Nghỉ việc ngang có được trả tiền lương cho những ngày đã làm việc không?

1. Luật sư tư vấn quy định về nghỉ việc

Hành vi nghỉ việc ngang, không thông báo, không xin phép của người lao động là hành vi trái quy định của pháp luật. Việc nghỉ ngang không chỉ ngây thiệt hại về mặt sản xuất của người sử dụng lao động mà còn gây ảnh hưởng xấu đến các dây chuyền, giá trị của doanh nghiệp. Khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định của pháp luật (Nghỉ ngang), người lao động sẽ phải chịu chế tài là việc phải bồi thường cho người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, việc phải bồi thường không đồng nghĩa với việc người lao động không được hưởng tiền lương trong những ngày mình đã làm việc. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn có thể gửi thắc mắc của mình về Luật Minh Gia để được hướng dẫn tư vấn.

Nếu việc tư vấn qua điện thoại chưa làm bạn thỏa mãn về mặt thông tin, bạn có thể tham khảo tình huống tư vấn dưới đây, đối chiếu với trường hợp của mình và đưa ra hướng xử lý phù hợp.

2. Hỏi về tiền lương của người lao động

Nội dung câu hỏi tư vấn:

Kính gửi luật sư công ty luật Minh Gia. Em có vấn đề như sau mong luật sư tư vấn giúp em. Tháng 12/2017 em có làm việc tại công ty vận tải biển. Làm đến tháng 6/2019 thì công ty luân chuyển em vào vị trí nhân viên chứng từ xuất nội địa, công việc không có gì để phát triển kỹ năng cũng như tích lũy kinh nghiệm do trước đó em làm chuyên chứng từ quốc tế và agency. Ngoài ra, do công ty tiền thân gia đình nên các anh chị ở công ty đa phần là người nhà và làm trên 10 năm, em là người ngoài được tập đoàn tuyển vào nên em hay bị ăn hiếp ma cũ bắt nạt ma mới. Thậm chí khi luân chuyển qua vị trí mới chị làm chung không hướng dẫn lại công việc cho em để em tự bơi nên em tự hỏi những người xung quanh cách nhập thông tin vào hệ thống, họ không chuyên nên khi em làm bị sai sót thì đánh em như đánh con nhiều lần, em ấm ức có nói thẳng nhưng quản lý bênh vực chị ấy nên em quyết định nghỉ.

Công ty kêu em theo luật là bàn giao 30 ngày kể từ ngày nộp đơn, tuy nhiên nhà em hiện đang liên tục xảy ra nhiều việc cộng với việc đồng nghiệp liên tục kiếm chuyện và sỉ nhục cũng như cố tình nói sai sự thật với quản lý nên em rất mong muốn được nghỉ sớm hơn vì vô cùng mệt mỏi. Vậy cho em hỏi luật có quy định nào mà người lao động được phép nghỉ sớm hơn 30 ngày bàn giao hoặc được phép nghỉ ngang nhưng vẫn nhận lương những ngày đã làm không?

Em có nói với công ty em vẫn bàn giao đủ 30 ngày nhưng muốn nghỉ không lương để giải quyết 1 số việc nhà thì công ty bảo em không thuộc chế độ được nghỉ phép không lương. Công ty nói như vậy có đúng không ạ? Hiện tại em đã được công ty khác mời làm việc nên em cũng muốn nghỉ sớm. Ngoài ra, lý do chính em nghỉ việc là vì môi trường áp lực con người nhưng công ty lại ép em viết lý do nghỉ việc vì gia đình. Cho em hỏi việc này có đúng quy định không? Em rất mong nhận được sự hồi âm của Quý luật sư. Em xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Với vấn đề của bạn, chúng tôi xin đưa ra tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc chấm dứt hợp đồng lao động.

Điều 37 Bộ luật lao động 2012 quy định:

“1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

…”

Theo thông tin bạn cung cấp, công ty yêu cầu bạn bàn giao công việc trước khi nghỉ việc theo luật trong 30 ngày, do đó, có thể xác định hợp đồng lao động của bạn với công ty là hợp đồng lao động xác định thời hạn. Khi chấm dứt hợp đồng lao động xác định thời hạn, bạn cần có lý do theo quy định tại Khoản 1 nêu trên, đồng thời phải báo trước một thời hạn nhất định theo quy định tại Khoản 2.

Lý do công việc áp lực không thuộc các lý do để người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật. Trường hợp bạn muốn nghỉ sớm hơn theo quy định của luật, bạn cần thỏa thuận với công ty để được giải quyết nghỉ sớm.

Nếu bạn đơn phương chấm dứt HĐLĐ không đúng theo quy định tại Điều 37 (không có lý do hoặc không đảm bảo về thời hạn báo trước) thì việc bạn nghỉ việc sẽ thuộc trường hợp nghỉ việc trái luật, khi đó, bạn có nghĩa vụ phải bồi thường, hoàn trả cho công ty theo quy định tại Điều 43 Bộ luật Lao động như sau:

“1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.”

Thứ hai, về việc nghỉ không lương

Khoản 2 và 3 Điều 116 Bộ luật Lao động quy định:

“1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:

a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

b) Con kết hôn: nghỉ 01 ngày;

c) Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ 03 ngày.

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.”

Trường hợp của bạn nếu không thuộc khoản 1 và 2 của Điều này, khi bạn muốn nghỉ không lương cần phải thỏa thuận và được sự đồng ý của công ty. Trường hợp bạn không thể thỏa thuận với công ty mà tự ý nghỉ việc sẽ không thuộc trường hợp nghỉ không lương theo quy định của luật.

Thứ ba, về việc nhận tiền lương

Khoản 2 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012 quy định:

“2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.”

Khi bạn chấm dứt hợp đồng lao động với công ty, công ty có nghĩa vụ phải thanh toán đầy đủ các khoản tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng,… cho bạn trong thời hạn 07 ngày kể từ khi hợp đồng chấm dứt, trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Do đó, dù bạn nghỉ việc ngang nhưng công ty vẫn sẽ phải trả tiền lương cho những ngày bạn có đi làm tại công ty mà chưa được thanh toán. Tuy nhiên, bạn cũng có nghĩa vụ bồi thường cho công ty nếu đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.