Quy định về sử dụng còi xe và mức phạt vi phạm theo Nghị định 100

Mức phạt khi sử dụng còi xe không đúng cách

Hiện nay, mức phạt đối với hành vi sử dụng còi xe không đúng cách bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay vì Nghị định 46 năm 2016 như trước đây.

Theo đó, một số lỗi tăng mức phạt nhưng một số lại giữ nguyên.

Cụ thể như sau:

Loại phương tiện

Hành vi

Mức phạt theo NĐ 100 (đang có hiệu lực)

Mức phạt theo NĐ 46 (hết hiệu lực)

Xe máy

Bấm còi trong thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau trong khu đô thị, khu dân cư

100.000 – 200.000 đồng

80.000 – 100.000 đồng

Bấm còi, rú ga liên tục trong đô thị, khu dân cư

400.000 – 600.000 đồng

100.000 – 200.000 đồng

Điều khiển xe không có còi

100.000 – 200.000 đồng

80.000 – 100.000 đồng

Sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe

100.000 – 200.000 đồng

100.000 – 200.000 đồng

Ô tô

Bấm còi trong đô thị, khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, trừ xe ưu tiên

200.000 – 400.000 đồng

100.000 – 200.000 đồng

Bấm còi, rú ga liên tục, bấm còi hơi trong đô thị, khu đông dân cư, trừ xe ưu tiên

800.000 – 01 triệu đồng

600.000 – 800.000 đồng

Điều khiển xe không có còi hoặc có nhưng còi không có tác dụng

300.000 – 400.000 đồng

300.000 – 400.000 đồng

Điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định

02 – 03 triệu đồng

02 – 03 triệu đồng

Sử dụng còi xe đúng cách thể hiện văn hóa giao thông

Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Giao thông đường bộ 2008.

Ngoài ra, Luật này cũng quy định điều kiện của xe cơ giới tham gia giao thông phải có còi với âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật.

Như vậy, người sử dụng còi xe đúng cách là người:

– Không bấm còi trong đô thị, khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, trừ xe ưu tiên;

– Không bấm còi, rú ga liên tục trong đô thị, khu dân cư. Đặc biệt, ô tô không được bấm còi hơi trong đô thị, khu đông dân cư;

– Đi xe có còi và còi phải có tác dụng;

– Không “độ” còi, phải sử dụng còi đúng quy chuẩn của loại xe đang sử dụng;

– Chỉ sử dụng còi khi cần thiết, nhằm cảnh báo cho người khác trong những trường hợp cần thiết.

Việc sử dụng còi xe “vô tội vạ” không phải chuyện hiếm, đặc biệt ở các thành phố lớn trong giờ tan tầm. Tuy nhiên, việc này không những chẳng mang lại tác dụng gì mà còn khiến thành phố bị ô nhiễm tiếng ồn, người tham gia giao thông trở nên khó chịu. Thậm chí, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Sử dụng còi xe đúng cách không chỉ tránh cho người điều khiển phương tiện bị xử phạt mà còn thể hiện văn hóa của người tham gia giao thông.