NLĐ nghỉ ngang có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không? (Ảnh minh họa)
Bạn đang xem: NLĐ nghỉ ngang có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
1. Khi nào NLĐ nghỉ việc bị xem là nghỉ ngang?
Người lao động nghỉ ngang là trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Theo khoản 1 Điều 35 người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải thông báo trước cho người sử dụng lao động:
– Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
– Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
– Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
– Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Trừ trường hợp người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019.
Như vậy, nghỉ ngang có thể hiểu là người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật như tự ý nghỉ việc mà không báo trước cho người sử dụng lao động hoặc báo trước không đúng thời hạn theo quy định.
2. Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo Điều 49 Luật Việc làm 2013, điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm:
– Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
Xem thêm : Công thức tính diện tích xung quanh và diện tích toàn phần hình hộp chữ nhật
+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
+ Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
– Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
– Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Việc làm 2013.
– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
+ Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Chết.
3. Nghỉ ngang có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không?
Người lao động tự ý nghỉ việc không báo trước hoặc báo trước không đúng thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 thì được xem như là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo Điều 39 Bộ luật Lao động 2019.
Vì vậy, người lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013.
4. Nghỉ ngang có được chốt sổ bảo hiểm xã hội hay không?
Theo khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng có các nghĩa vụ sau đây:
– Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
– Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Như vậy, dù đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, người lao động vẫn được chốt sổ bảo hiểm xã hội vì đây là nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động.
5. Nghĩa vụ của người lao động khi nghỉ ngang
Theo Điều 40 Bộ luật Lao động 2019, người lao động nghỉ ngang sẽ không được trợ cấp thôi việc (nếu có) và phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
– Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
– Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật Lao động 2019.
>>> Xem thêm: Cho người lao động nghỉ việc do thay đổi cơ cấu tổ chức của công ty thì có phải bồi thường cho người đó không?
Nhật Anh
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp