Lũ quét xảy ra do nhiều nguyên nhân, có thể quy kết thành 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu, là (1) Do điều kiện tự nhiên, khách quan hết sức bất lợi; (2) Do những thiếu sót, bất cập của các công trình và hệ thống dự báo, cơ chế phòng chống trên khu vực dễ lũ; (3) Do hoạt động con người.
Nguyên nhân tự nhiên từ cơ chế hình thành lũ quét
Bạn đang xem: Bài 4: Đâu là nguyên nhân thảm họa này?
Các tỉnh miền đồi núi Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang..; Các tỉnh Miển Núi Bắc & Trung Trung Bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi…; Các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Gia Lai, Kontum, Đak Nông, Lâm Đồng…, và các tỉnh Miền Đông Nam Bộ như Bình Phước, Tây Ninh, là những tỉnh có nhiều nguy cơ xảy ra lũ quét do điều kiện địa hình tự nhiên lẫn tác động môi trường từ con người.
Lũ quét có thể xảy ra trong một số điều kiện, nguyên nhân khác nhau. Phổ biến nhất là Lũ quét xảy ra khi trời mưa nhanh trên đất bão hòa hoặc đất khô có khả năng hấp thụ kém. Dòng nước chảy tích tụ theo kiểu dồn tụ các dòng chảy chung quanh chảy tràn ra lưu vực rồi liên kết với nhau để tạo dòng chung với khối lượng lớn hơn, thường chảy xiết cuốn theo các mảnh vụn bị bóc trôi ở vùng nước mặt.
Lũ quét thường xuyên nhất xảy ra ở những vùng khô mà trước đó đã nhận được lượng mưa đáng kể, nhưng có thể xảy ra bất cứ nơi nào ở hạ nguồn từ lượng mưa thượng nguồn gây tràn nước. Lũ quét cũng đã xảy ra sau các vụ phun trào núi lửa, hay khi các sông băng bị tan chảy. Lũ quét cũng được gây ra bởi lượng mưa lớn do bão và các áp thấp nhiệt đới. Các con đập, hồ chứa và những công trình tích thủy do hoạt động của con người cũng có thể khiến lũ quét xảy ra, và khi chúng vỡ, một lượng lớn nước có thể được giải phóng và phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó.
Nguyên nhân do sự thiếu sót bất cập
– Của các công trình
Hệ thống hạ tầng cơ sở như các công trình điện nước, đường xá, trạm trại của ta rải đều khắp nơi để phục vụ nhu cầu sản xuất, quản lý, dân sinh, nhưng những công trình xử lý, phòng chống, bảo vệ như các đê phân lũ, cống điều tiết, kênh tiêu thoát, kè chống sạt, tường chắn tràn, mốc quan trắc, nhà tránh lũ thì gần như không có sự quan tâm đầu tư trang bị đầy đủ hoặc nếu có thì cũng rời rạc, thiếu đồng bộ, lạc hâu và không được chăm nom bảo quản nên không phát huy được hiệu quả thực tế phòng chống lũ lụt.
Ngay cả khi có lũ quét, những cơ sở hạ tầng và các công trình công cộng này cũng đứng trước các nguy cơ bị phá hủy cuốn trôi, có nghĩa là việc cung cấp dịch vụ có thể bị gián đoạn trong những thời điểm cần thiết nhất. Ngập lụt nghiêm trọng đang ảnh hưởng trực tiếp tới các bệnh viện, trạm xá, trường học trong khu vực nên cũng không có nơi tập kết tránh trú, cấp phát cứu trợ hay can thiệp y tế. Mạng lưới nước sạch dự phòng cũng không được thiết kế đủ để bảo đảm sinh hoạt trong và sau lũ. Y tế phòng dịch thì không có lực lượng tại chỗ mà phải đợi huy động từ xa tới.
Hơn một phần ba lưới điện của Việt Nam được đặt tại các khu vực trong rừng, do đó đứng trước nguy cơ bị hư hỏng khi cây đổ do bão. Các trạm biến thế và đường truyền tải điện cho nhu cầu điện năng ở vùng lũ khi bị ngập, bị cuộn phá, sụp đổ, đứt gãy hay cắt đường giao thông vào thì gần như tê liệt, không cung cấp được năng lượng cần thiết cho công tác sửa chữa phục hồi, thông tin liên lạc, thắp sáng, chạy máy…. làm cho khả năng bị cô lập mọi thứ của các khu vực tổn thương gần như hoàn toàn.
Có thể nói là ta chưa tổ chức được mạng lưới hạ tầng để theo dõi, phòng chống, dự báo, cảnh báo, sơ tán, tránh trú, hậu cần, khôi phục… nhằm bảo đảm sống chung được với lũ.
– Của hệ thống cảnh báo
Các biện pháp quản lý rủi ro hiện nay là chưa đủ, mặc dù chương trình quản lý rủi ro của Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ trong thập kỷ qua nhưng vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể.
Một trong những tồn tại là quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn an toàn và bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng được thực thi kém hiệu quả. Khác hẳn với các thông tin dự báo thời tiết khí hậu hay cảnh báo thiên tai từ xa vẫn đang tỏ ra tương đối hiệu quả, đối với lũ quét, không dự báo chính xác sớm và cảnh báo kịp thời thì sẽ coi như không có tác dụng gì, và thực tế nhiều nơi -không chỉ ở nước ta, điều này vẫn là một thách thức khó giải quyết.
Dự báo lũ quét của chúng ta cho đến nay vẫn dựa trên phân tích ảnh vệ tinh địa tĩnh, số liệu quan trắc của các trạm khí tượng thủy văn kết hợp với phân tích mô hình báo lũ theo thuật toán cùng hệ số kinh nghiệm và đối chiếu với thông tin dự báo quốc tế và khu vực. Một quy trình kéo chuỗi như vậy trong tương quan với tính chất đặc thù của lũ quét là cực kỳ nhanh chóng, ồ ạt thì không bao giờ đuổi kịp diễn biến chớp nhoáng, khó đoán của loại thiên tai này.
Không riêng gì Việt Nam, trên Thế giới vẫn cho là với điều kiện kỹ thuật hiện nay cộng thêm diễn biến ngày càng chớp nhoáng, phức tạp của lũ quét theo đà biến đổi khí hậu thì dự báo kịp thới, chính xác lũ quét là điều vô cùng khó khăn.
– Của các điều kiện dự phòng
Các địa phương thường gánh rủi ro lũ quét dù đã hứng chịu bao lần và đầy kinh nghiệm ứng phó chống đỡ thế mà vẫn chưa có trang bị đủ hệ thống theo dõi, cảnh báo, phòng chống, bảo đảm an toàn, di dời, tập kết, cứu hộ cứu nạn, cứu trợ, tái khôi phục… một cách có bài bản với những giải pháp công trình (rừng đầu nguồn, cơ sở hạ tầng, hệ thống can thiệp) và phi công trình (giáo dục, huấn luyện, nhận thức môi trường, truyền thông, liên lạc) để đối phó với loại thiên tai này.
Phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy / Lực lượng / Phương tiện / Hậu cần) dù rất linh hoạt, đúng đắn lại không được nhiều địa phương nghiêm túc thực hiện do không đủ nguồn lực hoặc chưa nhận thức rõ tầm quan trọng chủ trương. Các nơi vẫn cứ quen trăm sự đều dựa vào cấp trên – chính quy hơn, hùng hậu hơn và thế là có gì thì đã có “Nhà nước lớn” lo, để nghịch cảnh bao lâu nay lũ quét cứ “đến hẹn lại lên” và khi lũ dữ, nước hung thì cứ kéo nhau lên Huyện, lên Tỉnh để tá túc, nhận cứu trợ chờ đến khi nước rút lại về tiếp tục phục hồi sinh hoạt, sản xuất chờ… Lũ.
Thủ phạm nhân tai
Trong bài này, vấn nạn lũ quét do nguyên nhân từ tác động của con người là điều đáng quan tâm nhất, vì bất kỳ một công trình nào do con người tạo ra, nhất là ở vùng rừng núi, đầu nguồn các con sông, đều ảnh hưởng hoặc ít hay nhiều nhiều đến môi trường, trong đó có cả việc ảnh hưởng đến đặc tính hóa – lý của các tầng địa chất ở một khu vực cụ thể.
Việc làm đường, xây dựng nhà máy, nông trại, hồ chứa, đập nước, các công trình dân sinh đều cần thay đổi cải tạo đến một diện tích nhất định vốn là rừng cây hay đồi, núi. Những cuộc chặt phá rừng để tạo mặt bằng, hành lang, vành đai bảo hộ, đường xá cho công trình đều tẩy sạch mặt đệm và cây rừng tự nhiên trong khu vực, làm tăng nguy cơ tràn chảy trượt không lực hãm cho dòng lũ quét hình thành. Phá rừng đầu nguồn hợp pháp hay bất hợp pháp đều là hủy hoại khả năng kềm giữ nước của tài nguyên đất tự nhiên, là thủ phạm hàng đầu của lũ quét.
Có thể lũ quét nói riêng và lũ lụt nói chung là tiền đề và động lực cho sạt lở đất, và 2 hiện tượng này gắn bó mật thiết nhau, và tác dụng lớn nhất của rừng tự nhiên đầu nguồn là hạn chế tối đa mối họa đó. Diện tích rừng nguyên sinh bị thu hẹp, được thay bằng rừng trồng ở vị trí khác khiến khả năng giữ nước bị thay đổi, taluy vách đồi, núi được xẻ cao làm mất thế cân bằng ổn định của mái dốc được tạo ra qua hàng triệu năm.
Rừng thiên nhiên và thảm thực vật bị tận diệt đã làm đất đai ở các vị trí đó trơ trọc và bị hoang hóa thêm mà nếu có rừng trồng mới cũng không mang lại tác dụng phòng hộ đầu nguồn nào. Nước lũ lưu thông dồn tụ trên hành lang các lưu vực không được rừng phòng hộ kềm hãm, ngăn cản đã mặc sức tung hoành tập hợp thêm lực lượng càng thêm hung hãn để tràn xuống vùng thấp hơn mà tàn phá.
Rừng trồng không bao giờ đạt hiệu quả thay thế được rừng và thảm thực vật nguyên sinh với độ bám rễ, sức lan tỏa kết nối, mạng liên kết đồng nhất. Thậm chí rừng trồng dễ bật gốc, tạo tác động trực tiếp để “kích hoạt” cơ chế chuyển dịch các khối đất, đá dẫn đến hiện tượng sạt lở đất hòa vào lũ và khi trôi càng làm tăng khối lượng chất rắn, động năng cho dòng lũ…
Hài hước hơn, nhiều nơi, nhiều người còn nghĩ rằng những cây cà phê, mắc ca, cao su, tràm, keo..v.v. là phủ xanh đồi trọc, phòng chống thiên tai, mang tác dụng kép vừa kinh tế vừa môi trường mà không hiểu rằng chỉ có rừng tự nhiên, dù là nguyên sinh hay thứ sinh với nhiều tầng cây cao thấp và thảm thực vật đan phủ kéo rễ kín mít ở thềm rừng mới có tác dụng bảo vệ – phòng hộ thực sự, chứ 2 từ “trồng lại rừng” và “phủ xanh khu vực” bị lạm xâm là những từ ngữ ngụy biện và không hề có tác dụng bảo vệ đất đai, phòng chống lũ lụt, thiên tai.
Hồ đập thủy điện về mặt lý thuyết là ngoài tích nước xoay dinamo các tổ máy phát điện và trả nước đầu ra về dòng chảy hạ lưu, đồng thời có tác dụng điều tiết nước, ngăn lũ khi được quản lý vận hành đúng chuẩn. Nhưng đó chỉ là trên nguyên tắc vậy thôi, chứ với đặc điểm thời tiết cực đoan khó lường của thời buổi biến đổi khí hậu thì đó chính là con dao 2 lưỡi.
Đó là, khi có biến động có thể quan trắc, dự báo của dạng thời tiết bình thường thì cơ chế đập tràn, cửa xả lũ của đập thủy điện sẽ hoạt động hiệu quả đúng như thiết kế và kịch bản và hồ chứa cùng hoạt động chủ động điều tiết nước lũ sẽ điều hòa được lưu tốc, cường độ, động năng dòng chảy lũ về hạ nguồn.
Khốn nỗi, trong điều kiện thời tiết cực đoan, mưa bão dồn dập không theo quy luật thì không cách nào các hồ đập giải quyết được hết tình trạng dồn nước lũ vượt mức báo động nhiều lần và phải vỡ trận xả lũ liên tiếp với công suất tối đa. Và thực tế là những gì đã tính trên thiết kế thường không dự ứng hết được khả năng đối phó của hệ thống đập tràn, cửa xả tương ứng với mức dị thường chớp nhoáng của những hiện tượng dồn nước đầu nguồn và tại chỗ tích nước cho những cơn lũ quét
Trên cơ sở tính toán các đập thủy điện châu Âu, một báo cáo đánh giá khả năng và mức độ trị thủy của đập đã thấy tất cả các đập (cả thủy điện, thủy lợi và cấp nước) thực chất phần nào đã có giúp giảm nhẹ lũ lụt ở tất cả các nước châu Âu. Tuy nhiên, mức độ thì tùy thuộc vào dung tích hồ và quá trình vận hành hồ.
Theo đó, các hồ lớn, quản lý và dự báo tốt có thể xả nước trước khi lũ lụt sẽ điều tiết giúp giảm rất nhiều lũ lụt ở hạ du, trong khi các hồ nhỏ thì hầu như không có khả năng giảm lũ lụt. Và đương nhiên là những thực tế đó chỉ xảy ra trong điều kiện bình thường và dù có bất thường thì cũng xảy ra theo quy luật…
Và chuyện đó là ở châu Âu vốn dĩ hiền hòa êm đềm chứ không ẩn họa nhiều biến cố từ gió mùa, hội tụ nhiệt đới, mưa bão cận xích đạo và địa hình đồi núi chập chùng như ở nước ta.
Ở Việt Nam – giống như thủy điện Hòa Bình trên sông Đà hay Đa Nhim, Trị An trên sông Đa Dung và Đồng Nai hoặc Hồ Dầu Tiếng của sông Sài Gòn, những hồ đập thủy điện hay thủy lợi lớn, những công trình trị thủy hiện đại quy mô được quản lý tốt mới có tác dụng thực sự điều tiết hiệu quả, nghiêm túc. Còn lại, tất cả các hồ đập, thuỷ điện cóc với kiểu quản lý, điều tiết vô tội vạ thì chỉ gây hại thêm cho môi trường.
Nên nhớ, xu hướng thế giới hiện nay, thủy điện được coi là một nguồn năng lượng tái tạo nhưng đã sớm “bẩn hóa” do tác động xấu đến môi trường, không phải là một dạng năng lượng sạch nữa.
Hiện nhiều nước Bắc Mỹ và Châu Âu đang trong các chiến dịch rầm rộ phá bỏ các đập thủy điện nhiều ẩn họa, trong khi đáng buồn là ở nước ta, “căn bệnh” này không mấy thuyên giảm. Có thể thấy, tuy chủ trương của Trung Ương là không ủng hộ thủy điện nhỏ dưới 15 MW, nhưng khổ nỗi các địa phương có vẻ hào hứng với những dự án đầu tư mang mầm mống tai họa này. Cả nước đã, đang, và sẽ dựng cho đủ hơn 800 cái thủy điện cóc như vậy.
Tác hại thủy điện lớn đã đáng ngại là thế nhưng kiểu tai họa này sẽ còn nhân lên nhiều lần khi có quá nhiều hồ đập thủy điện nhỏ rải dọc theo bậc thang thấp dần từ trên xuống để “nhà nhà, người người” cùng tận dụng dư địa lòng dẫn (có nơi chỉ đoạn sông 15 km mà đến 4 nhà máy chen chân đặt trên 4 bậc thang cao độ lòng dẫn) cho việc sản xuất năng lượng và kinh doanh phá rừng hợp pháp.
Đã vậy, các dự án này cứ luôn thích tích nước tối đa cho bảo đảm “nguồn vốn” phát điện, làm kịch bản xả lũ tăng cường khối lượng đột ngột, gia tốc, cộng hưởng thế năng, động năng mà lập chuỗi lũ quét theo hiệu ứng domino từ cái hồ đập cao nhất tràn nước dồn xuống dần theo tốc độ và khối lượng lũy tiến. Như thế cái hồ đập cuối cùng sẽ “hốt hụi chót”, mà chỉ có nước buông trôi xả ào ạt chứ chưa nói đến khả năng lớn vô cùng là vỡ đập.
Thang thủy điện Rào Trăng A Lin 1, A Lin 2, Rào Trăng 3 và 4 trên dòng sông Khe Bùn (Rào Trăng) nằm ở vùng lõi sinh thái Trung Trung bộ là một thí dụ rõ rệt. Vấn đề oái ăm ở đây là thà không có đập để dòng chảy cứ hoang dã dâng nước tràn mặt, hay kéo lũ về tự nhiên với quỹ thời gian rộng rãi, hơn là tích nước cho đầy để trùng hợp với lũ lớn về thì tập trung bung hầu bao “xài” 1 lần cho đã.
Nói cho cùng, không riêng gì thủy điện, sự phát triển không bền vững theo kiểu cứ ồ ạt theo đuổi tăng trưởng GDP mà tàn phá thiên nhiên ở hàng loạt các công trình kinh tế, công nghiệp, năng lượng ở những vùng gánh chịu thiên tai lũ quét kia chính là thủ phạm gây ra nhân tai này.
Theo điều tra nghiên cứu của World Bank tại Việt Nam, nếu vẫn tiếp tục xu hướng phát triển kinh tế nhanh ở các khu vực có nguy cơ cao như hiện nay thì thiệt hại do thiên tai sẽ gia tăng. Đã đến lúc cần có cách tiếp cận mới nhằm cân bằng giữa rủi ro và cơ hội để các vùng trọng điểm Việt Nam có thể tiếp tục là động lực tăng trưởng, đồng thời vẫn đảm bảo khả năng chống chịu với các cú sốc.
Đất nước cần được phát triển bền vững trong một không gian đáng sống chứ không thể đánh đổi môi trường lấy lợi ích tăng trưởng kinh tế.
Sự thiếu tổ chức, đồng bộ trong ứng phó
3 nguyên nhân mang tính chủ quan khiến bão lũ và thiên tai nói chung gây thiệt hại lớn cho người dân và cộng đồng.
– Thứ nhất là sự phát triển nhanh nhưng hỗn độn, thiếu tổ chức, thiếu hợp lý khoa học của cơ sở hạ tầng trên các khu vực dễ bị tổn thương, đặc biệt là ở vùng đồi núi và ven biển. Dự án hạ tầng do không được phối hợp, giám sát, tổ chức tốt nên thiếu đồng bộ, không tương tác, không dự ứng lực tác động cực đoan, manh mún, tự phát, phiến diện theo nhu cầu mà không có tầm nhìn, và quan trọng nhất là khiếm khuyết phần đánh giá rủi ro, tác động môi trường… nên có thể bị phá huỷ trong thiên tai.
– Thứ hai là chính sách tổ chức quan trắc, dự báo thời tiết, thông tin liên lạc, quản lý thiên tai rời rạc, thiếu gắn kết logic, khoa học, thiếu tương tác dữ kiện theo thời gian thực và thiếu tính thực thi nghiêm túc từ cấp trung ương đến địa phương. Cần cải thiện điều này cả về mặt chuyên môn, công nghệ lẫn thiết bị và nhất là cơ chế quản lý, thực thi để có chính sách, khung pháp lý, bộ máy đủ năng lực quản lý thiên tai.
– Thứ ba là thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý dẫn đến tình trạng mỗi chủ quản ban hành các chính sách, quy định riêng và các bộ phương pháp thu thập, phân tích, xử lý tình huống khẩn cấp khác nhau trong các vấn đề thiên tai, gây nên chồng chéo, khiến các các cấp thi hành bối rối, không biết cách áp dụng trên thực tế, và thường là “tùy cơ ứng biến” chứ không hề theo 1 quy trình, quy phạm thống nhất
Nếu chúng ta không cải thiện 3 vấn đề này, các lực lượng ứng phó sẽ càng lúng túng, xáo trộn hơn khi hữu sự và thiệt hại do thiên tai gây ra trong những năm tới sẽ còn nghiêm trọng hơn.
Các biện pháp phòng tránh
Khu vực miền núi, ven biển Việt Nam ngày càng phải hứng chịu nhiều thiên tai, gây ra những thiệt hại đáng kể về người và kinh tế, đồng thời cơ sở hạ tầng và công trình công cộng cũng đứng trước các nguy cơ này làm việc cung cấp dịch vụ bị gián đoạn trong những thời điểm cần thiết nhất. Tuy nhiên các biện pháp quản lý rủi ro hiện nay là chưa đủ, mặc dù chương trình quản lý rủi ro của Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ trong thập kỷ qua nhưng vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể.
Xem thêm : Tra cứu lương giám sát công trình
Các chuyên gia quốc tế cho rằng nếu không giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu, số người nghèo của Việt Nam có thể tăng thêm 1,2 triệu người vào năm 2030, và các rủi ro thiên tai sẽ luôn thay đổi do biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hoá.
Riêng khu vực đồi núi Tây Bắc, Tây nguyên, duyên hải Trung bộ Việt Nam ngày càng phải hứng chịu nhiều thiên tai lũ lụt gây những thiệt hại đáng kể về người và vật chất nhưng hiện vẫn chưa đủ các biện pháp cảnh báo và quản lý rủi ro mà nếu không khẩn trương xây dựng chiến lược tăng cường khả năng chống chịu thì hàng tỉ đô la tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ tới sẽ bị cuốn sạch bởi các thảm họa thiên nhiên.
Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, (do bão lũ, loại thiên tai phổ biến nhất ở Việt Nam, đặc biệt là Lũ quét), cần cải thiện 5 vấn đề : (1) Việt Nam cần tăng cường chất lượng thông tin và dữ liệu; (2) Quy hoạch khu vực cần phải được thông báo về rủi ro; (3) Tính toán chính xác rủi ro với hệ thống cơ sở hạ tầng; (4) Bảo đảm các hệ sinh thái bền vững; (5) Xây dựng chiến lược phòng ngừa thiên tai.
Những tiêu chí cơ bản để xác định lũ quét và giải pháp ứng phó
Ngoài việc phục vụ dữ liệu cơ bản cho thiết kế, thi công, xúc tiến bất kỳ loại biện pháp công trình, phi công trình nào, thì các đặc trưng cơ bản của lũ quyét là những cơ sở quan trọng nhất cho nhận thức cấp bách và triển khai kịp thời các giải pháp ứng phó với lũ quét xuất hiện trên khu vực.
Những tiêu chí cơ bản để xác định lũ quét là:
– Thời gian xuất hiện, thời gian lũ lên, lũ xuống và cả trận, quá trình lũ quyét.
– Đỉnh lũ và thời gian xuất hiện, biên độ lũ, lưu tốc trung bình và cực đại.
– Cường suất lũ lên, xuống trung bình và lớn nhất.
– Tổng lượng, thành phần vật chất trong lũ (lỏng, rắn), đặc trưng cơ lý của dòng.
– Thời gian tập trung lũ, thời gian truyền lũ, khả năng chuyển tải của dòng lũ quyét.
– Động lượng của dòng và tác động của dòng khi gặp vật cản.
– Kích thước hình học của lòng dẫn (tràn trên mặt hay theo lòng ống)
– Áp lực thủy động khi vỡ đập (đập thủy lợi hay đập mới hình thành do quá trình vận động của dòng chảy), và các chỗ tắc ứ tạm thời khi có lũ quyét.
– Vận tốc quán tính khi lũ gia tăng và tắt dần tùy theo cấu trúc lũ quét.
Những tiêu chí này thống kê được qua quá khứ những trận lũ trước đó và đặt ngưỡng của hệ số kinh nghiệm, phát triển hệ thống nạp liệu, xử lý phân tích, tự động hóa tín hiệu động thái để khi các yếu tố quan trắc ghi nhận đến cận ngưỡng thì phát được ngay cảnh báo và kích hoạt tình trạng khẩn cấp trên địa bàn vùng đối tượng lũ quét.
Cả chính quyền, đơn vị chuyên trách, người dân khi nhận được thông tin dự báo tiêu cực về Lũ quét trên địa bàn thì công tác chuẩn bị phải được sẵn sàng, khi nhận được cảnh báo lũ quét thì thực hiện ngay các bước cần thiết để khẩn trương ứng phó hiệu quả, kịp thời với Lũ để giữ an toàn sinh mạng, tài sản và hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại.
Giải pháp tránh lũ trước mắt cho đối tượng vùng lũ quét
Dải đất hẹp Tây Bắc, Bắc Trung bộ và vùng đồi núi Tây nguyên không xa lạ gì với lũ lụt vì khu vực này luôn phải đối mặt với những thách thức từ nước dâng trên các sông và các cơn bão nhiệt đới từ biển Đông, cũng như lượng mưa quá nhiều trong mùa gió Tây Nam. Những đối tượng sống hoặc làm việc ở khu vực dễ bị đe dọa lũ quét cần phải được trang bị những kiến thức cơ bản và những việc cần làm trước, trong và sau khi lũ lụt.
1. Trước trận lũ lụt – Luôn ở tư thế sẵn sàng từ trước
Chuẩn bị sẵn sàng là giải pháp tốt nhất của các cơ quan, đơn vị và người dân địa phương để giữ an toàn tính mệnh và tài sản ở mức tối đa khi có lũ lụt. Các cấp chính quyền địa phương triển khai linh hoạt phương án chuẩn bị lực lượng tại chỗ để sẵn sàng đối phó các nguy cơ lũ lụt cho với quy mô nguồn nhân vật lực đủ cho cộng đồng. Mỗi người thì thực hiện các bước đơn giản sau để sẵn sàng đối phó với bất cứ điều gì thời tiết gây ra.
– Hiểu sự khác biệt giữa thông tin dự báo và cảnh báo lũ lụt.
Theo dõi lũ đơn giản có nghĩa là quan sát kỹ các điều kiện thuận lợi cho lũ lụt xảy ra và thông tin đến mọi người các dự báo theo từng thời điểm định trước. Đây là thời điểm tốt để kiểm tra bộ dụng cụ khẩn cấp và chuẩn bị bất kỳ vật dụng cần thiết nào cần mang theo trong trường hợp phải sơ tán, chẳng hạn như quần áo, thuốc men và thức ăn cho vật nuôi.
Cần chú ý theo dõi các bản tin thời tiết và thông tin hướng dẫn từ chuyên ngành và địa phương Trong khi đó, cảnh báo lũ lụt có nghĩa là lũ lụt đang xảy ra hoặc sắp xảy ra, và khi có cảnh báo, cần tức khắc di dời vì sự cố xảy ra rất nhanh không kịp trở tay.
– Phòng sẵn 1 bộ dụng cụ khẩn cấp.
Dự trữ sẵn túi đựng hồ sơ quan trọng, thức ăn, lương khô, nước đóng chai, phao cá nhân, tấm nhựa, thuốc men và mọi thứ cần thiết trong 3 ngày để phòng trường hợp bạn bị mắc kẹt tại chỗ. Bộ dụng cụ còn bao gồm thêm đài thời tiết hoạt động bằng pin, pin rời, bộ sạc rời điện thoại, đèn pin, dao nhỏ, đồ khui, phao bơi, quẹt lửa… và hộp sơ cứu. Nếu có thể được, cần có thêm la bàn bỏ túi, cuộn dây thừng, túi ngủ… càng tốt.
– Chuẩn bị nhà cửa, trụ sở, công trình.
Gia cố nhà cửa, công trình, đắp bao cát, neo nén mái, chằng chống cột, tạo sẵn đường thoát hiểm… nếu có thời gian. Chúng có thể giúp ngăn nước lũ, mưa gió tràn vào cuốn đi tất cả. Phải đảm bảo rằng hệ thống điện nước, bếp, phụ tải, trang bị được che chắn bảo vệ tốt để không bị thiệt hại nghiêm trọng và gây nguy hiểm.
– Khẩn trương sơ tán
Đừng đợi lệnh sơ tán. Nếu sắp xảy ra lũ lụt, hãy dựa vào báo cáo thời tiết chính thức và sử dụng phán đoán tốt nhất mà sớm tiên lượng để chuyển đến vùng đất cao hơn và phải nhanh chóng thực hiện ngay hành động chuyển dời. Nếu chờ lệnh sơ tán hay nấn ná tính toán, tranh luận, có thể bị kẹt tại chỗ không thể kịp thời ra khỏi vùng mưa lũ.
2. Trong trận lũ lụt – Hãy luôn cẩn thận đề phòng
Tình huống lũ lụt là một trường hợp khẩn cấp đòi hỏi sự quan tâm và chú ý đến từng chi tiết để tránh bị thương vong.
– Đến vùng đất cao hơn.
Tuyệt đối không chần chừ mà phải hành động quyết đoán. Nếu có thể, hãy ngay tức khắc rời khỏi vùng ngập nước để đến vùng đất cao hơn. Nếu đường bị ngập, hãy tìm đường lên nóc tòa nhà và gọi cứu hộ từ điện thoại di động của mình hoặc bất cứ phương cách nào có thể cho người khác biết.
Tuyệt đối không trú chân trên những sườn dốc đồi trọc, chân nền địa chất có vẻ không săn chắc và phát sinh những tiếng động lạ từ lòng đất.
– Tránh nước lũ.
Ngay cả khi một khu vực không quá sâu hay không quá nguy hiểm, vẫn hãy tránh xa. Chỉ cần 20 cm nước dâng chảy là mọi người có thể chật vật khó di chuyển. Từ 40 đến 50 cm là nước có thể xốc nổi và mang đi cả những phương tiện lớn nhất – như 1 xe tải.
Không chỉ chết đuối mới là mối nguy hiểm duy nhất đáng lo mà nước lũ thường bị ô nhiễm bởi nước thải thô, rác rưởi và dòng chảy hóa học, gây đủ thứ bệnh tật cũng nguy hiểm không kém.
– Tránh điện
Các đường dây điện giăng thấp và các ổ cắm chìm hay đặt chân tường có thể gây nhiễm điện cho khối nước lụt trong nhà tỏa ra một phạm vi bán kính nhất định. Nếu không chắc chắn rằng nguồn điện đã bị ngắt, không nên vào khu vực có khả năng nhiễm điện.
3. Sau trận lũ lụt – Hãy kiên nhẫn chờ đợi
Sau khi nước lũ rút đi hay cơn bão tan, suy nghĩ đầu tiên của mọi người sẽ là đưa cuộc sống trở lại bình thường, nhưng trong một số trường hợp, sẽ cần phải kiên nhẫn thêm một thời gian nữa để mọi thứ trở lại trong tầm kiểm soát cho chắc ăn.
– Chờ cho tất cả rõ ràng
Không xâm nhập vào bất kỳ địa điểm nào bị lũ quét tàn phá, bị ngập lụt, sạt lở cho đến khi đơn vị cứu hộ hoặc chính quyền địa phương thông báo là tình hình đã an toàn. Nước có thể làm suy yếu các giá đỡ cấu trúc và góp phần vào sự phát triển của nấm mốc ẩn, lũ quét có thể khoét rỗng ruột chân công trình và làm tơi xốp nhão đất nền và chỗ đó có thể sụt lún, sạt vùi, đổ sập bất thình lình khó chống đỡ hay thoát thân kịp.
– Tránh các khu vực thiên tai
Nếu cần muốn quay lại hiện trường bị tàn phá, úng ngập ở khu vực chung quanh chỗ mình để khảo sát tình trạng thiệt hại hoặc hỗ trợ nỗ lực khắc phục, hãy tránh xa và chờ đợi cho đến khi lực lượng chuyên trách cứu hộ cứu nạn mở được thông đường đến đó.
– Liên hệ dịch vụ phục hồi
Ngay sau khi có thể trở về nhà hoặc cơ sở của mình, hãy liên hệ với bảo hiểm và một đơn vị dịch vụ chuyên nghiệp phục hồi thiệt hại do nước, gió bão. Nếu tự thân sửa chữa, khôi phục hạ tầng thì cũng nên tạo hiện trường an toàn, đầy đủ dụng cụ và tốt nhất nên có sự hỗ trợ của láng giềng hoặc cộng đồng.
– Cần theo dõi thông tin sau bão lũ
Xem thêm : Con người chưa lên tới Sao Hỏa, "sứ giả" Sao Hỏa đã tìm đến chúng ta
Kể cả khi mọi thứ có thể được phục hồi tạm đủ dù không thể như nguyên trạng thì vẫn cứ phải thường xuyên theo dõi tin tức truyền thông, các dự báo thời tiết và những hướng dẫn của cơ quan chuyên môn hay chính quyền địa phương để tránh được hiện tượng bão lũ chồng bão lũ hoặc bảo đảm điều kiện an toàn cho tiếp tục cuộc sống
Giải pháp tránh lũ của Chính quyền
Nhiều công trình chống lũ đã được chính phủ triển khai từ nhiều năm trên địa bàn các tỉnh thượng du, trung du có đồi núi, sông suối tiềm tàng nguy cơ lũ lụt. Các đơn vị chuyên môn về khí tượng thủy văn và phòng chống thiên tai của chính phủ cũng đã tổ chức được hệ thống theo dõi, đo đạc, tổng hợp, phân tích, cảnh báo và hoạt động trong tình trạng khẩn cấp.
Thực tế vừa qua cho thấy cần phải khẩu trương bổ sung đầy đủ ở những nơi xung yếu các mạng lưới cơ sở hạ tầng vững chắc linh hoạt trong lũ và tăng cường năng lực theo dõi, phân tích, dự báo, cảnh báo lũ quét trong điều kiện còn nhiều hạn chế nguồn lực của chúng ta một cách thích đáng hợp lý.
Nhưng trên tất cả, với tính chất cực kỳ chớp nhoáng, hung hãn của lũ quét và thực tế tang thương của những cơn lũ lớn vừa qua đã khiến cho chúng ta thấy dù có đầu tư mọi nguồn lực để tránh – chống là bao nhiêu đi nữa thì cũng là chưa thể đầy đủ được để chống chọi với sức mạnh thiên nhiên.
Vấn đề phải tập trung cho giải pháp phòng lũ bằng các công trình ngăn lũ, phân lũ, điều tiết dòng chảy, các khu tránh trú và định cư, và hơn hết là hệ thống cảnh báo sớm. Trên tinh thần này, Chính phủ đang khẩn trương duyệt xét các đề xuất nhằm cho phép triển khai Dự án Lắp đặt thử nghiệm hệ thống quan trắc cảnh báo sớm và đập chắn bùn đá nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất tại một số điểm có nguy cơ cao (giai đoạn 2020 – 2025).
Để giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét phải thực hiện một số biện pháp:
– Có chủ trương, chính sách quyết liệt, phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu trong ngắn hạn, dài hạn và có tầm nhìn đến +20, 30 năm.
– Hoàn thiện các công trình phòng chống lũ lụt ở các khu vực trọng điểm, đông dân cư với mức đầu tư hợp lý, đủ đầy và thường xuyên được kiểm tra bảo dưỡng, nâng cấp.
– Giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, cánh nhận dạng những ẩn họa thiên nhiên và tác động bất lợi cho môi trường, các phương pháp xử trí tình huống, các hành động ứng phó hữu hiệu trong thiên tai, tinh thần hỗ trợ tương thân tương ái… cho cộng đồng.
– Tăng cường hoàn thiện năng lực dự báo thời tiết khí hậu, nhất là cảnh báo sớm lũ quét bằng lực lượng nhân sự chuyên môn được đào tạo tốt, có kinh nghiệm, bằng đầy đủ trang thiết bị tiên tiến có hàm lượng công nghệ cao, hiện đại. Đẩy mạnh cập nhật và nâng cấp công nghệ quan trắc dự báo dựa trên những thành tựu khoa học khí tượng mới như công nghệ mô hình phát sinh lũ, thuật toán phân tích động thái lũ, giải đoán ảnh vệ tinh có dãy phổ rộng và độ phân giải cao, kỹ thuật viễn thám..
– Xây dựng được mạng lưới tương tác dữ liệu ngành, quốc gia, khu vực và quốc tế để truyền tải, tổng hợp, xử lý, đối chiếu tiến tới 1 hành động đồng nhất, hỗ tương. Xây dựng được hệ thống thông tin liên lạc hữu hiệu để truyền thông sự kiện, giáo dục nhận thức, hành động cho quần chúng, thực thi dự báo, cảnh báo, hướng dẫn thực hiện.
– Hợp tác quốc tế trong những gì liên quan đến lũ lụt, thiên tai, như trao đổi thông tin, dữ liệu, truyền thông, huấn luyện, nâng cấp hệ thống, chia sẻ chuyên gia, công nghệ, thiết bị, đồng hành cứu trợ, chia sẻ kinh nghiệm, bổ sung lực lượng… để ngày càng hiện đại hóa, quốc tế hóa sâu rộng hoạt động quản lý chuyên ngành, xử lý tình trạng khẩn cấp.
– Tổ chức bán chuyên nghiệp hóa lực lượng công vụ địa phương để đảm trách các phần việc tuyên truyền, thông tin, cảnh báo, ứng cứu, khắc phục. Lực lượng này là nòng cốt thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và luôn đi đầu trong các tình huống khẩn cấp.
– Hỗ trợ bằng nguồn lực cao hơn, thích đáng hơn từ trên cho các nỗ lực của địa phương cho công tác liên lạc dự báo, hành động can thiệp, viện trợ ứng phó, cứu hộ cứu nạn, phân phối nhu yếu phẩm. Sự hỗ trợ này thường phải cần có thêm hoạt động của các lực lượng Quân sự, Công an và đội ngũ ban ngành chính quyền cấp trên.
– Có quy trình ứng cứu kịp thời cho những trường hợp thiên tai lũ lụt đến bất ngờ, gây thiệt hại lớn. Có chính sách và chế tài nhiêm túc, hiệu lực với những hành vi xâm hại môi trường của các cá nhân, tập thể, đơn vị, doanh nghiệp. Bảo vệ đất nước phát triển bền vững trên tinh thần “không đánh đổi môi trường lấy hiệu quả kinh tế và tăng trưởng GDP”.
Biện pháp căn cơ phòng chống lũ
Với 30% dân sống ở vùng ven biển dễ bị lũ lụt, Việt Nam cần có phản ứng sáng tạo để các nước khác có thể coi như bài học kinh nghiệm, nếu không sẽ phải hứng chịu các thảm họa lũ lụt liên tiếp trong tương lai. Khi mực nước biển dâng và tiến sâu vào đất liền, nước lũ sẽ dâng cao hơn so với trước đây. Khu vực ven biển sẽ bị xuống cấp thêm qua mỗi năm, do đó Việt Nam cần tính đến một vài phương án xử lý.
Các lựa chọn gồm xây tường chắn, tìm khu tái định cư cho người dân hoặc tìm sinh kế mới cho họ, quy hoạch lại khu vực nông thôn và thành thị. Song song đó, Việt Nam nên thúc đẩy hoạt động của hệ thống cảnh báo lũ trong dài hạn dựa trên tiến bộ của phép quan trắc ảnh vệ tinh, hệ thông tin địa lý GIS, các thuật toán kỹ thuật số để giúp người dân sơ tán an toàn.
Trong sự chọn lựa cấp bách để dồn sức quan tâm, đầu tư giữa hệ thống quan trắc, cảnh báo và quy hoạch dân cư vùng nhạy cảm lũ lụt, thiết nghĩ nên ưu tiên chọn giải pháp quy hoạch khu dân cư và sản xuất vì dễ tập trung nguồn lực để ổn định cuộc sống và tránh tiêu hao quá nhiều nguồn lực tài chính cho thiết bị, cơ sở theo dõi cảnh báo sớm vì hệ thống này đầu tư tốn kém -dĩ nhiên sẽ triển khai thực hiện nhưng phải có lộ trình.
Kinh nghiệm trong cơn lũ lụt, sạt lở đất vừa qua ở Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam, trong khi các huyện khác trên địa bàn 2 tỉnh trên chới với với thiệt hại người và của thì chỉ riêng huyện Tây Giang của Quảng Nam, do có chính sách và quy hoạch từ trước đây vài năm, đã chuyển di dời định cư ở các khu cách biệt an toàn với các vị trí sườn dốc, ven sông suối khoảng 90 ngôi làng dân tộc nên thoát được tai họa mà vẫn ổn định sản xuất từ lâu.
Việc căn cơ phòng chống lũ theo đó cần hình thành trên 2 nhóm giải pháp – công trình và phi công trình:
– Công trình
+ Bảo vệ rừng nguyên sinh và phát triển rừng tự nhiên thứ sinh để củng cố tuyến phòng hộ đầu nguồn bằng rừng và thảm thực vật tự nhiên. Cần phải trồng những cây lâu năm, cây gỗ chắc, cây đa chủng đan xen đa tầng và rải thảm thực vật tầng sát đất, dây leo, cỏ có độ bám rễ ăn sâu nhằm phát triển độ đa dạng sinh học tự nhiên.
Không phát triển rừng cây công nghiệp, cây lâu năm, rừng trồng phủ xanh ở các vị trí đầu nguồn vì không tác dụng gì cả mà có hại thêm cho thềm rừng và bổ sung thêm “đồ chơi” cho lực công kích của dòng lũ quét và khi lũ rút làm hiện trường thêm ngỗn ngang, nhiễu nhương, dơ bẩn.
+ Hoàn chỉnh mạng lưới công trình đê ngăn lũ, phân lũ thực sự hiệu quả ở các vùng trọng điểm nhằm hạn chế đến mức thấp nhập tình trạng lũ tập trung, lũ ống, lũ cộng hưởng và tản rộng hướng lũ, lưu lượng lũ đi ra nhiều đường thoát giảm bớt cường lực quét phá. Tiến hành cải tạo độ dốc các điểm xung yếu, xây dựng tường và đê chống trượt, sạt lở. Lắp đặt cống hay cửa điều tiết dòng lũ ở các cửa mở về lưu vực hạ nguồn.
+ Xây dựng các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng đặc biệt có thể kết hợp sử dụng để phòng tránh lũ quét; Thiết kế thi công nhà cửa cơ động dạng “chống lũ, theo lũ”… để vẫn tồn tại được trong điều kiện lũ chớp nhoáng mà đường thoát hiểm hay giao thông bị ách tắc, phá hủy.
+ Các công trình bán kiên cố, kiên cố trong khu vực phải tính đến nền móng địa chất, cải tạo độ dốc, gia cố công trình bền vững với dự ứng lực tác động của lũ quét và sự phát sinh, phát triển lũ quét. Phải đánh giá đủ các tác động môi trường và khả năng chống chọi với thiên tai.
+ Quy hoạch khu dân cư sống chung an toàn với lũ theo hướng chọn khu vực địa lý bền vững, ít nguy cơ và tách chọn vùng đất sản xuất, dịch vụ gần nơi đó với độ an toàn thấp hơn. Việc xây dựng các khu định cư vùng lũ cần tuân thủ các quy tắc chống chịu linh hoạt được các điều kiện thời tiết cực đoan và lũ lụt, cháy rừng, có điều kiện hậu cần, chăm sóc y tế tại chỗ và khả năng an cư lâu dài.
– Phi công trình
+ Lập bản đồ phân vùng dự báo và cảnh báo lũ quét với các tỷ lệ phù hợp và phân cấp xử lý; Tận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để hoàn thiện công nghệ theo dõi, cảnh báo sớm.
Do đặc thù của lũ quét là cực nhanh nên phải có chế độ cảnh báo sớm, sử dụng công nghệ ảnh vệ tinh thu thập và giải đoán, hệ thông tin địa lý (GIS), viễn thám RS, phát triển mô hình và thuật toán phân tích kết hợp với hệ thống quan trắc dự báo khí thượng thủy văn có sẵn… để đưa ra được diễn biến chính xác tình trạng tiền lũ và phát các dự báo, cảnh báo sớm kịp thời.
+ Xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc phù hợp để kịp thời cứu hộ và chỉ đạo phòng tránh. Thông tin cảnh báo khẩn cấp bằng loa phát thanh, điện thoại, tin nhắn, hoặc pháo hiệu cần phải cấp tốc phát báo chắc chắn đến người nhận trước ít nhất một tiếng đồng hồ trước lũ quét, tin cảnh báo sớm phải đến trước ít nhất 3 tiếng.
+ Lập đường truyền trực tuyến theo dõi, giám sát và xử lý thông tin hồ chứa và hoạt động điều tiết nước qua các cửa, van và đập tràn của toàn bộ các đập thủy điện, các hồ tự nhiên có cửa điều tiết, các hồ sinh thái, thủy lợi hay cấp nước từ lớn cho đến nhỏ và vừa.
Chương trình và thực tiễn hoạt động điều tiết nước nguồn của những đối tượng này phải được 100% thông qua sự kiểm tra và điều phối của cơ quan quản lý chuyên trách. Tất cả các mức báo động của hồ chứa và ý định xả lũ phải được thông báo và đồng ý của chính quyền.
+ Xây dựng ngay trên khu vực nhạy cảm với loại thiên tai này mạng lưới đo đạc thời tiết hợp lý để theo dõi và dự báo mưa trong lưu vực xảy ra lũ quét với đội ngũ tác nghiệp và thiết bị cố định hay di động được cải tiến hơn, chuyên nghiệp hơn, hàm lượng công nghệ cao hơn để phát các dự báo chính xác, kịp thời.
+ Tuyên truyền quảng bá để cộng đồng hiểu và phòng tránh loại hình thiên tai này. Tổ chức trong cộng đồng các lớp tập huấn kỹ năng phó, hành động khẩn cấp trong tình hình Lũ quét và triển khai lực lượng tình nguyện viên rải đều khắp các địa bàn.
+ Tổ chức được hệ thống phòng tránh, xử lý, cứu hộ lũ lụt theo phương châm “4 tại chỗ” (Dự báo, điều phối, chỉ huy / Lực lượng ứng phó / Cơ sở vật chất phương tiện / Hậu cần, khắc phục) để phản ứng nhanh nhạy, hiệu quả ngay tại địa bàn hứng chịu thiên tai lũ lụt.
ĐÔI DÒNG KẾT LUẬN
Các chuyên gia quốc tế cho rằng lũ lụt ở miền sơn cước và duyên hải Việt Nam là hậu quả của tình trạng thời tiết phức tạp, có thể trở thành hình thái “bình thường mới” trong tương lai. Theo đánh giá toàn cầu về các điều kiện khí tượng hiện nay, Việt Nam đang hứng chịu những tác động biến đổi khí hậu tồi tệ nhất thế giới.
Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến các đặc điểm của mưa và bão, do đó những kinh nghiệm trước đây có thể không còn hữu ích trong những thập kỷ tới. Trong 10 năm tới, thiệt hại do thiên tai, nhất là lũ lụt ở Việt Nam, có thể ở mức 4 tỷ USD nếu chính phủ trì hoãn thực hiện các biện pháp cần thiết và căn cơ để tránh các tổn thất về tài nguyên, môi trường và nguồn lực.
Do đó, việc nghiên cứu lũ quét và đề xuất các giải pháp ngăn ngừa, hạn chế tác hại của chúng là rất cần thiết. Kết quả nghiên cứu sẽ là một bức tranh tổng quan, cần thiết đối với mọi người từ người dân cho đến các nhà nghiên cứu và quản lý. Đối với người dân, họ sẽ biết được họ đang ở đâu và mức độ nguy hiểm như thế nào, có tai biến, trượt lở, lũ quét hay không… để đưa ra quyết định có nên lưu trú ở đó hay không, hoặc nếu có thì sẽ phải làm gì để đề phòng.
Đối với các nhà quản lý và nghiên cứu sẽ có cái nhìn tổng quát về lũ quét các nguy cơ về tần suất xuất hiện và mức độ tàn phá của chúng… để định hướng quy hoạch hợp lý các khu dân cư, đô thị hoặc di dân khỏi khu vực nguy hiểm và định hướng phát triển kinh tế – xã hội lâu dài, bền vững; đồng thời đưa ra các giải pháp thích đáng để giảm thiểu hậu quả của thiên tai.
Lũ quét là một dạng thiên tai nguy hiểm như khó đoán, tuy theo truyền thống thì thường xảy ra ở các vùng đồi núi, ven biển, nhưng nay với đà đục núi, xẻ đường, đô thị hóa tối đa hiện tại thì những cơn mưa bão của thời kỳ biến đổi khí hậu sẽ kéo lũ quét về chốn thành thị chập chùng các khối kiến trúc bê-tông để gây thêm tai họa cho cuộc sống.
Với sức mạnh thiên tai từ Thiên nhiên thì phòng chống khó lòng là bài toán đạt mục đích ngăn chặn hữu hiệu, chỉ còn nên thuận theo thiên nhiên mà ứng phó, thích nghi và có các biện pháp hiệu quả để hạn chế đến mức tối đa những thiệt hại mà thôi. Lời giải kiểu này chỉ khả thi nếu xã hội được phát triển bền vững.
LÊ HÙNG – Tổng hợp
Nguồn bài 1: https://thegioimoitruong.vn/bai-1-hieu-sao-ve-lu-quet.html
Nguồn bài 2: https://thegioimoitruong.vn/bai-2-lu-quet-dang-so-nhu-the-nao.html
Nguồn bài 3: https://thegioimoitruong.vn/bai-3-thuc-trang-hoanh-hanh-cua-lu-quet.html
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp