Ngân sách nhà nước là gì? Vai trò của ngân sách nhà nước

Ngân sách Nhà nước là tổng số thu, chi của Nhà nước trong một năm nhằm thực hiện các chức năng của Nhà nước. Vậy vai trò của ngân sách nhà nước là gì?

Căn cứ pháp lý: Luật ngân sách nhà nước 2015

1.Ngân sách nhà nước là gì? Bản chất của ngân sách nhà nước?

– Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.

Bản chất của ngân sách Nhà nước

+ Xét về hình thức: Ngân sách Nhà nước là một bản dự toán (kế hoạch) thu và chi do chính phủ lập ra, đệ trình quốc hội phê chuẩn.

+ Xét về thực thể vật chất: Ngân sách Nhà nước bao gồm những nguồn thu cụ thể, những khoản chi cụ thể và được định lượng (ngân sách Nhà nước là một quĩ tiền tệ lớn của Nhà nước).

+ Xét trong hệ thống tài chính: Ngân sách Nhà nước là một khâu trong hệ thống tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, xét về mặt bản chất, ngân sách Nhà nước là một hệ thống các quan hệ kinh tế, giữa một bên là Nhà nước với một bên là các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế. Đó là những mối quan hệ như:

+ Quan hệ giữa Nhà nước với các cơ quan tổ chức xã hội

+ Quan hệ giữa Nhà nước với các doanh nghiệp

+ Quan hệ giữa Nhà nước với tầng lớp dân cư

+ Quan hệ giữa Nhà nước với Nhà nước khác

Những mối quan hệ này luôn trong quá trình vận động và là quan hệ kinh tế hai chiều. Chính sự vận động qua lại của các quan hệ kinh tế này dẫn tới việc hình thành và sử dụng quĩ ngân sách Nhà nước.

>>>Xem thêm Ngân hàng Nhà nước là gì? Nhiệm vụ của Ngân hàng nhà nước

2. Hệ thống ngân sách nhà nước và quan hệ giữa các cấp ngân sách

– Ngân sách nhà nước gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

+ Ngân sách trung ương là các khoản thu ngân sách nhà nước phân cấp cho cấp trung ương hưởng và các khoản chi ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của cấp trung ương.

+ Ngân sách địa phương là các khoản thu ngân sách nhà nước phân cấp cho cấp địa phương hưởng, thu bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và các khoản chi ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của cấp địa phương.

– Ngân sách địa phương gồm ngân sách của các cấp chính quyền địa phương, trong đó:

+ Ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm ngân sách cấp tỉnh và ngân sách của các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;

+ Ngân sách huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm ngân sách cấp huyện và ngân sách của các xã, phường, thị trấn;

+Ngân sách các xã, phường, thị trấn.

3.Vai trò của ngân sách Nhà nước

– Ngân sách Nhà nước là kế hoạch tài chính vĩ mô trong các kế hoạch tài chính của Nhà nước để quản lí các hoạt động kinh tế – xã hội, nó có vị trí quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề tài chính vĩ mô, các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.

– Ngân sách Nhà nước là quĩ tiền tệ tập trung lớn của Nhà nước có nguồn hình thành là từ GDP và các nguồn tài chính khác được sử dụng cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.

– Ngân sách Nhà nước là khâu chủ đạo trong hệ thống tài chính công. Việc sử dụng ngân sách Nhà nước có ý nghĩa quốc gia với phạm vi tác động lớn và chủ yếu cho các nhu cầu có tính chất toàn xã hội.

Vì vậy, thông qua hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước, Nhà nước thực hiện hướng dẫn chi phối, kiểm soát các nguồn lực tài chính khác.

>>>Xem thêm Kho bạc nhà nước là cơ quan nào? Chức năng và nhiệm vụ