẫn còn một vài răng sâu cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Điều này cũng dẫn đến tăng tiết nước bọt để bảo vệ răng nướu.
5. Các chất kích thích hóa học
Việc tiếp xúc với các chất độc hoặc chất hóa học có thể gây tình trạng tăng tiết nước bọt trong thai kỳ. Cũng như việc sử dụng các thuốc điều trị nhiễm khuẩn vùng miệng hoặc bất kỳ sự tiếp xúc với các thuốc trừ sâu đều gây tăng tiết. Điều này thường gặp khi thành phần các chất có chứa thủy ngân. Hút thuốc lá cũng làm tăng sản xuất nước bọt trong miệng.
6. Lo lắng trong thai kỳ
Khi mang thai những thay đổi không chỉ làm mẹ thấy khó chịu về mặt thể chất mà tâm lý cũng trở nên lo lắng và nhạy cảm hơn. Lo lắng có thể khiến mẹ có xu hướng ít nuốt nước bọt nên cảm giác có nhiều nước bọt trong miệng hơn.
Có rất nhiều lý do nào tác động đến quá trình mang thai có thể gây ra tăng tiết nước bọt. Tuy nhiên mẹ đừng quá lo lắng vì đây là triệu chứng hoàn toàn bình thường và sẽ mất dần. Việc tăng tiết nước bọt này đôi khi lại có lợi đối với sức khỏe của mẹ.
Việc tăng tiết nước bọt có lợi gì?
Sản xuất nước bọt là một quá trình hoàn toàn tự nhiên, không có ý thức. Việc tăng tiết nước bọt giúp điều hòa một số vấn đề sức khỏe trong thai kỳ như:
1. Hỗ trợ tiêu hóa
Khi mang thai, có thể bạn sẽ gặp vấn đề khó tiêu. Chức năng chính của nước bọt là bắt đầu quá trình tiêu hóa ngay trong miệng, giúp dạ dày và ruột phá vỡ thức ăn dễ dàng. Do đó tăng tiết nước bọt sẽ giúp hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.
2. Trung hòa axit
Nước bọt có chứa nhiều hệ đệm trong đó có hệ đệm bicarbonat. Hệ bicarbonat có tính kiềm giúp trung hòa axit, nhất là khi mẹ có chứng trào ngược dạ dày – thực quản. Việc nuốt nước bọt cũng giúp làm dịu cảm giác nóng rát khi ợ nóng.
3. Giúp bôi trơn niêm mạc miệng
Khô miệng cũng là một trong những triệu chứng xuất hiện ở giai đoạn sớm thai kỳ. Việc tăng tiết nước bọt để bôi trơn niêm mạc sẽ giúp ngăn bám dính của thức ăn lên bề mặt nướu và răng. Do đó giúp ngăn ngừa sâu răng và các bệnh về nướu khác.
4. Giúp vệ sinh răng miệng
Việc nôn ói khi nghén sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn răng miệng. Tuy nhiên tăng tiết nước bọt giúp làm ẩm môi trường miệng, rửa trôi vi khuẩn và ngăn ngừa hôi miệng, sâu răng, bệnh nha chu.
5. Tạo hàng rào tự nhiên chống lại vi khuẩn
Các vi khuẩn tham gia vào việc hình thành mảng bám gây bệnh ở miệng. Các tuyến nước bọt làm nhiệm vụ thu gom Nitrat từ máu giúp ngăn ngừa vi khuẩn. Vì vậy nước bọt đóng vai trò như một hàng rào chống lại sự gây hại của vi khuẩn.
Mặc dù việc tăng tiết nước bọt khi mang thai là một cơ chế tốt giúp bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên tăng tiết nước bọt đi kèm với nôn ói sẽ khiến mẹ vô cùng khó chịu. Do đó chúng ta sẽ có một số cách giúp làm giảm bớt sự khó chịu do tình trạng này gây ra.
Cách giúp giảm bớt sự tăng tiết nước bọt khi mang thai
Chải răng đều đặn ít nhất 2 lần mỗi ngày, mỗi lần ít nhất 2 phút và vệ sinh sạch vùng kẽ răng. Sử dụng các loại nước súc miệng không chứa cồn, chất kích thích hoặc theo bác sĩ kê đơn giúp làm giảm sự tiết nước bọt.
Thăm khám nha sĩ ngay để điều trị các tình trạng viêm nhiễm trong miệng.
Xem thêm : Cho bé ăn trái cây khi nào? Ăn thế nào cho đúng cách?
Luôn mang theo chai nước bên mình và uống nước đầy đủ thường xuyên. Nên chia thành nhiều ngụm nhỏ.
Giảm sử dụng các thực phẩm có tính chất dính bề mặt nhiều, nên có chế độ ăn cân bằng hợp lý. Cố gắng chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày. Đồng thời tăng cường các thực phẩm chứa nhiều chất xơ và trái cây trong chế độ ăn.
Nhai kẹo cạo su không đường hoặc ngậm viên kẹo. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng nuốt nước bọt hơn mà không bị cảm giác buồn nôn. Có thể ngậm một viên đá nhỏ trong miệng giúp làm giảm tiết nước bọt tạm thời.
Mẹ có thể nhai những mẩu bánh quy khô nhỏ. Điều này giúp ngấm bớt một lượng nước bọt tạm thời.
Nên cố gắng nuốt nước bọt nếu có thể. Nếu lượng nước bọt quá nhiều gây khó khăn khi nuốt hoặc khiến bạn buồn nôn nhiều hơn, nên nhổ bớt ra giấy.
Nếu bạn đang hút thuốc lá, cách tốt nhất là bỏ thuốc. Điều này còn đem lại an toàn cho sức khỏe của bé. Các thành phần gây nghiện trong thuốc lá còn tăng khả năng gây dị tật thai nhi, sinh non, nhẹ cân…
Nếu thường xuyên buồn nôn có thể ngậm một mẩu chanh mỏng hoặc nhỏ một vài giọt tinh dầu ra khăn giấy. Việc ngửi tinh dầu giúp tránh được cảm giác buồn nôn.
Việc điều trị tăng tiết nước bọt bằng thuốc rất khó vì không xác định được chính xác nguyên nhân. Một số thuốc như belladonna và phenothiazine thường được sử dụng nhưng có thể gây tác dụng phụ như: khô miệng, táo bón.
Xem thêm: Bạn đã vệ sinh răng miệng đúng cách chưa?
Có thể phòng ngừa việc tăng tiết nước bọt khi mang thai không?
Có lẽ rất nhiều người thắc mắc về vấn đề này. Tuy nhiên hiện nay không có một phương pháp nào có thể ngừa được. Tương tự như ốm nghén khi mang thai, việc tăng tiết nước bọt hoàn toàn là một cơ chế tự nhiên. Đây là tình trạng tạm thời khi mang thai, sẽ giảm dần và hết sau khi sinh.
Bạn không cần quá lo lắng vì nó không hề ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé. Điều quan trọng là bạn hãy luôn giữ bình tĩnh, áp dụng các phương pháp giúp giảm khó chịu và tránh suy nghĩ về nó.
Có cần thiết phải đi khám bác sĩ khi gặp tình trạng này?
Nếu tình trạng tăng tiết nước bọt không gây bất kỳ khó chịu nào thì bạn có thể không cần phải khám bác sĩ.
Tuy nhiên nếu tình trạng trở nên trầm trọng và tiết nhiều đi kèm nôn ói nhiều, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ giúp bạn giảm lo lắng và giúp bạn điều trị một số nguyên nhân có thể góp phần gây nên tình trạng này.
Việc tiết nhiều nước bọt khi mang thai có thể sẽ khiến bạn khó chịu và đôi lúc xấu hổ. Nhưng bạn đừng quá lo lắng, đây chỉ là một dấu hiệu của mang thai. Nó là phản ứng tự nhiên với sự thay đổi trong cơ thể bạn. Đừng quá tập trung vào nó bạn sẽ thấy bớt khó chịu. Hãy dành nhiều thời gian để quan tâm đến sức khỏe mẹ và bé, sẵn sàng chào đón con yêu!
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp