Mọi hành vi trái pháp luật đều là hành vi vi phạm pháp luật?

Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật và có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi trái pháp luật đều là hành vi vi phạm pháp luật đúng hay sai?

Vi phạm pháp luật là gì?

Vi phạm pháp luật là hành vi xác định của con người trái với quy định của pháp luật, có lỗi do chủ thể có đủ năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật xác lập và bảo vệ.

Vi phạm pháp luật là trường hợp các chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng những quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để bị coi là vi phạm pháp luật, cần phải hội đủ các dấu hiệu cơ bản của vi phạm pháp luật.

Các dấu hiệu cơ bản của vi phạm pháp luật

Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật và có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Các dấu hiệu cơ bản của vi phạm pháp luật bao gồm:

(1) Vi phạm pháp luật phải là hành vi xác định của con người, tức là xử sự thực tế, cụ thể của cá nhân hoặc tổ chức nhất định, bởi vì pháp luật được ban hành để điều chỉnh hành vi của các chủ thể mà không điều chỉnh suy nghĩ của họ. Phải căn cứ vào hành vi thực tế của các chủ thể mới có thể xác định được là họ thực hiện pháp luật hay vi phạm pháp luật.

Hành vi xác định này có thể được thực hiện bằng hành động (ví dụ: đi xe máy vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông) hoặc bằng không hành động (ví dụ: trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế).

(2). Vi phạm pháp luật phải là hành vi trái pháp luật, tức là xử sự trái với các yêu cầu của pháp luật. Hành vi này được thể hiện dưới các hình thức sau:

– Chủ thể thực hiện những hành vi bị pháp luật cấm. Ví dụ: đi xe máy vào đường ngược chiều…

– Chủ thể không thực hiện những nghĩa vụ mà pháp luật bắt buộc phải thực hiện. Ví dụ: trốn tránh nghĩa vụ phụng dưỡng ông bà, cha mẹ…

– Chủ thể sử dụng quyền hạn vượt quá giới hạn cho phép. Ví dụ: trưởng thôn bán đất công cho một số cá nhân nhất định…

(3) Vi phạm pháp luật phải là hành vi của chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý, vì hành vi có tính chất trái pháp luật nhưng của chủ thể không có năng lực trách nhiệm pháp lý thì không bị coi là vi phạm pháp luật.

Năng lực trách nhiệm pháp lý của chủ thể là khả năng mà pháp luật quy định cho chủ thể phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Theo quy định của pháp luật, chủ thể là cá nhân sẽ có năng lực này khi đạt đến một độ tuổi nhất định và trí tuệ phát triển bình thường. Đó là độ tuổi mà sự phát triển về trí lực và thể lực đã cho phép chủ thể nhận thức được hành vi của mình và hậu quả của hành vi đó gây ra cho xã hội nên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Chủ thể là tổ chức sẽ có khả năng này khi được thành lập hoặc được công nhận.

(4) Vi phạm pháp luật phải là hành vi có lỗi của chủ thể, tức là khi thực hiện hành vi trái pháp luật, chủ thể có thể nhận thức được hành vi của mình và hậu quả của hành vi đó, đồng thời điều khiển được hành vi của mình.

Như vậy, chỉ những hành vi trái pháp luật mà có lỗi của chủ thể thì mới bị coi là vi phạm pháp luật. Còn trong trường hợp chủ thể thực hiện một xử sự có tính chất trái pháp luật nhưng chủ thể không nhận thức được hành vi của mình và hậu quả của hành vi đó gây ra cho xã hội hoặc nhận thức được hành vi và hậu quả của hành vi của mình nhưng không điều khiển được hành vi của mình thì không bị coi là có lỗi và không phải là vi phạm pháp luật.

Các loại vi phạm pháp luật cơ bản

– Căn cứ vào mức độ và tính chất nguy hiểm cho xã hội của vi phạm pháp luật, chúng được chia thành tội phạm và các vi phạm pháp luật không phải là tội phạm.

– Căn cứ vào đặc điểm khách thể vi phạm pháp luật, chúng dược chia theo Ngành Luật, chế định pháp luật. Có các loại vi phạm pháp luật: Vi phạm hình sự (tội phạm), vi phạm hành chính, vi phạm dân sự, vi phạm kỷ luật.

Mọi hành vi trái pháp luật đều là hành vi vi phạm pháp luật đúng hay sai?

Nhận định “Mọi hành vi trái pháp luật đều là hành vi vi phạm pháp luật” là sai, bởi vì không phải tất cả hành vi trái pháp luật đều là vi phạm pháp luật.

Chỉ có hành vi trái pháp luật nào được chủ thể thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý mới có thể là hành vi vi phạm pháp luật.

Dấu hiệu trái pháp luật mới chỉ là biểu hiện bên ngoài của hành vi. Để xác định hành vi vi phạm pháp luật cần xem xét cả mặt chủ quan của hành vi nghĩa là xác định trạng thái tâm lý của người thực hiện hành vi đó, xác định lỗi của họ.

Nếu một hành vi được thực hiện do những điều kiện và hoàn cảnh khách quan và chủ thể không thể ý thức được, từ đó không thể lựa chọn được cách xử sự theo yêu cầu của pháp luật thì hành vi đó không thể coi là có lỗi, không thể coi là vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó hành vi trái pháp luật của những người mất trí (tâm thần), trẻ em (chưa đến độ tuổi theo quy định của pháp luật) cũng không được coi là vi phạm pháp luật vì họ không có khả năng nhận thức điều khiển được hành vi của mình.