NLĐ hưởng lương hưu chết, 02 khoản tiền mà người thân được nhận

1. Trợ cấp mai táng

Tại Điểm c Khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về trường hợp được hưởng trợ cấp mai táng như sau:

Điều 66. Trợ cấp mai táng

1. Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng:

c) Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.

Như vậy, người lao động đang hưởng lương hưu chết thì người lo mai táng sẽ được nhận trợ cấp mai táng một lần.

Mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động (NLĐ) đang hưởng lương hưu chết.

Trong đó: Mức lương cơ sở năm 2022 vẫn là 1.490.000 đồng/tháng (mức lương cơ sở vẫn không đổi từ năm 2019). Do đó, mức trợ cấp mai táng mà người thân của NLĐ được nhận năm 2022 là 14.900.000 đồng.

2. Trợ cấp tuất

Trường hợp 1: Trợ cấp tuất hàng tháng

Điều kiện hưởng

Theo Điểm d Khoản 4 Điều 12 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định về trường hợp nhận trợ cấp tuất hàng tháng như sau:

Điều 12. Chế độ tử tuất đối với thân nhân của người lao động chết mà trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

4. Người lao động bị chết thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì thân nhân đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 67 của Luật Bảo hiểm xã hội được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng:

d) Đang hưởng lương hưu mà trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên.

Như vậy, khi NLĐ đang hưởng lương hưu chết thì thân nhân của họ sẽ được nhận trợ cấp tuất hằng tháng trong trường hợp NLĐ trước khi chết có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên.

Thân nhân được hưởng

Căn cứ Khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng bao gồm:

– Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;

– Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

– Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ/chồng, mẹ đẻ của vợ/chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ;

– Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ/chồng, mẹ đẻ của vợ/chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.

Ngoại trừ thân nhân là con của NLĐ đang hưởng lương hưu chết, những thân nhân còn lại ngoài tiêu chí về độ tuổi và khả năng lao động nêu trên thì còn phải đáp ứng điều kiện một trong hai điều kiện sau:

– Không có thu nhập;

– Có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở.

Lưu ý: Thu nhập trong trường hợp này không bao gồm các khoản trợ cấp theo quy định pháp luật về ưu đãi người có công.

Số lượng thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng

– Trường hợp có 01 NLĐ đang hưởng lương chết, số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng tối đa là 04 người.

– Trường hợp có từ 02 NLĐ đang hưởng lương hưu chết, tất cả nhân thân đáp ứng điều kiện nêu trên sẽ được nhận trợ cấp tuất hằng tháng (không bị giới hạn số lượng thân nhân được hưởng).

Mức hưởng trợ cấp tuất hằng tháng

Theo quy định tại Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mỗi thân nhân sẽ được hưởng mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 50% mức lương cơ sở, trừ trường hợp:

– Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng: bằng 70% mức lương cơ sở.

– Có 02 NLĐ đang hưởng lương hưu mất, thân nhân được hưởng 02 lần mức trợ cấp tuất hằng tháng.

Trường hợp 2: Trợ cấp tuất một lần

Các trường hợp được hưởng

Căn cứ Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, NLĐ đang hưởng lương hưu khi chết thì thân nhân sẽ được hưởng trợ cấp một lần trong trường hợp:

– NLĐ đang hưởng lương hưu mà trước khi chết chưa đóng đủ 15 năm BHXH bắt buộc;

– NLĐ hưởng lương hưu mà trước khi chết có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên nhưng không có thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng;

– Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con/vợ/chồng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Lưu ý: Thân nhân hưởng trợ cấp tuất một lần là các cá nhân được quy định cụ thể tại Khoản 6 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 khi thuộc các trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần (nêu trên).

Mức hưởng trợ cấp tuất một lần

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu như sau:

– Nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì mức trợ cấp tuất một lần bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng;

– Nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp tuất giảm đi 0,5 tháng lương hưu, nhưng mức thấp nhất phải bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.

Ví dụ: Ông A đang hưởng lương hưu được tròn 02 năm (24 tháng) thì chết. Thân nhân của ông thuộc diện hưởng trợ cấp tuất một lần với mức như sau:

Mức trợ cấp tuất một lần = 48 – (Số tháng đã hưởng lương hưu – 2) x 0,5

= 48 – (24 – 2) x 0,5 = 38 (tháng lương hưu)

Trên đây là quy định về NLĐ hưởng lương hưu chết, 02 khoản tiền mà người thân được nhận.Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.

Căn cứ pháp lý:

Luật Bảo hiểm xã hội 2014;

Nghị định 115/2015/NĐ-CP.