Phân biệt khái niệm người từ đủ 18 tuổi và người chưa đủ 18 tuổi

người chưa đủ 18 tuổi

Phân biệt khái niệm người từ đủ 18 tuổi và người chưa đủ 18 tuổi (Ảnh minh họa)

Căn cứ tại Điều 20 và Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc phân biệt khái niệm giữa người từ đủ 18 tuổi và người chưa đủ 18 tuổi như sau:

Điều 20. Người thành niên

1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.

2. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này.”

Như vậy, theo quy định trên, người từ đủ 18 tuổi là người thành niên. Nói một cách dễ hiểu thì về nguyên tắc đủ tuổi là đủ ngày, đủ tháng, đủ năm và người được coi là người từ đủ 18 tuổi khi bước sang ngày sinh nhật lần thứ 18 của người đó.

Ví dụ: Nguyễn Thị Mai sinh ngày 19/10/2002 thì ngày 19/10/2020 sẽ được xem là đủ 18 tuổi, và từ đủ 18 tuổi xác định từ ngày 19/10/2020.

Điều 21. Người chưa thành niên

1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Theo căn cứ trên, người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên và theo nguyên tắc thì người chưa đủ 18 tuổi được hiểu là chưa đến ngày sinh nhật lần thứ 18 của người đó.

Ví dụ: Nguyễn Thị Mai sinh ngày 19/10/2002 thì ngày 19/10/2020 sẽ được xem là đủ 18 tuổi, chưa đến ngày 19/10/2020 thì được xem là chưa đủ tuổi.

Có thể thấy, người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên, đây là quy định chung cho mọi độ tuổi từ chưa đủ 18 tuổi trở xuống và người từ đủ 18 tuổi là người thành niên, có đầy, đủ quyền và nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đơn cử, độ tuổi từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân theo Hiến pháp 2013 và cũng là tuổi được quyền kết hôn đối với nữ theo Luật Hôn nhân & gia đình. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật đối với người chưa đủ 18 tuổi phải chia ra nhiều độ tuổi để xác định quyền và nghĩa vụ, cụ thể:

  • Người chưa đủ 6 tuổi thì giao dịch dân sự do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện;

  • Từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi thì khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi;

  • Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì tự mình được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Ngoài ra, tại Bộ luật hình sự hiện hành quy định về độ tuổi của “người dưới 18 tuổi” chứ không phải “người chưa đủ 18 tuổi”. Tuy nhiên, cần hiểu rõ, về cơ bản thì người chưa đủ 18 tuổi cũng được hiểu là người dưới 18 tuổi và là người chưa thành niên. Pháp luật hiện nay vẫn chưa thống nhất về tên gọi nên mỗi luật có thể quy định khác nhau nhưng khái niệm và cách xác định độ tuổi thì giống nhau.

Ty Na

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY