TRẠM Y TẾ PHƯỜNG 14

mot so cach bao quan thuc an 1

7 phương pháp bảo quản thực phẩm tốt nhất hiện nay

1. Bảo quản ở nhiệt độ thấp, đông lạnh

Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh được hầu hết các gia đình áp dụng. Nhiệt độ thấp có tác dụng ức chế làm giảm tốc độ các phản ứng sinh hóa trong thực phẩm. Nhiệt độ càng thấp thì tốc độ phản ứng càng giảm, vì thế nhiệt độ thấp tuy không tiêu diệt được vi sinh vật nhưng ức chế được sự phát triển của chúng.

Một số lưu ý khi bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh:

Không để thực phẩm đã chế biến chung ngăn với thực phẩm chưa chế biến.

Không đặt trực tiếp thực phẩm không được bao gói vào trong tủ lạnh.

Không để quá nhiều thực phẩm làm chật tủ lạnh gây cản trở việc lưu thông không khí trong tủ lạnh.

Không để thực phẩm vừa chế biến còn nóng vào tủ lạnh.

2. Đóng hộp, chai, lọ

Bảo quản thực phẩm bằng đóng hộp là phương pháp tương đối phổ biến hiện nay và bảo quản được trong thời gian dài. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được thực hiện tại các nhà máy đóng gói thực phẩm có công nghệ hiện đại. Bạn vẫn có thể đóng hộp theo phương cách đóng hộp nhưng vẫn phải yêu cầu đóng hộp bằng áp suất.

Trong phương pháp này, không khí được loại bỏ khỏi thực phẩm và cho vào hộp kín khí để vi khuẩn không phát triển được. Thực phẩm được bảo quản bằng cách đóng hộp và đóng chai sẽ bị hư hỏng rất nhanh nếu đã mở nắp.

3. Bằng muối và đường

Ướp muối là phương pháp dùng nồng độ muối cao để ức chế sự phát triển hoặc tiêu diệt vi khuẩn. Muối không thể phá hủy được độc tố của vi khuẩn, do vậy một số thực phẩm ướp muối vẫn có thể gây ngộ độc do độc tố của vi khuẩn đã có trước khi bảo quản. Vì vậy, thực phẩm trước khi ướp muối phải làm thật sạch, bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh.

Đường cũng được xem là một chất bảo quản. Chúng ta có thể lưu trữ thực phẩm trong một thời gian dài dưới dạng mứt, thạch… bằng cách thêm đường. Ướp đường cho phép bạn thưởng thức trái cây theo mùa như: dâu tây, xoài, thơm, vải, đào… hoặc ngay cả trong mùa vụ.

Tuy nhiên, lượng muối và đường dư thừa không tốt cho sức khỏe và có thể làm mất chất dinh dưỡng trong thực phẩm.

4. Điều chỉnh độ pH

Hầu hết các vi sinh vật gây hư hỏng thực phẩm và gây độc hại cho con người đều không phát triển được ở môi trường acid có pH <4,5. Cho nên dùng cách điều chỉnh pH cũng là cách tốt để bảo quản thực phẩm.

Muối chua sử dụng vi sinh vật chuyển hóa đường có sẵn trong rau củ và thực phẩm khác thành Acid Lactic, làm cho thực phẩm có hương vị đặc trưng. Rau củ muối chua có hương vị khác rau củ tươi, vì vậy muối chua chính là phương pháp cất giữ rau củ bằng cách tạo điều kiện lên men có lợi.

5. Hun khói

Hun khói là phương pháp chế biến món ăn kết hợp giữa sấy khô và làm thẩm thấu các hợp chất tự nhiên trong khói gỗ vào thịt, cá.

Khi thịt được hơ trên lửa, khói được hun vào nhằm làm tăng hương vị cũng như kéo dài thời gian bảo quản và sử dụng được lâu hơn mà không gây nguy hiểm

Một số món ăn sử dụng phương pháp hun khói để bảo quản phổ biến như thịt xông khói, thịt nguội, xúc xích, lạp xưởng…

Tuy nhiên, chất béo bão hòa trong sản phẩm xông khói góp phần làm tăng nguy cơ của các vấn đề sức khỏe mãn tính như tiểu đường, tăng nồng độ cholesterol làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

6. Sấy khô

Phương pháp bảo quản thực phẩm lâu đời nhất là bằng cách sấy khô (làm giảm hoạt động của nước đủ để trì hoãn hoặc ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn). Trong phương pháp này, thực phẩm được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời, hoặc sấy khô bằng máy móc, thiết bị… để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn trong đó. Một số loại thực phẩm như: hải sản, cá thịt, rau củ quả, trái cây và các loại hạt sẽ được bảo quản bằng cách này.

Tuy nhiên, các loại đường tự nhiên trong hoa quả khô có hàm lượng cao cung cấp một lượng lớn năng lượng, chất bột đường. Năng lượng nhiều sẽ không tốt cho các đối tượng thừa cân, béo phì, đái tháo đường. Điều này càng nguy hiểm khi trái cây sấy có khối lượng nhẹ trong khi năng lượng vẫn nhiều khiến người ăn khó kiểm soát lượng nạp vào dạ dày.

7. Hút chân không

Trái cây, rau và thịt sẽ bắt đầu hư hỏng sau một khoảng thời gian nhất định vì chúng tiếp xúc với không khí. Thường thì nấm mốc và vi khuẩn sẽ phát triển, khiến thực phẩm có sự thay đổi về mùi, màu sắc và kết cấu của chúng.

Khi bạn sử dụng phương pháp hút chân không, bạn loại bỏ gần như toàn bộ không khí trong túi/ hộp chứa đựng thực phẩm nhằm giúp thực phẩm không tiếp xúc trực tiếp với không khí. Với cách bảo quản bằng công nghệ hút chân không, thực phẩm có thể bảo quản lâu hơn so với cách bảo quản thông thường.