Ngân hàng MSB nợ xấu, chi phí dự phòng tăng kéo tụt lợi nhuận

Lợi nhuận MSB bị kéo giảm, chi phí dự phòng tăng mạnh

Dữ liệu tài chính quý 4 năm 2023 của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (mã chứng khoán: MSB) thu nhập từ lãi thuần tăng 284,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế ở mức 483,7 tỷ đồng giảm hơn 277,7 tỷ đồng (giảm 36%) so với cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân của sự tụt giảm mạnh chủ yếu chi phí hoạt động của Ngân hàng MSB trong quý 4 tăng 147,2 tỷ đồng và chi phí dự phòng tăng hơn 236,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận MSB bị kéo giảm, chi phí dự phòng tăng mạnh (Ảnh: KT)

MSB cũng ghi nhận khoản lỗ thuần từ mua bán chứng khoán trong quý 4 là 633 tỷ đồng. Báo cáo tài chính cũng chỉ ra khoản lỗ hơn 265,4 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh khác tuy nhiên MSB không giải trình cụ thể.

Tổng tài sản Ngân hàng MSB (tính đến 31/12/2023) là hơn 267.005,8 tỷ đồng tăng 54.229,9 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tính chung cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế là ghi nhận 5.829,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này ghi nhận hơn 4.644,2 tỷ đồng, tăng 28 tỷ đồng so với năm 2022 (tương ứng với mức tăng 0,6%).

MSB mới thực hiện được 93% mục tiêu 6.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm.​

Nợ xấu gần đến giới hạn phải kiểm soát

Trong khi lợi nhuận sau thuế của năm 2023 gần như đi ngang (tăng 0,6%) thì nợ xấu của Ngân hàng MSB lại đang tăng gần đến mức phải đưa vào kiểm soát.

Tổng nợ xấu của MSB là hơn 4.280,8 tỷ đồng, cả 3 nhóm nợ của MSB đều tăng. Cụ thể, tính đến 31/12/2023, nợ dưới tiêu chuẩn là 1.023,2 tỷ đồng (tăng 67,4% so với thời điểm đầu năm); nợ nghi ngờ là 1.441,2 tỷ đồng (tăng 225,4%,% so với thời điểm đầu năm) và nợ có khả năng mất vốn là 1.807,3 tỷ đồng (tăng 79% so với thời điểm đầu năm).

Tỷ lệ nợ xấu của MSB chiếm 2,87% trên tổng dư nợ cho vay. Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tính đến 31/12/2023 của MSB tăng tới 65%, ghi nhận gần 2.363,7 tỷ đồng.

Khối nợ xấu của MSB tăng từ 1,71% thời điểm đầu năm lên đến 2,87% vào cuối năm 2023. Ngân hàng Nhà nước đặt “ngưỡng trần” nợ xấu các ngân hàng ở mức 3%, nhằm đánh giá chất lượng tài sản. Khi ngân hàng không kiểm soát được nợ xấu dưới mức này sẽ bị giới hạn hoạt động theo quy định.