Pháp luật Đức và LB Nga cũng có một số điểm tương đồng, bên cạnh đó cũng có sự khác biệt về tuổi chịu TNHS so với Việt Nam nên cần so sánh, đánh giá để kiến nghị hoàn thiện trong BLHS Việt Nam.
1. Quy định về tuổi chịu TNHS trong BLHS Việt Nam và so sánh với pháp luật hình sự Đức và LB Nga
Ở Việt Nam, tuổi chịu TNHS được quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như sau:
Bạn đang xem: Tuổi chịu trách nhiệm hình sự, so sánh với pháp luật Đức và Liên bang Nga, đề xuất và kiến nghị hoàn thiện
“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”.
Như vậy theo quy định trên, độ tuổi tối thiểu phải chịu TNHS là từ đủ 14 tuổi. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chia thành hai mức độ. Thứ nhất, là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, đối với trường hợp này được coi là có TNHS chưa đầy đủ, họ chỉ phải chịu TNHS trong một số trường hợp được quy định trong BLHS, cụ thể là chỉ phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của BLHS. Ngoài các trường hợp trên, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu TNHS về hành vi của mình. Thứ hai, đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu TNHS về mọi tội phạm, tuy nhiên trường hợp này vẫn có ngoại lệ trong một số tội có quy định riêng về độ tuổi phải đủ 18 tuổi trở lên như tội dâm ô người dưới 16 tuổi, tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm,…
Ở LB Nga, độ tuổi chịu TNHS được quy định tại Điều 20 BLHS. BLHS của Nga cũng có điểm tương đồng khá lớn đối với BLHS của Việt Nam. Cụ thể, ở Điều 20 BLHS Nga quy định:
“1. Người đủ 16 tuổi trước thời điểm thực hiện tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự.
Xem thêm : Mức phạt không có bằng lái xe ô tô năm 2024 khiến nhiều người giật mình
2. Những người đủ 14 tuổi trước thời điểm thực hiện tội phạm chịu trách nhiệm hình sự phải chịu trách nhiệm hình sự do thực hiện các tội sau: tội giết người (Điều 105); tội cố ý gây thương tích rất nặng cho sức khoẻ người khác (Điều 111); tội cố ý gây thương tích nặng cho sức khoẻ người khác (Điều 112); tội bắt cóc (Điều 126); tội hiếp dâm (Điều 131); tội cưỡng dâm (Điều 132); tội trộm cắp (Điều 158); tội cướp (Điều 161); tội cướp giật (Điều 162); tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 163); chiếm giữ trái phép ô tô hoặc các phương tiện giao thông khác không nhằm mục đích chiếm đoạt (Điều 166); tội cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản trong các tình tiết tăng nặng (khoản 2 Điều 167); tội khủng bố (Điều 205); tội bắt cóc con tin (Điều 206); tội thông tin sai sự thật về hành động khủng bố (Điều 207); tội gây rối trong các tình tiết tăng nặng (khoản 2 Điều 213); tội phá hoại tài sản công cộng (Điều 214); tội chiếm đoạt hoặc cưỡng đoạt vũ khí, đạn dược, thiết bị và vật liệu nổ (Điều 226); tội chiếm đoạt hoặc cưỡng đoạt các chất ma túy và hướng thần (Điều 229); tội làm hư hại các phương tiện giao thông và đường dây thông tin liên lạc (Điều 267);
3. Nếu người chưa thành niên đạt độ tuổi được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nhưng do thần kinh chậm phát triển nhưng không liên quan tới bệnh tâm thần vào đúng thời điểm thực hiện tội phạm không thể nhận thức đầy đủ tính chất thực tế và mức độ nguy hiểm do hành động (không hành động) của mình gây ra hoặc không thể điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Theo đó, Nga cũng quy định độ tuổi tối thiểu phải chịu TNHS là 14 tuổi và cũng phân chia thành các giai đoạn từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và giai đoạn từ 16 tuổi trở lên. Tuy nhiên, ở độ tuổi từ 16 tuổi trở lên, BLHS của Nga quy định rõ là phải đủ 16 tuổi vào thời điểm thực hiện tội phạm và không có quy định một số tội đặc biệt phải đủ 18 tuổi trở lên như BLHS của Việt Nam. Đối với giai đoạn từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì ở Việt Nam cũng quy định giống như tinh thần của BLHS Nga là chỉ áp dụng trong một số tội cụ thể, tuy nhiên ở Nga không phân chia thành tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng như BLHS của Việt Nam.
Còn đối với BLHS của Đức thì không quy định về tuổi chịu TNHS cụ thể như Việt Nam và Nga mà chỉ quy định về việc không có năng lực lỗi ở trẻ em. Theo đó, tại Điều 19 BLHS Đức:
“Điều 19. Không có năng lực lỗi ở trẻ em
Người không có năng lực lỗi là người mà khi thực hiện hành vi chưa đủ 14 tuổi”[1].
Như vậy ở Đức chỉ có độ tuổi tối thiểu được coi là có năng lực lỗi là từ đủ 14 tuổi trở lên, cũng giống với độ tuổi tối thiểu để chịu TNHS ở Nga và Việt Nam. Tuy nhiên, ở Đức không phân chia thành các giai đoạn tuổi chịu TNHS.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất, sửa đổi khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 như sau:
Xem thêm : Cách trị tàn nhang bằng lá tía tô đơn giản, hiệu quả tại nhà
“2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”.
Việc liệt kê một số tội trong khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 còn bộc lộ một số hạn chế như quy định tội mua bán người (Điều 150), tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151), tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 265). Bởi lẽ đối với đối tượng là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vẫn là độ tuổi mà chưa phát triển toàn diện về mặt nhận thức, khó có đủ khả năng để thực hiện được các hành vi mà tính chất nguy hiểm cao như hành vi mua bán người hay tổ chức đua xe trái phép. Theo đó, việc quy định các tội danh này vào khoản 2 Điều 12 BLHS là không khả thi trên thực tế nên cần loại bỏ.
Đối với tội đua xe trái phép (Điều 266), tội này có cả hai hình thức lỗi là lỗi vô ý và lỗi cố ý. Việc quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về tội rất nghiêm trọng do vô ý là không cần thiết. Nếu như ở BLHS LB Nga, khi đủ 16 tuổi thì phải chịu TNHS về mọi tội phạm chứ không giới hạn một số tội phải đủ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, ở Việt Nam, với chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội thì chỉ áp dụng chế tài hình sự khi thật sự cần thiết, đối với những tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trong một số tội danh. Hơn nữa, một số tội danh đòi hỏi độ tuổi phải từ đủ 18 tuổi trở lên là những tội mà những người dưới 16 tuổi khó có khả năng nhận thức hoặc khó có khả năng thực hiện. Đồng thời, tham khảo BLHS LB Nga cũng không quy định xử lý hình sự với cả 4 tội này đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Do đó, việc quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 với các tội danh này là chưa phù hợp.
Thứ hai,cần bỏ quy định tại khoản 3 Điều 14 BLHS năm 2015. Bởi lẽ khoản 3 Điều 123 và khoản 5 Điều 168 BLHS có khung hình phạt từ 01 (một) năm đến 05 (năm) năm thuộc tội phạm nghiêm trọng, trong khi khoản 2 Điều 12 BLHS lại quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều được liệt kê, trong đó có Điều 123 và Điều 168. Quy định như vậy là mâu thuẫn với khoản 2 Điều 12 BLHS cũng như không phù hợp với chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với người chưa thành niên phạm tội. Chuẩn bị phạm tội là một giai đoạn thực hiện tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội còn thấp và thực tế khách thể chưa bị xâm phạm. Do đó, việc quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội là không cần thiết và việc không truy cứu TNHS trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội sẽ có lợi hơn đối với người phạm tội thuộc độ tuổi này.
Thứ ba, nên cho phép mở rộng phạm vi áp dụng quy định trách nhiệm của người chưa thành niên đối với người đã thành niên nhưng thuộc các trường hợp người mới qua 18 tuổi, người bị bệnh hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi,… Điều này sẽ thể hiện tính nhân văn trong việc xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật hình sự cũng như phù hợp với xu hướng chung của pháp luật hình sự thế giới như tại Điều 96 BLHS LB Nga có quy định trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể áp dụng các quy định của chương người chưa thành niên phạm tội đối với người từ 18-20 tuổi, hoặc một số nước khác như Thụy Điển là từ 18-21 tuổi, Cu ba là từ 18-20 tuổi.
Tại Đức, tuy không quy định trong BLHS nhưng trong Luật về Tòa án người chưa thành niên có quy định trường hợp áp dụng một số quy định của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi đối với người từ đủ 18 tuổi đến dưới 21 tuổi – là những người vừa mới trưởng thành nếu đánh giá tổng thể về nhân cách của người phạm tội, có xét đến môi trường sống của người này, chứng tỏ rằng vào thời điểm thực hiện hành vi, người đó vẫn có trình độ phát triển đạo đức và trí tuệ tương đương với người chưa thành niên, hoặc loại hình, hoàn cảnh và động cơ của hành vi đó cho thấy hành vi đó cấu thành hành vi sai trái của thanh thiếu niên.
NGUYỄN THANH HUYỀN (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7)
Tòa án huyện Châu Thành, Hậu Giang xét xử 6 bị cáo trong vụ đua xe trái phép – Ảnh: Thanh Phong
[1] Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ luật Hình sự Cộng hòa Liên bang Đức, bản dịch, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, năm 2011.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp